Các chiến sĩ Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô
(Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đứng thứ 4 từ trái sang)
Một lòng hướng về Thủ đô
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: “Ngày 27/1/1947, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã rất xúc động khi được đọc “Thư Bác Hồ gửi các chiến sĩ yêu quý của Trung đoàn Thủ đô". Còn gì sung sướng hơn khi vị lãnh tụ cao nhất gọi các chiến sĩ quyết tử của Liên khu 1 anh hùng bằng cái tên chung - “các em” - trìu mến, ấm áp như thế. Và thực tế là từ những thời khắc đầu tiên cho đến suốt 2 tháng sau đó, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô nói chung, Trung đội 2 của tôi nói riêng, đã anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội giữa lòng Thủ đô".
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội vụt tắt. Từ pháo đài Láng, Xuân Canh… tiếng nổ vang dậy khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Mặc dù Trung đội của ông đã được chuẩn bị rất kỹ càng cho trận đối đầu được dự đoán sẽ rất quyết liệt trong đêm 19/12, song những giờ đầu tiên, quân Pháp tập trung đánh vào Bắc Bộ Phủ… mà chưa qua phố Hàng Thiếc. Khi đó, lực lượng Trung đội 2 của ông đã được phân tán nhỏ lẻ, sẵn sàng chặn chân địch tại các phố Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Ngang, Hàng Đào… Những ngày sau đó, chiến sự diễn ra ác liệt. Trung đội của ông đã thực sự trải qua một cuộc “thử lửa” khốc liệt với quân Pháp và sau 60 ngày đêm anh dũng kìm chân giặc, tối 17/2/1947 các chiến sĩ đã được lệnh rút quân qua bến đò Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên) vượt sông Hồng ra vùng kháng chiến một cách an toàn tuyệt đối trước mắt quân địch. Trước khi rút, những người lính đã viết lên tường lời thề “Ra đi hẹn ngày trở về”.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm
Sau gần chục năm xa Thủ đô chiến đấu với bao hy sinh, vất vất vả với quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã vô cùng xúc động khi được về tiếp quản Thủ đô. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm khi đó đang công tác tại Bộ Tổng tham mưu nên về Hà Nội tiếp quản từ ngày 8/10/1954. Ông hồi tưởng lại: "Trên đường về các vị trí tiếp quản, chúng tôi thấy người dân ở khắp các phố phường phấn khởi vì hòa bình lập lại. Còn tại các điểm bàn giao, quân Pháp chấp hành rất nghiêm, binh sỹ gặp nhau còn hô: “Hòa bình muôn năm”, bởi với nhiều lính Pháp, họ cũng là lính đánh thuê, nên luôn mong muốn hòa bình sớm lập lại để được về nước sum họp với gia đình. Không khí ngày 10/10 tại Thủ đô như ngày hội, người dân đổ ra đường cùng với cả rừng cờ hoa đón chào những người con thắng trận trở về. Nhiều người còn chạy ra bắt tay, xoa lưng các chiến sỹ. Ngày ra đi vào tối 17/2/1947 và ngày trở về 10/10/1954 mãi mãi là những dấu mốc kỷ niệm không thể nào quên với tôi".
Vị Đại tá sinh năm 1922 cũng chia sẻ, tuy về Hà Nội từ mùng 8/10 nhưng theo quân lệnh, ông không được phép về thăm gia đình nên dù có đi ngang qua nhà, thấy mẹ nhưng ông không dám vào. Sau ngày 10/10, ông mới được gặp mẹ. Hai mẹ con đều mừng rơi nước mắt.
Cả cuộc đời noi gương Bác Hồ
Đối với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời ông chính là ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945. Khi đó ông là chàng thanh niên trẻ tuổi được giao nhiệm vụ tự vệ thành, bảo vệ an ninh trật tự cho ngày lịch sử trọng đại của dân tộc.
Không giấu nổi sự vui mừng trên khuôn mặt khi nhớ lại thời khắc ấy, ông kể: "Từ sáng sớm ngày 2/9/1945, đông đảo nhân dân từ khắp các nẻo đường kéo về trung tâm Quảng trường Ba Đình. Công việc của tự vệ thành là bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn nhân dân đi lại. Nhân dân lúc đó ý thức lắm, cho nên dù rất đông nhưng ai cũng rất trật tự, hồ hởi. Lúc Bác Hồ xuất hiện trên khán đài, nhiều người đã bật khóc. Họ khóc vì thương Bác quá. Bác lúc đó trông gầy lắm, Người đã phải rất “lao tâm khổ tứ" để lãnh đạo Việt Minh mang lại vinh quang, hạnh phúc cho dân tộc. Khi Bác cất tiếng nói, cả biển người im phăng phắc lắng nghe từng lời. Nhân dân một lòng một dạ tin tưởng ở Bác Hồ bởi đã bao năm dưới ách thống trị, người dân tay không đã lật đổ ách thống trị, cướp chính quyền ở ngay trung tâm Thủ đô, giành được độc lập, tự do. Đó là một kỳ tích vĩ đại của lịch sử nước nhà. Bác hỏi đồng bào: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” chính là biểu hiện sinh động tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Bác lúc nào cũng đặt lợi ích của dân lên trên hết, thế nên suốt đời Bác chẳng nghĩ gì cho riêng mình mà chỉ lo cho dân, cho nước".
Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đại tá Nguyễn Trọng Hàm khắc ghi và học theo. Dù trong thời bình hay thời chiến, ông luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời cống hiến hết tài năng, sức lực cho nhân dân, Tổ quốc.
Ông chia sẻ: "Trong suốt cuộc đời mình tôi lúc nào cũng học tập được ở Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai điều, đó là đức tính kiên trì và không ngừng rèn luyện".
Có lẽ chính vì vậy, mà dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn được dồi dào nhưng vị Đại tá 93 tuổi vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương. Ông hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 anh hùng. Người chiến sĩ năm xưa luôn giáo dục thế hệ sau về lịch sử và truyền thống dân tộc. Ông tâm niệm: "Trong cuộc sống luôn phải giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn sức khỏe để cống hiến đến hơi thở cuối cùng".