Bên cây đàn violon, nhìn Trần Lê Quang Tiến chững chạc hơn so với tuổi 14 của mình. Song cái sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò vẫn hiển hiện trong ánh mắt sáng, nụ cười hiền của em. Ra dáng một chàng trai, nhưng Tiến vẫn quấn quít bên mẹ và chị gái, 2 người phụ nữ có sự ảnh hưởng rất lớn đến con đường nghệ thuật và cây đàn violon của em.
Tiến bộc bạch: Mẹ em rất thích nghe nhạc nên có lẽ em đã yêu những giai điệu từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Chị gái Trần Lê Bảo Quyên lại rất mê chơi piano nên em cũng thường xuyên là “khán giả” nghe chị biểu diễn. Em đến với âm nhạc bắt đầu từ những cảm xúc, những cảm nhận về những giai điệu du dương, dịu dàng mà mình được nghe suốt thời thơ bé.
Trần Lê Quang Tiến biểu diễn tại cuộc thi "VI International Violin Competition"
Tiến được mẹ cho học piano từ năm 5 tuổi, nhưng theo cảm nhận và mong ước của cô chị gái, Tiến chuyển qua học violon vào năm lên 6 tuổi. Thế nhưng thời gian làm quen với cây đàn vĩ cầm của cậu bé cũng chỉ được nửa năm, Tiến quay sang học cả vẽ và múa, với em, lúc ấy học violon thật khó. Mãi đến năm 9 tuổi, Quang Tiến mới trở lại tập luyện cùng cây vĩ cầm. Độ tuổi này để theo học đàn là khá muộn. Nhưng với bản năng chơi nhạc sẵn có, thẩm thấu nền văn hóa gia đình ngay từ nhỏ, Quang Tiến đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc trời cho. Là chắt ngoại nhà văn Nguyễn Tuân, cháu nội Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Quang Tiến may mắn được sống trong một nếp nhà “văn-võ song toàn”. Và may mắn nữa là khi em lên 10 tuổi vào học Nhạc viện Hà Nội đã nhận được sự dìu dắt của nghệ sỹ violon nổi tiếng Bùi Công Duy, Trưởng khoa Dây của Nhạc viện. Theo chị Lê Thị Xuân Hà-mẹ của Quang Tiến: Có thể nói Quang Tiến đến với con đường âm nhạc, rồi gắn bó với cây đàn violon là duyên nghiệp đã định. Quay trở lại với cây đàn khi không còn sớm song có lẽ những thành công mà con đạt được là bởi sự hội tụ của các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiếu một trong những yếu tố này có lẽ sẽ không có một Quang Tiến ngày hôm nay.
Miệt mài luyện tập với cây đàn vĩ cầm, Tiến bảo: Mỗi khi chơi đàn em thấy cảm xúc trong mình dâng trào, những giai điệu cứ thế chạm đến trái tim, đến từng nhịp thở của em. Có lẽ mỗi giai điệu là mỗi nhịp cảm xúc rõ nét nhất trong con người của em.
Với sự nỗ lực và những gì đã thể hiện, Quang Tiến được thầy giáo Bùi Công Duy đánh giá là “không chỉ xuất sắc mà phải nói là quá xuất sắc”. Cũng chính vì lý do này, Quang Tiến đã được Trưởng khoa dây của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) quyết định cho nhảy lớp từ Sơ cấp 1 lên Sơ cấp 3 để rút ngắn thời gian học của một tài năng trẻ. Trình độ chơi nhạc của em được đánh giá là ngang ngửa với một sinh viên hệ Đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dù mới đang theo học hệ 3/9 Sơ cấp của Học viện. Và chỉ sau 2 năm tập luyện, Trần Lê Quang Tiến đã giành giải Nhất cuộc thi Violon quốc tế Mozart tổ chức tại Thái Lan. Tiếp sau đó là giải Nhất bảng Junior (dưới 15 tuổi) trong cuộc thi Violon uy tín của châu Âu (VI International Violin Competition) vừa được tổ chức tại Thủ đô Astana, Kazakhstan. Có thể nói, kể từ sau khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, giải Nhất của Trần Lê Quang Tiến tại cuộc thi này là thành tích đào tạo tiêu biểu đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại cuộc thi Violin Quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của Châu Âu và quốc tế.
Diễn ra từ 26-31/10/2016, cuộc thi VI International Violin Competition Kazakhstan chọn được 40 thí sinh tham gia cho 2 Bảng Junior (dưới 15 tuổi) và Senior (17-28 tuổi) đến từ các nước như: Ucraina, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Nhật, Tiệp Khắc, Việt Nam, Ý. Mỗi bảng thi được phép chọn ra tối đa 6 thí sinh vào Chung kết, có 3 giải (Nhất, Nhì, Ba) và 3 Diplom finalist. Ban giám khảo cuộc thi đều là những nghệ sĩ đã từng đoạt giải thưởng lớn tại các cuộc thi danh giá thế giới, hiện đều là những giáo sư hàng đầu hiện nay ở Nga và các nước Châu Âu, Châu Á, Mỹ như Victor Tretyakov - giải Nhất Tchaikovsky năm 1966, hiện là giáo sư nhạc viện Koln. NSND USSR, Liana Isakadze – giải Nhất Long Thibaud năm 1965 Paris, giải Ba Tchaikovsky năm 1970, giải Nhất Sibelius năm 1970 tại Helsinki, Vladimir Ivanov – giải Nhất cuộc thi “Bach” năm 1982 tại Leipzig hiện là NSND Nga, Trưởng khoa Dây Nhạc viện Tchaikovsky Moscow, Qian Zhou – giải Nhất cuộc thi Long Thibaud năm 1987 Paris hiện là Trưởng khoa Dây Nhạc viện Yong Sue Tow. Tham gia Ban giám khảo còn có NSƯT Bùi Công Duy - Trưởng khoa Dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Giám đốc nghệ thuật “Vietnam Connection” Music Festival in Viet Nam.
NSƯT Bùi Công Duy cho biết: Thí sinh của Việt Nam bốc thăm vào đúng số 1 để lên thi. Một chút lo lắng xen lẫn hồi hộp, song Quang Tiến đã thực hiện rất tốt phần thi của mình. Phần trình diễn chững chạc, chắc chắn và đầy nội lực, cảm xúc của em đã thuyết phục hoàn toàn các vị giám khảo của cuộc thi. Trước khi lên đường đến với cuộc thi, Tiến đã nghiêm túc tập luyện nên em đã giữ được bản lĩnh và phong độ khi bước lên một sân khấu quốc tế lớn. Em đã tự tin giành chiến thắng một cách đáng tự hào.
Với Tiến, thầy Bùi Công Duy đã “tiếp lửa” cho em trong khi tập luyện cũng như biểu diễn. Trong chuyến đi thi này, thầy trò tranh thủ mọi thời gian có thể để tập luyện và chinh phục những tác phẩm khó, phức tạp. Thầy luôn yêu cầu em phải dậy sớm để tập đàn. Chính điều này đã giúp em không bị lúng túng khi là thí sinh đầu tiên lên thi.
Khi chơi đàn, giống như con tằm rút ruột nhả tơ, Trần Lê Quang Tiến rút hết ruột gan vào mỗi bản nhạc, cảm xúc dâng trào trong em một cách bất tận với những giai điệu du dương. Tiến yêu thích nhất dòng nhạc cổ điển và những tác phẩm của Mozart, bởi với em: Âm nhạc của Mozart tuy không nhiều nốt nhưng luôn khiến người chơi và người nghe dâng trào cảm xúc, cảm nhận được giá trị sâu sắc của cuộc sống tươi đẹp xung quanh mình. Ánh sáng của âm nhạc cứ thế thẩm thấu vào trái tim của người chơi, người nghe một cách trọn vẹn, sâu lắng…
Bên cạnh niềm đam mê âm nhạc, tài năng trẻ violon Trần Lê Quang Tiến còn rất thích học môn Lịch sử, thích đọc sách và xem những bộ phim khoa học viễn tưởng để được bay bổng, khám phá những điều hay, điều lạ trong cuộc sống và được đắm mình trong những khát khao của tuổi trẻ.
Ngoài thời gian học văn học và tập đàn, có được thời gian rảnh là Tiến thích vào bếp nấu ăn và làm bánh cùng mẹ. Khi những ngày Tết cổ truyền đang đến gần, Tiến bộc bạch: Ngày Tết là ngày sum họp gia đình, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ. Ngày Tết cũng là lúc chúng em có nhiều thời gian để nghỉ ngơi sau một năm học tập, tập luyện. Em sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để vào bếp nấu ăn cùng mẹ như: luộc bánh chưng, rán nem…
Con đường trở thành một nghệ sỹ solist luôn chứa đựng rất nhiều khó khăn. Nhưng tin rằng với tình yêu âm nhạc và khả năng thiên bẩm, Trần Lê Quang Tiến sẽ vượt qua và chinh phục nhiều đỉnh cao. NSƯT Bùi Công Duy cho biết: “Tuy thời gian học violin của Tiến rất ngắn (so với những học sinh khác thường bắt đầu từ 5-6 tuổi) nhưng em đã chứng tỏ một năng khiếu thiên bẩm và bản lĩnh biểu diễn đáng khâm phục. Sắp tới, Học viện Âm nhạc sẽ có kế hoạch chuẩn bị và bồi dưỡng để Tiến có thể tham gia những cuộc thi thách thức và lớn hơn, như cuộc thi Tchaikovsky mùa sắp tới...”. Còn với Tiến: Em thấy thật hạnh phúc khi được nuôi dưỡng niềm đam mê của mình với cây đàn Violon, chinh phục những cuộc thi cũng là chinh phục chính bản thân mình.
Ngoài kia mùa xuân đã đến thật gần, những cảm xúc từ tiếng đàn violon của tài năng trẻ Trần Lê Quang Tiến khiến người nghe thấy chạm gần hơn vào sức xuân đang phơi phới trong niềm vui xuân của mọi người, mọi nhà…