Hoa Ban nở trắng xuân Tây Bắc
Mùa xuân này, cô gái trẻ đang tuổi 20 Dương Hoàng Yến (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) háo hức dệt thêm những ước mơ cho cuộc đời tươi mới đang chờ đón em ở phía trước. Vốn bị bại não từ nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân, việc học hành trở nên quá đỗi khó khăn với Yến. Em đến với lớp học khuyết tật của phường Trung Hòa với vẻ mặt ngơ ngác, những cử chỉ lóng ngóng, vụng về của một đứa trẻ không may bị căn bệnh bại não bẩm sinh. Việc dạy học cho em là cả một hành trình gian nan, khó đo đếm được bằng lời. Không ai dám chắc về sự học của em, vậy mà dưới sự dìu dắt, bảo ban của cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, từ một học sinh khuyết tật hoàn toàn không biết gì, chỉ sau hơn 1 năm, Hoàng Yến đã biết đọc, biết viết. Xóa đi mặc cảm, phiền muộn, được sự quan tâm, động viên, tận tình dạy ghép vần, làm toán và dạy cả kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân của cô giáo Nhung mà Yến đã nhanh chóng hoàn thành chương trình lớp 5. Giờ đây, không chỉ biết đọc, biết viết em còn biết kinh doanh nhỏ, bán hàng qua mạng để kiếm sống. Mùa xuân và tấm lòng ấm áp yêu thương của cô giáo Nhung đã mở cửa trái tim, niềm tin cho cô gái khuyết tật.
Được phân công dạy học cho lớp học tình thương của phường Trung Hòa, cô giáo Nhung đã phải trải qua nhiều khó khăn, áp lực và cả những trăn trở, lo lắng. Có những lúc vì quá áp lực, vì quá mệt mỏi cô đã muốn từ bỏ. Nhưng những lúc như vậy cô lại nhận được những lời động viên từ người chồng, bởi theo anh "đó là một công việc tốt, có ích cho xã hội mà không phải ai cũng có thể làm được. Những đứa trẻ đó đã phải chịu thiệt thòi rất nhiều rồi, hãy giúp chúng đứng dậy và vươn lên trong cuộc sống”. Những lời động viên của gia đình cùng sự tiến bộ từng ngày của học sinh cũng là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn của buổi ban đầu.
Trong quá trình gắn bó với học sinh khuyết tật ở các lứa tuổi, hoàn cảnh, bệnh tình khác nhau, cô dần tìm thấy một cách sâu sắc những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Cô yêu thương học trò như những đứa con mình dứt ruột đẻ ra, để rồi luôn tìm những phương pháp dạy học phù hợp với các em; luôn ân cần bảo ban, chia sẻ mọi khó khăn, vướng mắc của các em trong cuộc sống hàng ngày… Chẳng hiểu từ lúc nào, cô thấy yêu công việc luôn đầy rẫy khó khăn này và vui với sự tiến bộ mỗi ngày của các em, buồn với những nỗi đau mà các em phải gánh chịu. Mỗi câu chuyện về những đứa trẻ khuyết tật luôn là một bài học vô cùng quý giá mà cô dạy các con của mình về sự vượt khó, về tình yêu thương giữa con người với con người.
Cô bảo, mỗi khi Tết đến, lớp học cũng vui lắm, tràn ngập không khí đón Tết. Cô trò hòa mình vào các hoạt động vui chơi, đón các ban ngành đến thăm tặng quà, cùng các anh chị sinh viên vui múa hát… Giờ đây, nhiều em học sinh khuyết tật đã đọc thông, viết thạo chuyển sang học nghề để lo cho bản thân, song với các em, hình ảnh cô giáo Nhung cần mẫn, dạy dỗ các em bằng tình yêu thương của người mẹ sẽ luôn vẹn nguyên trong trái tim của mình. Cô xứng đáng là một trong những gương mặt nhà giáo tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật được Bộ GD&ĐT vinh danh năm 2015.
Đến với Sơn La- Tây Bắc mỗi dịp mùa xuân là đến với xứ sở của hoa ban trắng, vùng núi non hùng vĩ, nơi sinh sống của cộng đồng 12 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó thân thương. Sơn La là miền đất còn hoang sơ thuần khiết của rừng, của núi, của những dòng suối nước trong veo, của những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân sở tại. Mùa xuân về, hoa ban, hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc càng tô đẹp thêm cho quê hương giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa.
Không giấu vẻ tự hào khi kể về quê hương của mình, cô giáo Lò Thị Kem- trường TH Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La chia sẻ: Mùa xuân ở Sơn La đẹp lắm, trẻ em hớn hở trong tấm áo mới; nam thanh, nữ tú đắm mình cùng điệu xòe quấn quýt bên nhau trong nhịp trống chiêng vang rộn; nhà nhà ngồi quanh bếp lửa hồng ôn chuyện xưa cũ. Hoa ban trắng nở khắp núi rừng, e ấp trong làn sương sớm… Cả đất trời vào xuân, cô trò chúng tôi cũng hòa mình vào mùa xuân núi rừng nên thơ và trong trẻo.
Cũng là một trong những gương nhà giáo tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật được Bộ GD&ĐT vinh danh năm 2015, cô giáo Lò Thị Kem có rất nhiều kỷ niệm với những học trò có hoàn cảnh không may mắn của mình. Cô kể: Dạy nhiều học sinh khuyết tật nhưng tôi nhớ mãi hình ảnh em Lường Trung Kiên, 10 tuổi bị điếc bẩm sinh, học hòa nhập cùng với lớp 5 mà tôi chủ nhiệm. Vì mặc cảm với khiếm khuyết của mình, Kiên thường phản ứng dữ dội khi bị bạn bè trêu chọc. Em sẵn sàng xông vào đánh bạn bất cứ lúc nào và có nhiều phản ứng tiêu cực. Tôi cố gắng gần gũi, động viên và chia sẻ khó khăn với em, biểu dương em từ những việc nhỏ nhất. Do em bị điếc nên việc trao đổi của cô trò cũng khó khăn hơn, song có lẽ em hiểu được tấm lòng của tôi nên đã dần thay đổi, tập trung học hành, không còn đánh bạn và hòa nhập hơn với lớp…
Dạy học sinh dân tộc ở ngôi trường có tới 7 điểm lẻ, cô giáo người dân tộc Thái nhiều lúc sử dụng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc để dạy các em. Bản Ngoạng nơi cô dạy cách Thị trấn 4 km, ngày ngày cô vượt đèo dốc đến với học sinh, dạy các em bằng tri thức và tình yêu thương của mình. Cô bảo: Điều kiện cơ sở vật chất của trường lớp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; trang thiết bị cũng như tài liệu dạy học sinh khuyết tật gần như không có gì, nhưng tôi vẫn mày mò tìm những cách dạy, đồ dùng dạy học gần gũi để dạy cho các em, mong các em bớt đi những thiệt thòi, cố gắng học đọc, học viết… Khó khăn là vậy nhưng những ngày Tết cổ truyền, cô trò đón Tết cũng vui lắm. Chúng tôi cùng tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, ném quả má lẹ, chơi cù, kéo co, múa xòe… Ngày Tết, các em còn đến nhà cô giáo chúc Tết, tặng bánh tét cho cô mang theo những tình cảm trong trẻo, hồn nhiên của học trò dân tộc. Sau Tết, các em lại đến lớp theo đúng qui định chứ không nghỉ học ở nhà vui Xuân như trước đây, cô trò lại bắt đầu những bài học mới với khí thế mùa xuân mới.
Là một trong những đại diện của tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội nhận khen thưởng của Bộ GD&ĐT do đã có nhiều thành tích trong giáo dục học sinh khuyết tật, cô giáo Ngô Thị Nhật Quỳnh- trường TH Nam Trân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam xúc động tâm sự: Dạy học trò khuyết tật là công việc âm thầm, lặng lẽ nên khi được vinh danh, khen thưởng thấy tự hào, cảm động lắm. Công việc của chúng tôi đã được ghi nhận, song quan trọng hơn là chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng của xã hội, được nhìn học sinh khuyết tật của mình tiến bộ mỗi ngày, dù là sự tiến bộ rất nhỏ bé so với những học sinh bình thường…
“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm mà đã say”… chất nắng gió, hào sảng của người xứ Quảng phảng phất đâu đây khi chúng tôi trò chuyện với cô giáo Nhật Quỳnh. Trong câu chuyện của mình khi nói về học trò khuyết tật, cô luôn bảo: Dạy trò khuyết tật là dạy bắt đầu từ các em rồi mới đến mình. Cô không dạy trò từ kiến thức, hiểu biết của bản thân mình mà dạy theo khả năng, nhu cầu của các em. Cứ thế điều chỉnh việc dạy cho phù hợp với nhận thức của mỗi em… Nếu không có tình yêu thương, sự đồng cảm thực sự xuất phát từ trái tim thì khó có được hiệu quả khi dạy học sinh khuyết tật…
Đau đáu khi nhắc đến cô học trò Nguyễn Thị Thu Nguyệt bị khuyết tật vận động, bại liệt tứ chi mà mình đang dạy, cô Quỳnh chia sẻ: Nguyệt không thể tự chủ được việc chăm sóc bản thân, chỉ có tay trái nhúc nhắc hoạt động được, vậy mà em rất chăm học, viết chữ rất đẹp, tính số rất nhanh và có thể cắt may được những bộ đồ búp bê xinh xắn, thêu được tranh chữ thập… Nghị lực của em là động lực để tôi bền bỉ dạy, mong giúp em bớt đi những mặc cảm, có niềm tin vào cuộc sống và bản thân mình.
Say mê học, tìm hiểu kiến thức xung quanh, Thu Nguyệt đã được địa phương cho đi học lớp Tin học. Em học rất nhanh và thích thú khám phá công nghệ mới. Cô giáo Quỳnh bộc bạch: Ở đất Quảng, khi mùa xuân đến, từ phố phường tấp nập đến thôn quê thanh bình lại rộn ràng không khí lễ hội đầu xuân. Lễ hội là nét đẹp văn hóa in đậm dấu ấn tín ngưỡng tâm linh và khát vọng tự bao đời nay của những thế hệ cư dân đất Quảng. Chúng tôi luôn mong mùa xuân mang sự may mắn, khát vọng đến cho học trò của mình, nhất là những em khuyết tật. Còn mong ước lớn nhất của Thu Nguyệt là có chiếc máy vi tính làm bầu bạn, để em được thỏa sức tìm đến thế giới bên ngoài…