Gỡ khó để hoàn thành và vượt chỉ tiêu
Năm 2017 được đánh giá là một năm Hà Nội tăng tốc trong thực hiện chỉ tiêu trường CQG, với kết quả đạt được là 162,5% so với kế hoạch. Trước chỉ tiêu giao xây dựng 80 trường đạt CQG, trong đó: MN 29 trường; TH 22 trường; THCS 22 trường; THPT 7 trường, toàn TP đã thực hiện thẩm định công nhận là 130 trường, nâng tỷ lệ trường đạt CQG lên 52%, trong đó công lập là 62%.
Sự tăng tốc thấy rõ ở các quận, huyện tập trung nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng trường CQG, đảm bảo tỷ lệ trường đạt chuẩn luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Tiêu biểu như: Thạch Thất đạt 11/4 trường; Ba Vì 9/3; Đông Anh 7/2; Quốc Oai 8/3; Phú Xuyên 7/3; Thanh Oai 7/3; Thường Tín 7/4; Sóc Sơn 7/4; Chương Mỹ 6/3; Gia Lâm 5/3... Bên cạnh đó, số quận, huyện đạt tỷ lệ trường CQG trên 70% ngày càng tăng. Trong đó, có 5 đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn trên 80% là: Bắc Từ Liêm 87,8%; Long Biên 87,3%; Nam Từ Liêm 84,8%; Tây Hồ 84%; Đan Phượng 82,7%; Bốn đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 70% là: Thanh Trì 78,8%; Gia Lâm 78,4%; Hà Đông 74,4%; Cầu Giấy 72,2%.
Đảm bảo điều kiện dạy học tiên tiến hiện đại trong trường Chuẩn quốc gia
Theo đại diện lãnh đạo phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả đạt được trong xây dựng trường CQG cho thấy Thành phố và các Sở, ban, ngành, địa phương đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư trường lớp học thực hiện chỉ tiêu trường CQG. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phù hợp, khả thi để các đơn vị thực hiện; Tăng cường công tác rà soát, đôn đốc, giao ban để triển khai thực hiện kế hoạch… Đặc biệt, TP đã quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng CQG cho 42 trường chất lượng của 14 quận, huyện, thị xã. Theo đó, 41 trường đã hoàn thành xây dựng, 1 trường đã xây xong móng ước thực hiện 30% khối lượng; 22 trường của 13 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công nhận đạt CQG (công nhận mới 18 trường, công nhận lại 4 trường).
Mặc dù đã tích cực thực hiện vượt chỉ tiêu trường đạt CQG, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này. Trong đó, năm 2017, kinh phí cho đầu tư công tiếp tục còn khó khăn. Các huyện ngoại thành kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường CQG còn hạn hẹp. Nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, vừa phải tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đã đạt CQG; Các quận nội thành thì khó khăn về đất để mở rộng trường, sĩ số học sinh cao… Toàn TP còn 04 đơn vị có tỷ lệ trường CQG dưới 50% là: Mỹ Đức 49,4%; Ba Đình 49,0%. Trong đó, 02 đơn vị có tỷ lệ quá thấp là Ba Vì 38,9% và Phú Xuyên 35,2%.
Ưu tiên các trường công nhận lại chuẩn
Trong đợt rà soát của năm trước, Hà Nội có 205 trường đã đạt chuẩn cần công nhận lại theo quy định. Kết quả đã kiểm tra thẩm định công nhận lại 127 trường (có 19 trường thuộc kế hoạch 2018), số trường chưa hoàn thành là 97 trường. Trong đó có 8 quận, huyện thực hiện chưa tốt công nhận lại: Ba Đình chỉ công nhận lại được 1/11 trường; Ba Vì 3/15 trường; Mê Linh 4/19 trường; Mỹ Đức 2/13 trường; Phú Xuyên 1/3 trường; Thanh Oai 1/5 trường; Nam Từ Liêm 0/2 trường; Ứng Hòa 0/9 trường.
Ðối với các huyện ngoại thành, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên do thiếu kinh phí. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên Lưu Luyến cho biết, Phú Xuyên là đơn vị khó khăn nhất về xây dựng trường CQG. Hiện, toàn huyện có 29/88 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ thấp nhất Thành phố. Đến năm 2020 huyện Phú Xuyên phấn đấu đạt từ 45/88 trường đạt chuẩn trở lên. Năm 2018, được sự quan tâm của TP cải tạo sửa chữa 15 cơ sở giáo dục, Phú Xuyên phấn đấu từ 10 trường trở lên đạt CQG, trong đó có 1 trường công nhận lại. Khó khăn lớn nhất của Phú Xuyên là do huyện có nguồn thu ngân sách thấp mặc dù huyện ủy, HĐND, UBND rất quan tâm. Với những trường công nhận lại CSVC đã xuống cấp huyện đang có kế hoạch đầu tư. Đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí xây dựng trường CQG cho Phú Xuyên.
Tại huyện Ba Vì, do địa bàn rộng, một số trường tiểu học có ba, bốn điểm trường, khiến cho việc đầu tư manh mún, thiếu tập trung, trong khi nguồn kinh phí hạn chế. Hầu hết các trường tới thời hạn công nhận lại đều khó … công nhận do cơ sở vật chất xuống cấp nhưng kinh phí để đầu tư nâng cấp chưa có. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lê Ngọc Tôn, từ năm 2018 đến năm 2020, Ba Vì xây dựng kế hoạch tăng thêm 13 trường CQG mới và công nhận lại 12 trường. Trong đó, tính riêng năm 2018, Ba Vì xây dựng kế hoạch công nhận mới thêm 4 trường và 3 trường công nhận lại. Với những trường phấn đấu công nhận lại, khó khăn lớn nhất là các trường đạt CQG đã lâu từ những năm 2004, nhiều nhà lớp học cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây mới hoàn toàn nhưng thiếu kinh phí đầu tư. Bên cạnh đó, tiêu chí đạt CQG giai đoạn mới cao hơn. Các trường đạt chuẩn trước đây còn thiếu phòng học bộ môn như Tin học, ngoại ngữ, thiết bị dạy học đã xuống cấp. Ba Vì cũng còn nhiều phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp, phòng học nhờ ở cấp Mầm non chưa được đầu tư nâng cấp vì thiếu kinh phí. Trưởng phòng Lê Ngọc Tôn đề nghị: Việc xây dựng kế hoạch đầu tư xây mới phòng học, phòng học bộ môn, khu hiệu bộ cần theo hướng trọng điểm. Cùng với đó, Thành phố cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các huyện khó khăn như Ba Vì và ưu tiên kinh phí đầu tư từ nguồn thu ngân sách huyện (chủ yếu từ đấu giá đất) cho GD&ĐT trong đó có mục tiêu xây dựng và công nhận lại trường CQG…
Tại khu vực nội thành, nhất là các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…, tuy không gặp nhiều khó khăn trong việc lo nguồn kinh phí đầu tư, nhưng tình trạng quá tải học sinh, số học sinh trong một lớp, số lớp trong các trường học tăng quá nhanh, khiến tỷ lệ diện tích/học sinh chưa đạt như yêu cầu chuẩn đặt ra.
Thực tế trên cho thấy, rất nhiều trường sẽ không đủ tiêu chuẩn để được công nhận lại. Tuy nhiên, Thành phố vẫn quyết tâm chỉ đạo, đưa ra các giải pháp để công nhận lại cho các trường đúng thời hạn; giao nhiệm vụ giữ chuẩn thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng các nhà trường. Đối với các trường chưa được công nhận lại do tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đạt, UBND các huyện, thị xã cần đầu tư kinh phí giải quyết dứt điểm trường công nhận lại, rồi thực hiện đầu tư xây dựng trường công nhận mới. UBND các quận, đặc biệt là quận trung tâm, do sĩ số học sinh trên lớp cao hơn chuẩn cần bổ sung quỹ đất để mở rộng trường hoặc tách trường và giải pháp nâng tầng so với quy định để bổ sung phòng học, cơ sở vật chất, đảm bảo sĩ số học sinh không vượt quá cao so với quy định...
Tập trung huy động các nguồn lực
Căn cứ kế hoạch xây dựng trường đạt CQG ở các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đặt ra chỉ tiêu năm 2018 là 80 trường đạt chuẩn, trong đó: MN 34 trường; TH 17 trường; THCS 23 trường; THPT 6 trường. Số trường cần thực hiện công nhận lại là 189 trường, trong đó: số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 chuyển sang năm 2018 là 97 trường; Số trường năm 2012 đến thời hạn công nhận lại là 92 trường.
Để thực hiện chỉ tiêu này, yêu cầu đặt ra với các địa phương là khi thực hiện đề án xây dựng trường đạt CQG cần quan tâm cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, trong đó có cấp học mầm non và THPT; Bám sát Đề án điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trong năm 2018 của Thành phố; Tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường học đạt CQG ở các cấp. Trong đó, Ban chỉ đạo ở các trường đã đạt CQG, cuối năm rà soát các tiêu chuẩn đã đạt, có giải pháp để giữ vững ổn định và phát triển nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Đề xuất Thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp, điều kiện kinh tế khó khăn là Phú Xuyên và Ba Vì; Có chỉ đạo, tháo gỡ để các quận, huyện còn số trường chưa được công nhận lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Trong đó: xem xét hỗ trợ kinh phí cho các huyện khó khăn, còn nhiều trường chưa đủ tiêu chuẩn công nhận lại; Rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng so với quy định cho các trường thuộc quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm...
Kế hoạch xây dựng trường đạt CQG giai đoạn
2016-2020
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia của Thành phố đạt 70%. Trong đó: Ước số trường mầm non và phổ thông công lập đến năm 2020 là 2.268 trường (tăng 175 trường so với năm 2015). Ước số trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là 1.633 trường (tăng 530 trường so với năm 2015); Tỷ lệ trường đạt CQG đến năm 2020 là 72% (năm 2015 là 52,7%).