Trong nhiều năm qua, nhà trường liên tục là trường điểm về xây dựng môi trường GD cho 30 trường MN trong huyện, một số quận huyện thuộc thành phố và ngoài thành phố về tham quan học tập. Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm là một quan điểm GD tiến bộ nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của GVMN trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng học bằng chơi, bằng trải nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN. Nhận thức được vai trò to lớn đó, trong những năm qua bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ, Trường MN Yên Sở đã luôn chú trọng việc xây dựng môi trường GD cho trẻ, sáng, xanh, sạch, đẹp phù hợp gắn với truyền thống văn hóa của địa phương, đem lại không gian cho trẻ được trải nghiệm hiệu quả.
1. Môi trường ngoài lớp học
Ngay từ khi xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường MN Yên Sở đã quy hoạch tổng thể các khu vực trên sân trường, có 50% diện tích sân vườn được trồng cỏ tự nhiên và trải cỏ xanh nhân tạo. Trong trường có sơ đồ chỉ dẫn các khu vực, đầy đủ biểu bảng và các khẩu hiệu mang tính định hướng phát triển của nhà trường. Trong khuôn viên có các khu vui chơi trải nghiệm cho trẻ như vườn cổ tích, khu thể chất, khu chợ quê, vườn rau của bé, vườn cây ăn quả, khu trải nghiệm cát nước và không gian sáng tạo. Các khu vực được xây dựng thẩm mỹ, môi trường thiên nhiên sinh thái, được trang bị đồ dùng đồ chơi, nguyên liệu phong phú. Mỗi khu vực đều có nội quy chơi, lịch hoạt động cụ thể.
Để phát triển thể lực cho trẻ và giúp trẻ có tố chất vận động nhanh mạnh, bền khéo, nhà trường đã xây dựng khu thể chất có diện tích rộng 400m2 được trồng cỏ tự nhiên và cỏ nhân tạo đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình hoạt động. Các dụng cụ cho trẻ vận động được sắp xếp liên hoàn theo các vận động bò, trườn, trèo, đi thăng bằng. Có sân gôn và sân tập đá bóng mini cho trẻ. Thông qua các hoạt động chơi trẻ được rèn luyện các kỹ năng vận động tích cực, có nhiều cơ hội trải nghiệm rèn luyện các kỹ năng phát triển vận động.
Khu chợ quê với những trò chơi dân gian như nặn tò he, chơi bán hàng các loại ẩm thực của các vùng miền… giúp trẻ được rèn luyện kỹ năng xã hội, tự tin khi giao tiếp hàng ngày.
Khu chợ quê
Với lợi thế khuôn viên trường rộng, nhà trường đã tạo được khu vườn cây ăn quả với các loại cây bốn mùa, đến đây trẻ được ngắm, được sờ, được ngửi và được nếm vị của trái cây trong vườn trường. Khu vườn rau chia theo luống, có biển tên lớp, có lối đi chăm sóc cây, tên cây, tên rau. Khu chăn nuôi với những con vật gần gũi cho trẻ được quan sát, khám phá, trải nghiệm. Trong khu vực có thiết kế vị trí thuận tiện để các dụng cụ làm vườn như bình tưới, xới đất, ủng cho trẻ sử dụng trong quá trình hoạt động. Trong năm học 2017-2018 nhà trường đã đầu tư xây dựng thêm khu trải nghiệm cát, nước, sỏi với tổng diện tích 300m2 để trẻ có thêm hình thức trải nghiệm mới. Nơi đây thực sự là một thế giới sinh động để trẻ được hòa mình vào với thiên nhiên, được tham gia lao động, tìm hiểu về thế giới tự nhiên qua đó trẻ thấy được nhiều điều kỳ thú xung quanh mình.
Khu vui chơi cát nước
Những khu vực sảnh rộng rãi được nhà trường tân dụng, cải tạo xây dựng thành không gian sáng tạo của bé, tại đây các bé sẽ được tham gia các hoạt động khám phá trải nghiệm và sáng tạo nghệ thuật như: tô tranh theo mẫu, tô tượng, vẽ tự do, tranh xé dán, làm đồ chơi từ các nguyên liệu đã qua sử dụng ….Bên cạnh việc chơi với đồ chơi nhà trường còn tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp với trẻ như kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, kéo mo cau, làm trâu lá đa… trên các khu vực sân chơi. Sân trường với đồ chơi ngoài trời phong phú về chủng loại, đảm bảo vệ sinh an toàn, được lau rửa bảo dưỡng định kỳ và sắp xếp theo khu vực đồ chơi tĩnh, đồ chơi động, đồ chơi liên hoàn, các đồ chơi được đặt trên những vật liệu mềm như thảm cỏ để đảm bảo an toàn cho trẻ tham gia chơi.
Để sử dụng hiệu quả môi trường ngoài lớp học nhà trường đã xây dựng lịch hoạt động của các khu vực đảm bảo cho 100% nhóm lớp được tham gia, phân công các GV, nhân viên phụ trách các khu vực để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ nguy cơ mất an toàn khi trẻ tham gia. Trong quá trình trẻ tham gia hoạt động trong các khu vực, GV phải quan sát, hướng dẫn trẻ cách chơi, cách sử dụng thiết bị, đồ dùng đồ chơi sao cho hiệu quả, an toàn. Hàng tuần các nhóm lớp mẫu giáo tổ chức các hoạt động giao lưu các trò chơi giữa các nhóm lớp tạo bầu không khí vui tươi, đoàn kết.
2. Phòng chức năng và các phòng nhóm lớp
Bên cạnh các khu trải nghiệm không gian bên ngoài nhà trường còn chú trọng đầu tư các phòng chức năng cho trẻ hoạt động theo tiêu chuẩn trường MN đạt Chuẩn Quốc gia mức độ 2: Các phòng GD thể chất, phòng âm nhạc, phòng kidsmart, thư viện có đầy đủ trang thiết bị, đồ chơi, dụng cụ, nguyên liệu phù hợp chức năng từng phòng. Nhà trường xây dựng lịch hoạt động để hằng ngày trẻ được tham gia rèn luyện thể chất, các hoạt động trải nghiệm với màu sắc, múa hát, biểu diễn văn nghệ, đọc những cuốn sách mà các bé yêu thích ......
Các lớp học của nhà trường rộng rãi, đảm bảo đủ diện tích cho trẻ hoạt động. Môi trường lớp học được trang trí nhẹ nhàng, các vị trí các lớp đều có chỉ dẫn bằng hình ảnh rõ ràng. Môi trường có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ.
Các giá góc trong lớp được trang bị đồng bộ hiện đại, có độ cao phù hợp với từng độ tuổi, các góc hoạt động có ranh giới rõ ràng, có lối đi cho trẻ di chuyển thuận tiện khi liên kết giữa các góc chơi. Sắp xếp các góc khoa học để GV có thể dễ dàng quan sát được toàn bộ hoạt động của trẻ.
Đồ dùng đồ chơi trong lớp được nhà trường trang bị theo hướng hiện đại, đồ dùng đồ chơi tự tạo bền đẹp, phù hợp và các đồ dùng giáo cụ thuộc lĩnh vực thực hành cuộc sống, khám phá khoa học, ngôn ngữ…phù hợp với mục tiêu GD của từng độ tuổi, được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, thứ tự, có ký hiệu rõ ràng giúp trẻ dễ lấy, dễ cất trong quá trình sử dụng.
Với môi trường đã được xây dựng, GV đã tổ chức các hoạt động phát huy tính tích cực của trẻ. Trong quá trình trẻ hoạt động GV luôn quan sát cách trẻ chơi với đồ chơi, giáo cụ, trao đổi với bạn, chơi cùng nhau trong nhóm, nhóm khác, năm bắt nhu cầu, sự thay đổi của trẻ trong khi chơi, quan sát định hướng trẻ chủ động thực hiện nội quy góc chơi. GV chỉ hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ khi trẻ cần, chú trọng rèn cho trẻ kỹ năng tự tìm tòi, khám phá, kỹ năng giao tiếp trong khi chơi và thói quen gọn gàng, ngăn nắp ở trẻ. Để tạo hứng thú cho trẻ, GV đã thường xuyên thay đổi, làm mới góc chơi bằng cách thay đổi vị trí góc chơi, nguyên học liệu, nội dung chơi mới….
Bên cạnh đó nhà trường thực hiện tốt công tác phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc thực hiện “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với địa phương. Nhà trường đã tuyên truyền, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của phụ huynh về nguyên liệu các đồ dùng đã qua sử dụng, ngày công lao động. Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh thông qua hệ thống tuyên truyền của trường và lớp, các buổi họp phụ huynh đầu năm, mời phụ huynh cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm, các hội thi của trẻ, đó là cơ hội cho trẻ được thể hiện khả năng, sự tự tin khi giao tiếp với người xung quanh.
3. Xây dựng môi trường tâm lý xã hội hỗ trợ, kích thích hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học, học bằng chơi
Môi trường tâm lý xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách, thái độ, tình cảm, hành vi của trẻ cũng như hiệu quả chăm sóc GD trẻ ở trường MN giúp GV và trẻ sẽ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình. Nhà trường luôn tạo môi trường tâm lý xã hội ở đó các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, sự quan tâm nhằm khơi dậy động cơ tốt đẹp, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo….của cả GV và trẻ. Chính vì thế trong quá trình xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm nhà trường đã rất quan tâm xây dựng môi trường tâm lý xã hội cho CBGVNV, HS và phụ huynh bằng những việc làm thiết thực như: Luôn luôn tạo bầu không khí ổn định, thân thiện và cởi mở, tôn trọng lẫn nhau giữa BGH với GV, nhân viên; giữa GV với GV; GV với trẻ, giữa GV với phụ huynh, giữa trẻ với trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Mọi thành viên trong trường luôn có ý thức nhận xét, đóng góp ý kiến cho nhau một cách thẳng thắn, nhẹ nhàng, đúng đủ trên tinh thần xây dựng, tạo bầu không khí văn minh, thân thiện và công bằng do vậy mọi người đều rất thoải mái tiếp thu và cố gắng phấn đấu, khắc phục. Trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên lớp GV luôn ý thức gương mẫu trước trẻ trong cách ứng xử, xưng hô với nhau. Luôn tôn trọng trẻ, gần gũi yêu thương, tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của mình. Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp và thể hiện sự quan tâm của mình đối với mọi người, đối với sự vật hiện tượng gần gũi xung quanh; Bằng những câu hỏi mở giúp trẻ phải suy nghĩ đưa ra những cách giải quyết của riêng mình và động viên khuyến khích trẻ đặt những câu hỏi cho bạn, cho cô, cho người lớn trong các hoạt động. GV luôn tận dụng các mối quan hệ giữa trẻ với trẻ để GD trẻ và có sự thống nhất giữa trường MN, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, GD trẻ.
Kết quả đạt được:
Trong những năm qua việc thực hiện chuyên đề “Xây dưng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” nhà trường đã gặt hái được những kết quả đáng tự hào: CSVC đồng bộ, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp đáp ứng được mục tiêu GDMN.
* Đối với GV: Luôn lạc quan, yêu nghề, yêu trẻ, mạnh dạn đổi mới trong xây dựng kế hoạch GD, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động GD trẻ.
* Đối với trẻ: Trẻ mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, hình thành những mối quan hệ tốt đẹp với trường lớp, với gia đình, bạn bè và xã hội, luôn tự tin vào bản thân.
* Đối với PHHS: Luôn hưởng ứng nhiệt tình mọi hoạt động của nhà trường. Giữa nhà trường - GV - PHHS có sự hợp tác tích cực.
Trong cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nhà trường đã vinh dự là một trong 05 đơn vị đạt giải Xuất sắc cấp Thành phố và được Bộ GDĐT công nhận là đơn vị xuất sắc tại Hội thi cấp Quốc gia.
Để phát huy những kết quả đã đạt được Trường MN Yên Sở sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ, xứng đáng với niềm tin mà Đảng và Nhà nước, ngành GD giao phó và là địa chỉ tin cậy của nhân dân.