Đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em
TS Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GDMN, Viện Nghiên cứu GD Việt Nam cho rằng, khoa học đã chứng minh những năm đầu đời, đặc biệt hai năm đầu tiên, là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của một con người, là tiền đề quyết định đứa trẻ sau này có sức khỏe, có khả năng học tập và biết cách ứng xử để thích nghi với môi trường xung quanh hay không.
Những tiến bộ hay tổn thương của trẻ và những tác động qua lại trong những năm đầu tiên sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ giai đoạn khác của cuộc đời. Những vấn đề gây khó khăn cho trẻ khi đi học như sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng, tự ti, khả năng giao tiếp kém thường là do những nguyên nhân từ lứa tuổi mầm non của trẻ. Vì thế, GDMN có vai trò rất quan trọng.
Phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non chính là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của trẻ để trở thành công dân có ích trong tương lai. Đầu tư cho phát triển trẻ em là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phá vỡ vòng đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phát triển đầu tư cho trẻ mầm non đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội với khả năng lao động có hiệu quả hơn khi trẻ trưởng thành sau này. Ngoài ra các can thiệp phát triển trẻ em ở các trường mầm non tạo điều kiện giúp các bà mẹ có thời gian tiếp cận được với các cơ hội làm việc, học tập và phát triển bản thân ngoài xã hội.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều nước không đưa GDMN điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì GDMN chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết xung quanh.
Chính sách Nhà nước tập trung cho tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong tuổi mầm non đó là tăng thời gian nghỉ sinh và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi sinh đẻ và nuôi con.
Tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với dịch vụ chất lượng
Trong một báo cáo quốc tế mới đây về những lĩnh vực hành động mà bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng phải thực hiện để đương đầu với những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì lĩnh vực đầu tiên là GDMN. Theo đó, chính phủ các nước phải hành động để bảo đảm rằng mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận GDMN có chất lượng.
TS Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đối với GDMN và phát triển trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990.
Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một loạt các chiến lược quốc gia liên quan trực tiếp đến phát triển trẻ mầm non bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và giáo dục trẻ MN, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được các bộ ngành xây dựng và thực hiện.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, GDMN hiện nay đang đứng trước những khó khăn thách thức. Thực tế hiện nay, quy mô phát triển GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước; những khó khăn, bất cập trong quy hoạch mạng lưới, chính sách phát triển GDMN, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN và các yêu cầu về nguồn lực, đặc biệt trong phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở một số nơi, GDMN còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ...
Nhấn mạnh phải quan tâm đặc biệt đến đối tượng này, song trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non có ý nghĩa quyết định đến phát triển GDMN theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng.
"Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có nhu cầu cao, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, khi cấp giấy phép thành lập, nhà đầu tư phải cam kết xây dựng nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em của người lao động trong doanh nghiệp" - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị; đồng thời lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở; quy định lao động trực tiếp chăm sóc trẻ phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức phù hợp.
TS Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng - 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở GDMN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng miền.