Các chuyên gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định tại hội thảo
Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định này được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng trên cơ sở Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; thực hiện Nghị quyết của BCHT.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; triển khai Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 5 tháng 4 năm 2016;
Nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 14 điều quy định về nội dung, trách nhiệm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDNN, GDTX, các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan;
Dự thảo Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; quy định môi trường giáo dục phòng chống bạo lực học đường; quy định về quy trình tiếp nhận thông tin và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường...
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội; trách nhiệm của người học, của giáo viên, cán bộ, nhân viên trong cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, trách nhiệm của gia đình học sinh.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng Ban soạn thảo Nghị định đã lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một số tổ chức quốc tế, các đại biểu của 20 Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, mầm non, TTGDTX...
Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo xây dựng, hoàn thiện và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và xã hội.
Theo Báo GD&TĐ