Bài toán giữ và nâng chuẩn
Năm 2016, chỉ tiêu Thành phố đặt ra là xây dựng thêm 75 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 33 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 20 trường THCS, 5 trường THPT. Tính đến ngày 4/11 đã có 44 trường được kiểm tra thẩm định và khảo sát tư vấn đánh giá đạt chuẩn. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm bởi theo kế hoạch thì trong tháng 11 sẽ có 61 trường và tháng 12 có 14 trường đăng ký kiểm tra, thẩm định.
Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 11 đã có 4 đơn vị vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, huyện Phúc Thọ đã có thêm 5 trường đạt chuẩn (vượt 2 trường), quận Long Biên có thêm 5 trường (vượt 1 trường), quận Bắc Từ Liêm thêm 2 trường (vượt 1 trường), quận Hà Đông cũng có thêm 2 trường (vượt 1 trường). Tuy nhiên, bên cạnh đó, có tới 16 đơn vị chưa có thêm trường nào đạt chuẩn trong năm 2016. Lý do quen thuộc của các địa phương vẫn là thiếu đất và thiếu kinh phí. Không chỉ loay hoay với bài toán kinh phí, nhiều địa phương còn phải tính toán để vừa nâng số trường đạt chuẩn trong khi vẫn giữ chất lượng chuẩn của các trường đã được công nhận.
Ông Lưu Luyến - Trưởng phòng GD&ĐT Phú Xuyên chia sẻ: Việc thu ngân sách của huyện rất khó khăn. Năm 2013 tổng thu ngân sách chỉ đạt 74 tỷ đồng, năm 2014 là 84 tỷ, năm 2015 là 132 tỷ, mục tiêu phấn đấu năm 2016 là 135 tỷ. Tổng thu ngân sách ít, số tiền cần chi lại lớn nên phải phụ thuộc vào thành phố. Trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, mặc dù là 1 trong 6 huyện được hưởng cơ chế đặc thù nhưng vẫn khó về kinh phí. Để có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia, huyện phải có ít nhất 45 trường đạt chuẩn trong khi hiện nay toàn huyện mới có 22 trường chuẩn.
Ba Vì có quy mô lớn với hơn 100 trường nhưng đến nay mới chỉ có 32 trường đạt chuẩn. Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập đầu người thấp, chủ yếu nhờ đầu tư của thành phố. Thêm vào đó, công tác xây dựng trường chuẩn của huyện hiện nay lại phải “gánh” thêm 15 trường đạt chuẩn từ 2008 về trước, cơ sở đã xuống cấp. Cả huyện hiện vẫn còn tới 300 phòng học cấp 4 xuống cấp.
Huyện Mỹ Đức cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Cả huyện có hơn 19 nghìn học sinh, cơ sở vật chất nhiều trường học cũng đã xuống cấp. Tổng số trường đạt chuẩn hiện mới đạt 44,7%. Huyện này còn 11 trường chưa được công nhận lại (trong đó có 7 trường tiểu học, 4 trường THCS).
Không bắt kịp với tốc độ tăng dân số
Trong khi các huyện ngoại thành thiếu kinh phí thì một số quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh lại đối mặt với đà tăng dân số. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết: Trong 5 năm từ 2010 – 2015, quận đã xây dựng được 35 trường chuẩn quốc gia. Riêng năm 2016, đầu tư 23 tỷ đồng cho trang thiết bị. Trong năm 2016 xây thêm 6 trường mới, đều theo hướng đạt chuẩn. Quận cũng dành ngân sách cho các trường cần công nhận chuẩn lại. Chính vì vậy, tỷ lệ trường đạt chuẩn của quận hiện đã là 81,2%. Tuy nhiên, các trường còn lại khó công nhận đạt chuẩn bởi sĩ số đông. Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ học sinh trung bình tăng từ 4 đến 5 nghìn học sinh/năm học. Dù đã cố gắng trong việc phân tuyến tuyển sinh khoa học, hợp lý nhưng đây vẫn là một bài toán khó.
Là một trong 4 quận lõi của Thủ đô nhưng tiến độ xây dựng trường chuẩn của Ba Đình lại tương đối ì ạch, khiêm tốn ở vị trí 27 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã. Nguyên nhân nằm ở tiêu chí sĩ số học sinh/lớp. Cụ thể, nhiều cơ quan đóng trên địa bàn nên phụ huynh muốn con mình học gần nơi họ công tác, bên cạnh đó một số khu dân cư mới xây dựng quy hoạch chưa tương xứng với dự kiến dân cư đến ở. Chính vì vậy, Ba Đình hiện còn tới 10 trường chưa được công nhận lại chuẩn. Năm 2015, quận đăng ký 2 trường nhưng chỉ đạt được 1 trường. Năm 2016 đăng ký 1 trường là MN Tuổi Hoa và quận đang nỗ lực để đạt được chỉ tiêu. Theo chia sẻ của lãnh đạo quận, áp lực sĩ số là vấn đề mà hầu hết các trường của Ba Đình gặp phải, không chỉ các trường cần được công nhận lại chuẩn.
Thanh Trì nằm ở phía nam của Thành phố với 15 xã, 1 thị trấn, là một trong những địa phương dẫn đầu thành phố trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia hiện nay với tỷ lệ 78,5% số trường đạt chuẩn. Thế nhưng, huyện này cũng đang gặp khó trong việc tăng số trường đạt chuẩn. Theo ông Vũ Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện, Thanh Trì đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, mặc dù đã dự báo tình hình, tính mức độ tăng dân số tự nhiên, cơ học nhưng cứ xây dựng trường sau 5 năm là quá tải. Ví dụ khu đô thị Tứ Hiệp, Thanh Liệt, Tân Triều, Tả Thanh Oai… hiện đang gặp áp lực lớn về tăng dân số cơ học.
Cũng theo ông Vũ Văn Nhàn, theo yêu cầu, trong quá trình xây dựng khu đô thị các chủ đầu tư phải xây dựng trường học nhưng họ còn lảng tránh. Chính vì vậy, thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư phải xây dựng trường học trước khi xây dựng khu đô thị. Song song với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cần phải đi trước, đặc biệt phải có trường học. Nếu các chủ đầu tư không xây dựng trường học thì cần trích một phần thu từ quyền sử dụng đất bàn giao cho các quận, huyện xây dựng trường học.
Vướng ở ngoài đê sông Hồng
Bên cạnh những khó khăn kể trên, một số địa phương hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn ở khu vực ngoài đê sông Hồng. Thanh Trì có 17 trường THCS thì đã có 14 trường đạt chuẩn, chỉ còn 3 trường ngoài bãi chưa xây dựng được, mặc dù đã có đất. Chính vì vậy, huyện này mong Thành phố có cơ chế cho huyện đầu tư xây dựng kế hoạch ở vùng bãi ven sông, cụ thể là điều chỉnh lại quy hoạch thoát lũ ngoài bãi sông hồng để có kế hoạch đầu tư.
Cùng chung khó khăn với huyện Thanh Trì, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên Lưu Thị Bích Hằng cũng bày tỏ mong muốn thành phố sớm có chính sách để công tác xây dựng trường chuẩn với các trường ngoài bãi sông Hồng diễn ra thuận lợi.
Theo kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội phấn đấu có từ 65-70% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn. Cụ thể là trong 5 năm xây dựng được 435 trường học đạt chuẩn quốc gia, như vậy mỗi năm phải có thêm 80 – 90 trường đạt chuẩn. Để có thể đạt mục tiêu đề ra, ngành GD&ĐT Hà Nội kiến nghị với UBND Thành phố xem xét phê duyệt Đề án “Kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường học điện tử giai đoạn 2016 – 2020”, đồng thời hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn cho các huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dưới 50%, và những địa phương có số trường công lập nhiều, nơi có nguồn kinh phí khó khăn để từ đó giảm sự chênh lệch điều kiện giáo dục giữa các quận, huyện.