Điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 6
Tuyển sinh vào mầm non, tiểu học, lớp 6 năm học 2018 – 2019 không có gì thay đổi so với các năm trước, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương "Ba tăng, ba giảm" (Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; Giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn). Tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định; đồng thời tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trên toàn Thành phố.
Một số điểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 6 tại Hà Nội là: Năm học 2018-2019, Hà Nội có các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cụ thể, thành phố triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE Cambridge tại 7 trường THCS: Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Để học chương trình này, học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực: Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh và bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn IGCSE.
Các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập,…) sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) báo cáo với phòng GD&ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Nói cụ thể hơn về bài kiểm tra đánh giá năng lực, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết: Từ tháng 10/2017, Sở GD&ĐT đã tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo với các phòng GD&ĐT, các trường THCS tuyển sinh không theo tuyến và có số học sinh đăng ký hàng năm vượt quá chỉ tiêu, đồng thời tham khảo ý kiến một số nhà khoa học, thống nhất phương án kiểm tra, đánh giá năng lực: Học sinh phải thực hiện 02 bài kiểm tra (Bài tổ hợp Khoa học và Toán; bài tổ hợp tiếng Việt và tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý); Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT; Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao; Thời gian làm bài: 60 phút/bài kiểm tra. Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực: Đợt 1 vào ngày 29/6/2018; đợt 2 vào ngày 30/6/2018.
Tăng cơ hội cho học sinh thi vào lớp 10
Số lượng học sinh vào lớp 10 năm nay tăng đột biến. Cụ thể, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội số học sinh vào lớp 10 năm học này dự kiến tăng khoảng 22.000 em so với năm trước. Để đáp ứng số lượng học sinh lớn, Hà Nội đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập lên 19.500 em so với năm 2017. Như vậy, năm nay 62% số học sinh vào THPT công lập, đảm bảo đủ theo tỷ lệ của Hội đồng nhân dân Thành phố đề ra. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT là 85.800 em.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 tiếp tục ổn định như năm học trước theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Thí sinh thi vào ngày 07/6/2018 (sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Toán). Một trong những điểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 là thành phố có 2 trường THPT công lập (THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài (học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc). Học sinh đăng ký dự thi học chương trình này sẽ trải qua 3 vòng thi theo quy định. Vòng 1: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 07/6/2018: Buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán (cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên); Vòng 2: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc vào ngày 10/6/2018: Buổi sáng thi môn Toán và môn Vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều thi môn tiếng Anh và môn Hóa học bằng tiếng Anh; Vòng 3: Phỏng vấn vào ngày 18/6/2018.
Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019, chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông (loại giỏi được cộng 1,5 điểm; loại khá cộng 1 điểm; loại trung bình cộng 0,5 điểm). Mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5 điểm.
Không được cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi HSG thành phố khiến nhiều học sinh tiếc nuối. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này không quá nặng nề và không ảnh hưởng nhiều tới học sinh. Cô giáo Trần Minh Thủy – Hiệu trưởng trường THSC Việt Nam – Angiêri nhận định: "Những học sinh khá, giỏi sẽ thi vào các trường tốt như nhau, sự cạnh tranh như nhau. Vì vậy không cộng thì tất cả học sinh đều không cộng. Sự cạnh tranh không có sự thay đổi nhiều. Việc không cộng điểm cũng giúp học sinh không ỷ lại, có động lực học tập tốt hơn, tự giác hơn trong học tập. Điều này cũng không giảm động lực cho các em tham gia các kỳ thi bởi học sinh dự thi đều xuất phát từ yêu thích môn học và có khát khao được khẳng định bản thân".
Điều kiện để được tuyển thẳng vào lớp 10 là các học sinh đạt giải cấp quốc gia và cấp quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT (các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức) như kỳ thi chọn HSG quốc gia; chọn đội tuyển Olympic quốc tế; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Cuộc thi "Viết thư quốc tế UPU" do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Ngoài các cuộc thi trên, học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên trong các cuộc thi tại Công văn số 3035/SGDĐT-QLT ngày 10/8/2016 trước năm học 2017-2018, được bảo lưu trong năm học 2018-2019.
Một điểm mới nữa của kỳ thi năm nay là học sinh không dự thi ngày 07/6/2018 được dự tuyển vào các cơ sở giáo dục dùng phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, đó là các trung tâm GDNN-GDTX, trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập. Điều này sẽ tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh.
Điều kiện đối với học sinh dự tuyển vào trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập cũng “nới” hơn. Cụ thể, học sinh có bố hoặc mẹ có hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội cũng có thể dự tuyển. Trong khi đó, trường THPT công lập yêu cầu bố hoặc mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; Bố hoặc mẹ đã hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã.
Thời gian tuyển sinh:
- Tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến:
+ Tuyển sinh vào lớp 1: Từ ngày 01/7/2018 đến hết ngày 03/7/2018;
+ Tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non: Từ ngày 04/7/2018 đến hết ngày 06/7/2018;
+ Tuyển sinh vào lớp 6: Từ ngày 07/7/2018 đến hết ngày 09/7/2018;
- Tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp: Từ ngày 13/7/2018 đến hết ngày 18/7/2018.