Đảm bảo riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận
Quan trọng là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nhiệm vụ của công tác tư vấn tâm lý học đường. Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã chỉ rõ: Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường.
Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó.
Ảnh minh họa
Để thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường, nhà trường phải bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.
Thêm vào đó, các trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ GĐ&ĐT.
Những bước đi đầu tiên
Nói về công tác tư vấn tâm lý học đường tại Hà Nội, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn nhận định: Phòng tham vấn học đường là một bộ phận không thể thiếu trong trường học. Tư vấn viên phải là những người có kinh nghiệm và tâm huyết trong công tác tham vấn. Chính vì vậy, hàng năm Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tham vấn, tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, tổ chức tham quan các mô hình tham vấn đạt hiệu quả cao.
Trên thực tế, tại Hà Nội, trước khi có Thông tư 31 của Bộ GĐ&ĐT, mô hình phòng tư vấn tâm lý đã được triển khai tại một số trường và hoạt động khá hiệu quả như trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Đông Đô, THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm)… Đây chính là tiền đề cho sự nhân rộng của phòng tư vấn tâm lý sau này.
Từ tháng 9/2014 đến tháng 11/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp cùng tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 10 trường THPT và 10 trường THCS trên địa bàn Thành phố trong đó có một nội dung quan trọng là thí điểm xây dựng và vận hành mô hình phòng tham vấn học đường. Qua 3 năm thí điểm, mô hình đã đi vào hoạt động hiệu quả góp phần không nhỏ trong công tác tham vấn tâm lý không chỉ cho học sinh mà còn cả giáo viên và phụ huynh. Tháng 10/2017, Sở đã ban hành công văn yêu cầu các trường THPT, các phòng GD&ĐT chủ động triển khai thành lập bộ phận công tác tư vấn học sinh tại các trường THPT, THCS và TH trong năm học 2017-2018.
Tháng 11/2017, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục ra công văn số 4194 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường TH, THCS, THPT. Công văn chỉ rõ mục đích của tư vấn tâm lý học đường là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Cùng học sinh giải quyết khúc mắc trong cuộc sống
Công tác tư vấn tâm lý học đường tại Hà Nội tập trung vào các nội dung: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học). Các trường cũng tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và các trường THPT đã có những bước đi cụ thể trong công tác tư vấn tâm lý học đường. Cụ thể như phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các trường trong huyện xây dựng các chuyên đề và bố trí thành các tiết giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ về tư vấn tâm lý cho học sinh. Tổ chức giảng dạy lồng ghép các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh.
Trong khi đó, phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai yêu cầu các trường phối hợp với cha mẹ học sinh, thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh; nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh về đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và tác động của những thay đổi đó đối với học sinh; quan tâm đúng mức, phát hiện kịp thời biểu hiện bất thường để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Trường phổ thông Nguyễn Siêu từ năm 2017 đã có phòng tư vấn tâm lý học đường với bàn ghế, tủ sách và một số phương tiện khác được bố trí để đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Cán bộ phòng Tư vấn học đường đã được đào tạo chuyên sâu (cử nhân Tâm lý học trường học – ĐH Sư phạm Hà Nội), được tập huấn bài bản và thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Trường cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống các tệ nạn xã hội, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống với các chủ đề như: Tình bạn, tình yêu và các vấn đề sức khỏe vị thành niên, Smartphone – bao nhiêu là đủ?, Tôn trọng sự khác biệt, Xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường, Nói sao cho cha mẹ hiểu...
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, công tác tư vấn tâm lý học đường ngoài cách tiếp cận truyền thống như tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn thì các trường tại Hà Nội cũng đã thực hiện tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Điều này giúp tăng cường phạm vi tư vấn, giúp các em tự tin, cởi mở chia sẻ những vướng mắc đang gặp phải trong cuộc sống.