Thí sinh năm 2016 có 10 nguyện vọng
Bối rối... 10 nguyện vọng
Nếu năm 2015, ở đợt 1 xét tuyển mỗi thí sinh (TS) chỉ có 1 phiếu đăng ký và chỉ được nộp duy nhất vào 1 trường, thì năm 2016, ở đợt 1 TS có thể đăng ký 4 nguyện vọng vào 2 trường và đợt 2 được đăng ký 6 nguyện vọng vào 3 trường. Tuy nhiên, việc mỗi TS có tới 10 nguyện vọng để đăng ký vào nhiều trường sẽ khiến cho các trường rất khó dự đoán tỷ lệ TS vào trường hơn nhiều so với năm trước. Không chỉ các trường lo lắng mà ngay các TS cũng bối rối khi lựa chọn. Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12 của một Trường THPT ở Hà Nội cho biết: “Em đành nhắm mắt chọn bừa 10 nguyện vọng xem may rủi thế nào. Ở lớp em, với những bạn đã xác định mình thích làm nghề gì từ khi học lớp 10, lớp 11 thì các bạn cũng chỉ chọn 1, 2 ngành gần nhau chứ không đến 10 nguyện vọng như vậy”.
Với điều chỉnh mới này trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận khả năng hồ sơ ảo sẽ tăng lên nhiều nên đã đưa ra những giải pháp khuyến khích tuyển sinh theo nhóm. Các trường chủ động tập hợp với nhau thành nhóm để cho TS đăng ký và cùng đối phó với hồ sơ ảo. Hiện tại có 10 trường ĐH tốp trên lập nhóm tuyển sinh cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội như: Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Giao thông, Thủy lợi, Ngoại thương… Tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có thể sẽ còn rắc rối hơn nữa khi chia nhóm các trường để cùng nhau xây dựng dữ liệu phần mềm. Bởi các trường đều vì lợi ích riêng của mình mà không chia sẻ thông tin chính xác thì trường khác sẽ bị nhiều hồ sơ ảo. Đồng thời, với những trường không nằm trong nhóm nào cũng bị thiệt thòi và sẽ có những hệ lụy rắc rối trong xét tuyển.
Lo đối phó... ảo
Về giải pháp tuyển sinh theo nhóm trường, thầy giáo Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: Trường cũng đang lo đối phó với hồ sơ ảo. Do thời gian gấp rút quá, trường chưa tìm được nhóm liên kết nào nên vẫn tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, liên kết nhóm làm không cẩn thận sẽ xảy ra bất lợi cho các trường thành viên, vì trường nào cũng muốn giành TS về mình. Vậy làm sao để cho khách quan, công bằng giữa các trường?
Nhiều chuyên gia đề xuất, đối với nhóm trường liên kết tuyển sinh thì quan trọng là Bộ phải đưa ra tiêu chí cụ thể, nhóm trường theo chuyên môn hay theo vùng, nếu vùng thì đến mức độ nào. Như vậy, nhóm trường ở đây phải có vai trò của Bộ, chứ không thể để cho các trường tự liên kết nhóm. Một khi có nhóm trường thì sẽ lọt một số trường tuyển độc lập và có thể sẽ sinh ra chuyện lộn xộn tiếp theo. Có thể trường tuyển sinh đơn lẻ sẽ có ít TS nộp đơn vào.
Thầy Trần Hữu Nghị cũng cho rằng, những trường ĐH, CĐ xét tuyển theo nhóm phải thống nhất và thực hiện các quy định chung mà nhóm đề ra. Khi trường ĐH A xét tuyển ngành, tổ hợp này thì ĐH B xét tuyển ngành, tổ hợp khác.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá: Việc xét tuyển theo nhóm chỉ mang lại lợi ích cho thí sinh và giúp các trường ĐH, CĐ dự đoán và khắc phục được thí sinh “ảo” khi các trường có cùng ngành học, điểm tuyển sinh vào trường tương đương nhau. Điểm tuyển sinh “đầu vào” giữa các trường chỉ vênh nhau tối đa là 1 điểm. Ví dụ như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và ĐH Bách Khoa TP HCM có những ngành nghề như: công nghệ, kỹ thuật trùng nhau đến 90%. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm, nếu không đỗ ngành kỹ thuật công nghệ của một trường Khoa học tự nhiên thì khó có thể chuyển sang các khối của trường Xã hội&Nhân văn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ tới việc có trường nào đó thuộc tốp “giữa” nghĩ tới lợi ích tuyển sinh của trường mà đăng ký tham gia xét tuyển với nhóm trường thuộc tốp trên sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn ngành nghề, trường học theo sở thích của thí sinh. Đơn cử như ngành Công nghệ của ĐH Bách Khoa TP HCM lấy điểm chuẩn là 24 điểm nhưng có thí sinh chỉ đạt 23,75 điểm không đỗ vào trường này nhưng lại cũng không được xét tuyển vào trường đào tạo ngang tầm với ĐH Bách khoa TP HCM mà lại bị đẩy xuống trường tốp dưới thì sẽ thiệt thòi cho các em. Khi thí sinh đăng ký theo nhóm trường, ngoài mức điểm chuẩn là thực, các em được tự do lựa chọn nguyện vọng mà mình yêu thích.
Dành chỉ tiêu xét học bạ
TS Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết: Năm 2016, trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia (tại các cụm thi do trường ĐH tổ chức) các tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Lý, tiếng Anh hoặc Toán, Hóa, tiếng Anh. Trường có điểm trúng tuyển vào trường cơ sở Hà Nội khác cơ sở 2 - HCM, Bình Dương; có điểm chuẩn xét chuyển cơ sở Hà Nội về cơ sở 2; điểm xét tuyển theo ngành. Sau khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh để phân lớp trong 1 năm đầu để học nâng cao trình độ tiếng Anh.
ĐH Lâm nghiệp vừa đưa ra phương án tuyển sinh 2016. Theo đó, tuyển sinh bậc ĐH, CĐ tại 2 cơ sở đào tạo của trường sẽ tuyển sinh với 3 phương thức: Xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; Xét tuyển học bạ vào một số ngành; Tổ chức thi, xét tuyển đối với môn năng khiếu thuộc khối V, H. Xét tuyển học bạ vào một số ngành không vượt quá 40% chỉ tiêu. Năm 2015, ĐH Lâm nghiệp là một trong những trường khó tuyển sinh. Sau hai đợt tuyển, trường mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.
ĐH Ngoại thương năm nay lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Đồng thời, điều kiện được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; Hạnh kiểm của 3 năm lớp 10, 11, 12 từ Khá trở lên; Điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường. Các môn xét tuyển nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật môn thi chính là ngoại ngữ sẽ nhân hệ số 2. Trường xác định điểm trúng tuyển theo ngành. Điểm trúng tuyển được xác định riêng cho cơ sở Hà Nội, cơ sở 2-TP Hồ Chí Minh, cơ sở Quảng Ninh.
Có thể nói, với nhiều hình thức xét tuyển linh hoạt như vậy từ các trường công, các trường tốp đầu, theo dự báo của các chuyên gia tuyển sinh, các trường tốp dưới sẽ khó cải thiện được tình trạn khan hiếm thí sinh đến với trường mình như những năm trước đây.
Thầy giáo Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội:
Thí sinh cần được tư vấn kĩ
Theo quy chế, thí sinh cũng có thể đăng ký cả 2 nguyện vọng trường trong nhóm và 2 nguyện vọng trường ngoài nhóm. Nếu các em đăng ký 3 nguyện vọng trong nhóm trường thì có nghĩa các em không còn nguyện vọng để đăng ký ở trường ngoài nhóm.
Vì vậy, nếu các em muốn đăng ký cả trường xét tuyển theo nhóm và trường xét tuyển ngoài nhóm thì các em chỉ nên đăng ký 2 nguyện vọng trong nhóm trường và đăng ký 2 nguyện vọng vào trường không xét tuyển theo nhóm. Các em sẽ không mất gì quyền lợi trong việc xét tuyển theo nhóm này.
Mặc dù các em còn được đăng ký ở trường ngoài thì còn ảo. Tuy nhiên, lượng thí sinh ảo sẽ giảm đi nếu số trường trong nhóm càng nhiều lên. Tất nhiên, cũng không phải tất cả các trường đều xét tuyển theo nhóm. Chúng tôi lựa chọn các trường theo khu vực miền Bắc ở các trường có mức điểm chuẩn hàng năm tương đương nhau.
Nhóm trường thực hiện xét tuyển theo sàn của Bộ và cũng có thể đưa ra mức điểm sàn riêng nào đó tùy theo các trường. Tuy nhiên, điểm sàn ở đây không quan trọng vì các trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Do được Bộ cho phép tự chủ tuyển sinh nên mỗi trường đều có thể đưa ra điều kiện tuyển sinh riêng của mình, không ảnh hưởng đến nhóm.
Thí sinh nếu đăng ký vào nhóm trường hay không phải cân nhắc rất kỹ vì năm nay không thể điều chỉnh được nguyện vọng của mình. Do đó, các trường phải tư vấn rất kỹ cho thí sinh trước khi đăng ký.