Diện mạo mới, sức sống mới
Thuần Mỹ là xã vùng đồi gò bán sơn địa cách trung tâm huyện Ba Vì 20 km và cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 70km. Toàn xã có 1.500 hộ với gần 7.000 nhân khẩu được chia thành 6 thôn gồm 3 thôn vùng bãi, 2 thôn vùng đồi, 1 thôn đồi gò. Đây là xã thuần nông, địa bàn rộng, dân cư ở rải rác không tập trung rất khó khăn cho việc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Văn Diên – Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho biết: Năm 2010 sau khi tiếp nhận chủ trương xây dựng NTM chúng tôi rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Khi bước vào thực hiện cụ thể không biết bắt đầu từ đâu, tư duy của cán bộ đảng viên mơ hồ: "xây dựng NTM là nhà nước đem tiền của về cho xã xây dựng hạ tầng”. Điều kiện kinh tế của xã, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng cần phải đầu tư nhiều hạng mục công trình. Địa bàn rộng, phức tạp, khi thực hiện các tiêu chí phải giải phóng mặt bằng liên quan nhiều đến đất và các công trình dân cư.
Khi bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Thuần Mỹ chỉ đạt 2 tiêu chí (Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh trật tự xã hội) trong tổng số 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Có 4 tiêu chí cơ bản đạt (Chợ nông thôn, điện, văn hóa, bưu điện) và còn tới 13 tiêu chí chưa đạt (Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, môi trường).
Điểm trường trung tâm xã Thuần Mỹ
Theo ông Nguyễn Văn Diên, quá trình xây dựng nông thôn mới thành công trước hết nhờ sự quyết tâm lãnh đạo của chính quyền, nghiên cứu kỹ các văn bản tạo sự đồng thuận. Sau đó xây dựng nghị quyết đúng và trúng, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Khởi điểm cho lòng tin của cán bộ là tháng 8/2010, 36 cán bộ từ xã đến thôn tổ chức một đoàn vào xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) - xã điểm toàn quốc xây dựng NTM để thăm quan và tìm hiểu. Chuyến đi đã giúp mọi người có cái nhìn cụ thể, thực tế hơn. Về địa phương, chúng tôi đã thực hiện các quy trình từng bước từ quy hoạch, lập đề án các quy hoạch chi tiết, các kế hoạch thành phần một cách hết sức chu đáo, cụ thể, sát thực tế. Chúng tôi xác định rõ Nhà nước, thành phố, huyện làm gì và nhiệm vụ của đảng bộ, chính quyền địa phương là gì, cũng như những việc cần nhân dân tham gia.
Thuần Mỹ sau đó đã tổ chức làm điểm việc đổ đường bê tông ngõ xóm của 3 thôn vùng bãi của 800 hộ và hoàn thành trong vòng 3 tháng với trị giá khoảng trên 5 tỷ đồng (xã hỗ trợ 10%). Đến năm 2013 – 2014, tiếp tục vận động nhân dân 3 thôn đồi gò còn lại đổ 100% đường bê tông ngõ xóm (xã lo 50%, nhân dân đóng góp 50%). Nhân dân vô cùng phấn khởi, đã hiến 6.000 m2 đất thổ cư để làm đường. Xã cũng đã huy động nhân dân xây dựng cổng xóm, cổng ngõ được 14 cổng trị giá mỗi cổng từ 20- 25 triệu đồng, tường bao được chỉnh trang mỗi thôn một màu, không chỉ tạo ra bản sắc riêng ở mỗi thôn mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Diện mạo của thôn xóm được nâng lên đáng kể. Đường giao thông xã, liên xã có tổng chiều dài 19,3 km cũng đã nhựa hóa và bê tông hóa được 17,8 km.
Về xây dựng trường học, từ năm 2011-2012 tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép, xã tập trung xây dựng hệ thống trường học. Khó khăn trong việc này là phải di dời hàng trăm ngôi mộ còn nằm trong khuôn viên quy hoạch nhưng cũng chỉ sau 3 tháng vận động nhân dân, 100% mộ đã được di dời. Chính vì vậy, xã đã có được ngôi trường tiểu học, THCS rộng rãi, khang trang, hiện đại.
Về phát triển mạng lưới điện, công trình điện xã Thuần Mỹ không bàn giao cho ngành điện mà giữ lại cho HTX toàn xã quản lý kinh doanh đi vay vốn REII gần 7 tỷ đồng về cải tạo nâng cấp kéo đến từng ngõ xóm, cự ly không quá 50m đến hộ dân và kéo điện ra đồng bãi phục vụ sản xuất đang sử dụng 6 trạm biến áp.
Thuần Mỹ cũng làm tốt công tác dồn điền đổi thửa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2007 đến 2013 xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa 111 ha và hoàn thiện cơ bản giao thông thủy lợi nội đồng. Việc này cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Bà con đã hiến 18.000m2 đất làm giao thông, thủy lợi. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, xã Thuần Mỹ đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất như ớt, chanh đào, bưởi, chuối tiêu hồng, táo, ngô, đậu....
Sau gần 4 năm thực hiện với bao khó khăn vất vả, đến tháng 12/2014 xã Thuần Mỹ tự đánh giá chấm điểm được 96 / 100 điểm, thành phố về đánh giá chấm được 97,5 điểm và được công nhận là xã đạt NTM.
Theo lãnh đạo xã Thuần Mỹ, thông qua quá trình chung tay xây dựng nông thôn mới, cán bộ, nhân dân trong xã đã có những nhận thức và chuyển biến rõ rệt. Nhân dân phấn khởi tích cực hiến đất, đóng góp công sức và tiền của để xây dựng các công trình giao thông, văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường. Bước đầu đã làm thay đổi cảnh quan môi trường trong xã theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn.
Còn đó nỗi niềm trăn trở
Mặc dù đã đạt nông thôn mới, song cần nhìn nhận thực tế rằng trong số 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, xã Thuần Mỹ vẫn còn 2 tiêu chí là thủy lợi và trường học chưa đạt. Cụ thể, trường tiểu học và THCS của xã đã đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập như máy chiếu, phòng thí nghiệm, nhà tập đa năng đảm bảo theo tiêu chuẩn… Tuy nhiên, trường mầm non vẫn chưa thể đạt chuẩn vì lý do chưa xây dựng được khu trung tâm.
Chủ tịch xã Thuần Mỹ Nguyễn Văn Diên cho biết: Trường mầm non của xã hiện tại có 3 điểm trường là Thuần Mỹ A, Thuần Mỹ B và một điểm trường trung tâm. Thuần Mỹ A, Thuần Mỹ B về cơ sở vật chất đã tạm ổn. Điểm trung tâm đã có đất, có lớp học nhưng thiếu nhà hiệu bộ, phòng chuyên môn. Theo tính toán của xã, muốn hoàn thiện cần khoảng 15 tỷ đồng. Vì trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã đã thực hiện xã hội hóa nhiều rồi nên giờ không thể huy động nhân dân đóng góp. Mong muốn hiện nay của xã là sớm được huyện đầu tư nguồn vốn để xây dựng cứng hóa kênh mương (tiêu chí thủy lợi) đồng thời đầu tư xây dựng trung tâm trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tiêu chí trường học).
Nói cụ thể hơn về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Khoa - Hiệu trưởng trường MN Thuần Mỹ chia sẻ: Cả xã có hơn 400 học sinh, riêng điểm trường trung tâm hiện nay có 4 lớp với hơn 100 cháu. Điểm trường trung tâm đã được xã giải tỏa mặt bằng với diện tích hơn 3.000 m2 nhưng chưa được xây dựng. Vì vậy đội ngũ cán bộ, giáo viên 48 người vẫn không có khu hiệu bộ, phòng giám hiệu, phòng y tế. Mỗi lần họp hội đồng nhà trường đều phải "mượn" phòng học của các cháu nên các cô chỉ có thể họp vào thứ 7. Thêm vào đó, vì thiếu cơ sở vật chất nên hiện nay một số lớp bị quá tải, ảnh hưởng không tốt tới việc chăm sóc, giáo dục các cháu.
Cô Khoa cho biết, nhà trường rất mong muốn khu trung tâm sớm được đầu tư xây dựng để có đủ phòng học. Khi xây dựng xong, trường có thể chuyển các cháu 5 tuổi ở các điểm còn lại vào một khu để dễ quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, các thầy cô cũng mong muốn sớm có cơ sở vật chất ổn định để thuận lợi và yên tâm công tác.