Dự buổi lễ có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.
Báo cáo do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trình bày đã điểm lại những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019-2020. Quy mô giáo dục tiếp tục phát triển với 2.748 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2 triệu học sinh. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đồng bộ về cơ cấu. Công tác đổi mới hoạt động dạy - học có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở, chuyển mạnh từ quá trình giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học bước đầu có kết quả tốt.
Năm học 2019-2020, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, thu hút gần 100% học sinh tham gia, góp phần duy trì nền nếp, chất lượng giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì. Việc xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đạt kết quả tốt. Công tác thi và tuyển sinh có nhiều điểm mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đặc biệt trong việc triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp, góp phần tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô.
Giáo dục Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 144 giải; ngoài ra, học sinh Thủ đô còn giành 338 giải và huy chương tại các kỳ thi quốc tế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng…
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trao Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND thành phố Hà Nội cho phòng giáo dục và đào tạo 8 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học cho 5 tập thể. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND thành phố cho 13 tập thể.
Nhân dịp này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 40 nhà giáo đoạt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2019-2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý ghi nhận, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn của các thầy giáo, cô giáo Thủ đô đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô, đất nước và nhấn mạnh, những kết quả đạt được của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong năm học 2019-2020 đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục triển khai sâu rộng các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Toàn ngành cần tập trung khắc phục khó khăn; khẩn trương thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học khoa học, hợp lý; quan tâm, sửa chữa những hạng mục công trình chưa đồng bộ hoặc xuống cấp tại các trường ngoại thành, vùng xa; phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; nghiên cứu đề xuất bổ sung các chương trình giáo dục ngoại khóa để học sinh có thêm kỹ năng sống, kỹ năng thực hành; nâng cao vốn ngoại ngữ cho học sinh; chú trọng rèn luyện, nâng cao thể lực, sức khỏe cho học sinh; xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực, chất xám nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, thành phố Hà Nội xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Mục tiêu đó đã và đang được thành phố chỉ đạo một cách quyết liệt và đồng bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố và nhân dân Thủ đô luôn đặt niềm tin lên vai những người thầy. Các nhà giáo cần tiếp tục trau dồi trình độ chuyên môn, đạo đức nghề, để luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
“Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm và lương tâm, các thầy giáo, cô giáo và các nhà quản lý giáo dục hãy nối tiếp và phát huy truyền thống hơn 60 năm của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Đảng bộ và chính quyền thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có những chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô”, đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh.