|
Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho các thí sinh. |
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (1954-2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 14-11, Sở Giáo dục Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức trao giải thưởng cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” lần thứ V.
Cuộc thi do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động trong toàn ngành, là dịp để học sinh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy, cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục.
Hưởng ứng cuộc thi, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai rộng rãi tới học sinh các trường THCS và THPT trên toàn thành phố. Tác phẩm dự thi là những câu chuyện, được thể hiện bằng video clip có độ dài tối đa 5 phút.
Những tấm gương sáng, những bông hoa đẹp của ngành được các học sinh và phụ huynh tin yêu, gửi gắm qua những tác phẩm “Thầy cô trong mắt em” và được lan tỏa những hình ảnh đẹp của nhà giáo Thủ đô tới toàn xã hội.
Những cách làm hay, sáng tạo của nhiều nhà giáo được đồng nghiệp học tập để vận dụng phù hợp ở đơn vị mình với cùng mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển giáo dục Thủ đô.
Những mùa giải trước chủ yếu các tác phẩm mô tả về sự yếu thế của nhân vật là giáo viên vượt lên khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hay vượt qua các cơn bệnh hiểm nghèo để lạc quan tiến về phía trước, hay là học sinh yếu thế có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố mẹ bỏ nhau, mồ côi, hay bị tật nguyền...
Dĩ nhiên đó là bài học sâu sắc, là nét đẹp của thầy và trò Thủ đô. Nhưng trong thời đại mới, với sự đổi mới của giáo dục, với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây với những áp lực gia tăng đối với nhà giáo nên Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đưa ra chủ đề năm nay là “Nhà giáo của tương lai”.
Nhiều tác phẩm đã cho thấy các thầy cô giáo rất sáng tạo, tâm huyết, có chuyên môn cao, có lòng nhân ái, luôn quan tâm và có trách nhiệm với học trò. Kỹ thuật quay phim chụp hình cũng được chỉn chu hơn, đẹp hơn, nội dung ý nghĩa hơn.
Tiêu biểu như câu chuyện về cô giáo có những suy nghĩ và cách giáo dục rất văn minh, đúng tiêu chí của cuộc thi, cuối clip có nhấn mạnh về việc AI sẽ không thay thế được các thầy cô. Nhiều clip có nhiều hình ảnh, xem có cảm xúc, có cả phỏng vấn học sinh khác một cách đáng yêu như tác phẩm “Bằng lăng dưới ánh cầu vồng”.
Một số clip thực hiện nhiều phỏng vấn học sinh, có cách nói rất tự nhiên như tác phẩm “The Empath - người đồng hành”. Hay clip “Người gieo mầm xanh” có câu chuyện, hình ảnh chỉn chu, phản ánh nhiều hoạt động, nói được khía cạnh thầy kết nối, giúp đỡ và vui chơi cùng học sinh, học sinh có sự thay đổi biến chuyển.
Ban tổ chức đã trao giải Đặc biệt dành cho tác phẩm "Sắc tỏa yêu thương" của nhóm học sinh lớp 8A0, Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân) gồm Lê Hiền Mai, Vũ Anh Minh và Nguyễn Khánh Băng. Cô giáo Lê Thị Năm, giáo viên chủ nhiệm là nhân vật đặc biệt trong tác phẩm của nhóm học sinh.