Đề xuất cụm thi tại tỉnh để giảm bớt khó khăn cho thí sinh
Thầy Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết: Tôi hoàn toàn ủng hộ Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Qua tham khảo ý kiến của các giáo viên, học sinh và các phụ huynh trong tỉnh Bắc Giang, tôi thấy dự thảo này được đa số ủng hộ vì tính khả thi, thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong ôn tập và định hướng chọn môn thi. Thời điểm công bố dự thảo khi kết thúc học kì 1, đủ để cho các giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị cho kì thi trước mắt.
Thầy Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang
Nội dung của Dự thảo rõ ràng và khoa học, giúp quyền lợi người học được đảm bảo và mở rộng như: Đánh giá cả quá trình học, chỉ thi một đợt, tổng thể là thi gần nhà đỡ tốn kém và phiền phức, có nhiều lựa chọn đăng ký trường học và lại được lựa chọn sau khi có kết quả kỳ thi nên học sinh nhiều cơ hội trúng tuyển phù hợp năng lực hơn...
Tôi cũng đồng tình về chấm thi theo thang điểm 20 mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Việc mở rộng thang điểm sẽ giúp việc chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Điều này sẽ giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo của mình.
Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo cụm mang lại rất nhiều thuận lợi cho thí sinh thi ĐH, CĐ do không phải đi xa, đổ dồn về thành phố lớn để thi như trước.
Nhưng đối với những tỉnh có diện tích rộng và đi lại khó khăn như Bắc Giang thì việc thi trong tỉnh thôi cũng khó khăn lắm rồi, chưa nói đến chuyện phải di chuyển đến tỉnh khác.
Để thuận lợi cho thí sinh các tỉnh miền núi, địa bàn chia cắt như Bắc Giang thì nên đặt cụm thi tại tỉnh. Sau khi công bố chính thức quy chế, Bộ GD&ĐT cần sớm công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi, địa điểm cụm thi...
Để chuẩn bị cho kì thi sắp tới, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã đặt ra kế hoạch và đã triển khai được nhiều công việc. Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về kỳ thi tới các giáo viên, học sinh, phụ huynh bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường, TTGDTX tổ chức dạy và học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất người học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng mở, tổng hợp, tích hợp gắn thực tiễn theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Sở GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chương trình dạy học, đánh giá đúng thực chất học sinh, quản lý hồ sơ của trường chặt chẽ; làm tốt công tác hướng nghiệp lựa chọn môn thi cho học sinh, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 nhất là học sinh tại TTGDTX rèn kỹ năng, sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức thi cụm tại Bắc Giang.
Trong kì thi sắp tới, dự kiến sẽ có khoảng hơn 20.000 học sinh lớp 12 của Bắc Giang tham dự. Bắc Giang là một tỉnh miền núi, điều kiện đi lại nhiều vùng còn gặp nhiều khó khăn. Nếu phải thi tại tỉnh khác thì nhiều học sinh và người nhà sẽ gặp khó khăn, nhất là học sinh vùng núi, dân tộc.
Theo dự thảo, thời điểm của kì thi sẽ diễn ra vào đầu tháng 7, muộn hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT các năm trước khoảng 1 tháng. Thi vào thời điểm này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống lại kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Tuy nhiên, các nhà trường, các thầy cô lại có thêm một tháng để ôn luyện những kiến thức cho học sinh của mình. Và vì thế, thời gian nghỉ hè của các thầy cô vô tình bị rút ngắn. Các kế hoạch trong hè của Sở GD&ĐT và các nhà trường như tuyển sinh, bồi dưỡng giáo viên... sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.
Vì một kì thi nghiêm túc, việc di chuyển đến các địa điểm thi không phải là vấn đề lớn
Ông Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - cho biết: Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cũng như Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ đã được Bộ GD&ĐT soạn thảo, tính toán rất kĩ lưỡng trên cơ sở tham khảo ý kiến của đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học… nên không phải bàn thêm về chủ trương, cách thức thi, môn thi, cụm thi mà chỉ góp ý thêm về các tiểu tiết sao cho việc tổ chức được thuận lợi nhất và khoa học nhất.
Ông Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình
Hiện nay, giáo viên và học sinh vẫn quen vận hành với thang điểm 10. Tuy nhiên việc thay đổi thang điểm trong các bài thi không có gì phức tạp và chắc chắn các em học sinh sẽ ngay lập tức quen với cách chấm điểm mới để làm bài tốt.
Thời điểm của kì thi diễn ra vào đầu tháng Bảy là hợp lý. Đây là thời điểm của kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ hàng năm. Như vậy, so với mọi năm thì các em dự thi đại học sẽ bớt đi được 1 kì thi vào đầu tháng 6.
Thời gian này sẽ giúp các em củng cố vững hơn kiến thức và chuẩn bị được sức khỏe và tinh thần tốt hơn để dự thi. Thời điểm này cũng là thời gian các trường đại học đã kết thúc năm học và có chỗ ở trong các KTX giúp các thí sinh dự thi.
Vài năm trở lại đây ở Thái Bình có khoảng 20% số thí sinh không dự thi đại học mà chỉ thi tốt nghiệp THPT. Khác với mọi năm, lượng thí sinh này sẽ phải di chuyển một quãng đường xa hơn để tham dự kì thi tốt nghiệp THPT.
Nhưng theo tôi, vì một kì thi nghiêm túc, việc di chuyển đến các địa điểm thi không phải là vấn đề lớn đối với các thí sinh. Trong suốt quá trình 12 năm học chỉ tham dự duy nhất một kì thi tốt nghiệp, một kì thi “trọng đại” sẽ làm cho các em cố gắng nỗ lực hơn trong quá trình học tập.
Những năm trước, Thái Bình cũng đã tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT tại các trường liên huyện. Có nghĩa là học sinh ở huyện này đã phải di chuyển sang huyện khác để tham dự kì thi.
Năm nay, việc di chuyển một quãng đường có thể lên đến 100 km sẽ là rất bình thường đối với một kì thi tầm cỡ quốc gia và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trong những ngày qua, Sở GD&ĐT Thái Bình đã tham khảo ý kiến của đông đảo các giáo viên, học sinh, phụ huynh trong địa bàn tỉnh về dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Khảo sát cho thấy không có ý kiến nào của các thầy cô thắc mắc về tổ chức kì thi theo cụm. Kì thi dù tổ chức ở Thái Bình hay một tỉnh lân cận thì tất cả học sinh đều có thể di chuyển đến để tham dự nếu đó là một kì thi quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc học tập của cả cuộc đời. Đó cũng chính là đóng góp của học sinh trong tỉnh Thái Bình cho một kì thi quốc gia thực sự nghiêm túc.