Văn hóa học đường là văn hóa của tổ chức
Có thể thấy học sinh của chúng ta từ cấp THCS, THPT, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng đây đó vẫn còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Khung cảnh sư phạm không phải chỉ ở những trường không có đủ điều kiện cơ sở vật chất mới xuống cấp mà ngay cả những trường mới được xây dựng hiện đại có đủ vườn hoa cây cảnh nhưng cầu thang, lớp học, sân trường vẫn còn vương vãi rác thải…
Có thể thấy mục tiêu của các cuộc vận động là nhằm xây dựng “chất văn hóa”, “văn minh” trong mỗi nhà trường, song thực tế hiệu quả chưa được như chúng ta mong muốn. Vì thế trước hết các cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong đó quan trọng là các nhà quản lý, lãnh đạo và mỗi thầy cô giáo ở mỗi nhà trường phải thấy được, họ chính là nhân tố tích cực nhất trong việc xây dựng VHHĐ.
VHHĐ chính là văn hóa của tổ chức. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi tổ chức phải tự khẳng định, tự xác định vị trí vai trò của mình bằng chính “Thương hiệu”, bằng sự tín nhiệm cao về các sản phẩm, các dịch vụ mình mang đến cho cộng đồng. Tổ chức nào khẳng định được cái “riêng có” cái uy tín về chất lượng toàn diện của các sản phẩm của tổ chức mình sáng tạo nên thì tổ chức đó mới đủ sức cạnh tranh và tồn tại phát triển bền vững. VHHĐ là giải pháp để các tổ chức xây dựng con người - nguồn lực quan trọng nhất của mỗi tổ chức với các lề lối làm việc, cách thức sống, những giá trị niềm tin mà mỗi tổ chức theo đuổi. Do đó, VHHĐ được nhìn nhận là “khung cảnh sư phạm” “môi trường sư phạm” và “ứng xử học đường” như lâu nay ta vẫn hiểu là cần thiết nhưng chưa đầy đủ, chưa làm rõ vị trí quan trọng, cái cao cả mà VHHĐ mang lại cho mỗi trường học.
Hiểu VHHĐ là văn hóa của tổ chức thời kinh tế thị trường, hội nhập là phải nắm được bản chất của VHHĐ. Đó là những biểu hiện ở các mặt chủ yếu sau:
VHHĐ trước hết là cách tư duy và hành động của các thành viên trong nhà trường. Đó là những niềm tin vào các giá trị được đề cao, được coi trọng, đó là những phương thức giáo dục đào tạo chung và riêng của mỗi nhà trường trong khi thực hiện mục tiêu cấp học. Tất cả những điều đó sẽ chi phối toàn bộ các hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường với nhau cũng như với xã hội.
Thứ hai, VHHĐ còn được thể hiện một cách chặt chẽ nhất quán bởi những định chế, những cung cách điều hành (lãnh đạo) của mỗi nhà trường và sự tuân thủ của các thành viên khi liên kết với nhau để thực hiện mục tiêu đào tạo và để tạo ra những giá trị của mỗi nhà trường (tạo ra nhân cách của người dạy và người học). Đây chính là tính thống nhất cũng là mục tiêu cao cả của VHHĐ mỗi nhà trường.
Thứ ba, VHHĐ không chỉ được thể hiện ở tư duy, hành động và bộ máy vận hành nhất quán mà còn phải được thể hiện thông qua những nét riêng biệt của mỗi nhà trường. Cái “riêng biệt” của mỗi nhà trường là những truyền thống xuyên suốt thời gian mà mỗi thành viên trong trường đóng góp xây dựng: Nó có thể là truyền thống “dạy tốt - học tốt”, có thể là khung cảnh sư phạm, có thể là mối quan hệ bền vững, tình nghĩa thầy trò, hoặc cụ thể nó chỉ là phù hiệu, logo, quần áo đồng phục… đang hiện hữu trong mỗi nhà trường
Đây chính là những nét biểu hiện của tinh thần bền vững, niềm tin, niềm tự hào của các thành viên về mái trường mình đã trưởng thành, cống hiến. Thế hệ đi sau phải biết kế tiếp thế mạnh các thế hệ đi trước và sáng tạo nên những giá trị mới, những truyền thống mới.
Những nét riêng có này phải được tất cả các thành viên cùng thống nhất thực hiện. Tất cả những hành động, những giá trị mà các thành viên thống nhất thực hiện được trong khoảng thời gian nhất định không chỉ tạo ra “chất văn hóa” mà đây chính là những yếu tố tạo nên sự bền vững của mỗi nhà trường.
Hiểu đúng về những nét đặc trưng, những yêu cầu của VHHĐ như vậy, chúng ta mới thấy VHHĐ trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Đó chính là cái nôi, là môi trường tốt nhất để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững. Đó là sự hỗ trợ cho mỗi nhà trường tạo ra sản phẩm nhân cách của người học, người dạy. VHHĐ sẽ giúp cho chúng ta thực hiện đầy đủ, tốt nhất các cuộc vận động lớn. Do đó VHHĐ sẽ giúp cho chúng ta tránh được những cách làm còn hạn chế của quá trình chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay. Đó là việc thực hiện còn mang tính chất đối phó, hình thức, không nhất quán, lúc làm lúc bỏ, làm không vì lợi ích của mỗi thành viên trong nhà trường mà chỉ vì “phong trào”…
Xây dựng Văn hóa học đường như thế nào?
Vậy làm thế nào để mỗi nhà trường có thể nhanh chóng xây dựng được VHHĐ của mình?.
Trước hết các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo trong mỗi nhà trường phải nhận thức sâu sắc về những yêu cầu của VHHĐ, thấy được giá trị, vai trò của VHHĐ trong quá trình thực hiện mục tiêu cấp học. Từ đó có quyết tâm, bền bỉ và có kế hoạch để từng bước xây dựng cho mỗi trường học đạt được VHHĐ của riêng mình.
Bộ máy quản lý, lãnh đạo của mỗi nhà trường phải có tầm nhìn, xác định những giá trị cao cả mà mỗi nhà trường phải vươn tới. Mỗi cấp học phải làm rõ mô hình nhân cách của thầy, của trò phải vươn tới là gì? Với học sinh trung học hiện nay, 4 trụ cột “Học để biết, học để làm; học để cùng chung sống; học để làm người” (UNESCO) là điều chúng ta phải vươn tới làm bằng được. Bởi vì hiện nay ta mới chỉ làm được việc “học để biết” một cách thụ động, máy móc, nặng nề. Còn những trụ cột khác của giáo dục thế kỷ 21 thì sao?.
Những giá trị tôn trọng, giá trị sáng tạo, dân chủ, thân thiện phải được các nhà trường mang đến cho học sinh trong cuộc sống học đường hàng ngày chứ không chỉ là những khẩu hiệu đẹp treo ở mỗi cổng trường.
Nhà trường quyền uy, cách giáo dục áp đặt, cào bằng, học sinh và cha mẹ học sinh không được tôn trọng… Đây là những việc làm vẫn còn trong các nhà trường chúng ta hiện nay. Chỉ có xây dựng được VHHĐ với những giá trị cao cả được nhà trường tôn vinh và thực hiện triệt để thì chúng ta mới có được một nền giáo dục hiện đại hòa nhập với thế giới. Triết lý giáo dục trong mỗi nhà trường Việt Nam chưa được hình thành một cách tường minh.
Xác định những giá trị cao cả cho mỗi trường học phải theo đuổi đã khó, nhưng việc tổ chức thực hiện một cách bài bản, bền bỉ thường xuyên trong mỗi nhà trường lại càng khó hơn.
Hiện nay chúng ta đã có những mô hình trường học làm tốt việc này cần được phổ biến nhân rộng; Các cơ quan quản lý giáo dục phải phát động để chính thầy trò mỗi nhà trường “tự đo” kết quả thực hiện của mình để phấn đấu.
VHHĐ chỉ được hình thành khi các thành viên trong mỗi nhà trường đều đồng loạt “Tư duy và hành động” thống nhất. Đặc biệt phải có quy chế và có những cơ chế để đảm bảo cho các thiết chế VHHĐ được thực hiện một cách thường xuyên bền vững. Ví dụ nói rằng tôn trọng học sinh nhưng mọi yêu cầu, mọi thắc mắc, những điều cản trở “sự thân thiện” của mỗi nhà trường không được phát hiện giải quyết bằng chính việc thông qua lấy ý kiến của học sinh về cách dạy của thầy, về những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày không được các nhân viên nhà trường phục vụ đến nơi, đến chốn, kịp thời thì làm sao nhà trường có dân chủ, có thân thiện.
Hiện nay các nhà trường đang duy trì nhiều phong trào thi đua là rất đúng. Nhưng nếu chỉ làm một cách hình thức, đối phó thì những nội dung tốt đẹp của các cuộc vận động không thể trở thành những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người. Nếu không hiểu được yêu cầu của các phong trào, các cuộc vận động, đưa nó trở thành những nét đẹp văn hóa của mỗi nhà trường chúng ta đã làm cho công sức của bao thế hệ thầy trò trở thành lãng phí, nhiều khi trở nên phản tác dụng giáo dục. Trong quá trình tổ chức các cuộc vận động này, các nhà trường tìm cách thực hiện sao cho có chất lượng và theo cách riêng của mình để tạo ra cái độc đáo “riêng có” trong quá trình chỉ đạo cũng chính là các trường học đang xây dựng cho mình nét đẹp riêng nhờ VHHĐ.
Việc lựa chọn những nội dung và hình thức giáo dục trong giai đoạn hiện nay cũng rất quan trọng. Đây là những nhân tố quyết định để có được một nhà trường đạt chuẩn mực “Văn hóa học đường” của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Có thể thấy trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một ví dụ.
Trải qua giai đoạn nhiều năm thử nghiệm ở trường Đinh Tiên Hoàng, một mô hình giáo dục không lựa chọn đầu vào, nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra, lại trong điều kiện một trường dân lập còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trường đã đạt được một số kết quả nhất định là nhờ nhà trường đã thật sự quan tâm đến việc xây dựng cho mình một “Thương hiệu Đinh Tiên Hoàng” mà nền tảng đó được tạo ra từ VHHĐ. Ngoài những nội dung, chương trình giáo dục của Bộ, Sở GD&ĐT chỉ đạo hàng năm, nhà trường kiên trì tổ chức cho học sinh của mình được học chương trình giáo dục giá trị sống (living velue), kỹ năng sống. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng những thói quen, hành vi văn hóa ở trường học và ở gia đình. Đây là những nội dung hết sức phong phú. Tổ chức những hoạt động tập thể để chuyển tải nội dung của VHHĐ theo cách riêng của trường. Vừa tạo ra hiệu quả vừa tạo ra những nét đẹp riêng của nhà trường cho cả thầy, trò và cả cha mẹ học sinh. Mọi hoạt động giáo dục của trường được định hướng theo mục tiêu của trường học thân thiện, mọi học sinh đều được tôn trọng, tạo ra những hoạt động giáo dục mà tất cả đều thực hiện theo nguyên lý, phương châm giáo dục là: “Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì được nghe và nói mà chủ yếu phải được hình thành bởi nỗ lực hành động của mỗi cá nhân” …
Mùa xuân luôn gắn liền với tuổi trẻ, VHHĐ sẽ tạo cho mỗi trường học mùa nào cũng sẽ là mùa xuân.