Thông điệp là kết tinh tư tưởng “giáo dục thân dân” coi giáo dục vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh của quá trình phát triển
Để lĩnh hội ý kiến sâu sắc của lời dạy, cùng nhìn lại những sự kiện lịch sử của nền giáo dục cách mạng gắn với công việc của vị Chủ tịch nước.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của nền Dân chủ Cộng hòa mà trong đó giáo dục được Người đặt vào vị trí then chốt. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người yêu cầu “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”.
Ngay năm học đầu tiên của nước Việt Nam mới, năm học 1945-1946, Bác gửi thư cho toàn thể học sinh và giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục Việt Nam: Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
Ảnh tư liệu
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ từ ngày 23/9/1945 và toàn quốc từ ngày 19/12/1946 có làm cho những mục tiêu của nền giáo dục mới chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc. Nhưng ở vùng tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền cách mạng đã phát triển nền giáo dục mới theo ý tưởng của Hồ Chí Minh.
“Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ ngay trong lúc kháng chiến gian khổ: Mở mang giáo dục để cho ai nấy cũng đều biết đọc, biết viết.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và việc giải phóng hoàn toàn miền Bắc đưa đất nước vào cục diện mới: Khôi phục phát triển kinh tế theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Liên tiếp trong các năm 1955-1958, Hồ Chủ tịch đã dày công chỉ đạo cho toàn Đảng toàn dân đưa phát triển kinh tế, phát triển giáo dục gắn bó với nhau. Trong thời gian này, Bác đã đến thăm nhiều trường học, nhiều hội nghị giáo dục và có gần 30 bài nói chuyện hoặc huấn thị quan trọng cho ngành giáo dục, cho các thầy cô giáo, học sinh từ đại học đến mẫu giáo. Người đề cập một tổng thể các vấn đề giáo dục từ phương thức phát triển đến cách dạy học, sự rèn luyện tu dưỡng của thầy trò.
Bác đặt giáo dục và kinh tế trong một chỉnh thể phát triển thống nhất với nhau. Người đặt yêu cầu phải có biện pháp làm cho hai lĩnh vực này hỗ trợ lẫn nhau. Tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc tháng 3/1956, Bác chỉ thị: Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục có khó khăn thì kinh tế phải khắc phục. Chúng ta đồng tâm hiệp lực thì kinh tế cũng thành công, giáo dục cũng thành công.
Người mong các cán bộ làm công tác giáo dục nhận thức được: Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Việc đào tạo cán bộ giáo dục cần phải coi là hàng đầu. Tuy không có gì là oanh liệt nhưng làm tròn nhiệm vụ này cũng là anh hùng, tập thể anh hùng.
Thông điệp là sự kế thừa chọn lọc và phát triển ý tưởng của tiền nhân
Ôn lại thông điệp của Bác Hồ xin được nhắc đến danh nhân Quản Trọng. Là nhà chính trị Trung Hoa cổ đại (725-645 TCN), ông từng có lời phát biểu sau đây:
Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.
…
(Trù liệu việc một năm không gì bằng trồng lúa
Trù liệu việc mười năm không gì bằng trồng cây
Trù liệu việc cả đời không gì bằng trồng người).
Nhà chính trị văn hóa Hồ Chí Minh khi tìm đường cứu nước đã nghiên cứu tư tưởng chính trị của các danh nhân Tiên Tần và các dòng tư tưởng khác. Trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lênin, Người chắt lọc cái hay gạt đi cái dở của các tư tưởng này để xây dựng những quan điểm chính trị giáo dục thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Đối với Hồ Chí Minh giáo dục và chính trị vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh thúc đẩy nhau và đều hướng vào lợi ích của nhân dân, hạnh phúc của nhân dân.
Ngay sau khi phát biểu luận đề “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây…”, Bác nhắn nhủ các thầy cô giáo: “Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”.
Thông điệp là phương châm cho chiến lược giáo dục mà việc tổ chức giáo dục, dạy học phải hướng vào người học, lấy lợi ích của người học làm mục tiêu chủ đạo của quá trình đào tạo.
Bác mở đầu thông điệp bằng cụm từ “Vì lợi ích” với hàm ý như một lời nhắc nhở mọi cán bộ giáo dục, giáo viên cần có tư duy mới về công tác giáo dục, dạy học.
Với tầm nhìn chính trị giáo dục sắc bén, Người tiên liệu các thách thức đặt ra cho nền giáo dục cách mạng khi nhiệm vụ tổ chức việc học hành không chỉ cho một thiểu số cư dân mà phải cho toàn dân. Không thể chỉ lấy nhiệt huyết và quyết tâm rồi theo cách làm cũ mà thành công trong công việc điều hành tiến trình đào tạo. Cần nhìn cho rộng suy cho kỹ (Nhãn quang ưng đại, tâm ưng tế) đối với công việc có tầm quan trọng đặc biệt và có quan hệ đến từng tế bào của đời sống xã hội, đời sống mỗi gia đình, mỗi công dân.
Dân chủ hóa đời sống giáo dục chỉ hiện thực trên cơ sở tư duy mới, cách làm mới. Thông điệp định hướng cho sự phát triển nhà trường phải từ bỏ được phương thức sư phạm quyền uy, ban ơn, xây dựng phát triển phương thức sư phạm của tinh thần cộng tác dân chủ, “Thầy quý trò, trò kính thầy”; từ bỏ lối dạy học không chú ý đến nhu cầu, hoàn cảnh, nguyện vọng của người học, “lợi ích – chức năng” của người học trong cuộc sống cộng đồng.
Ích lợi của việc học là điều kiện cần, song lợi ích của người học phải là điều kiện đủ trong chiến lược giáo dục cho mọi người.
Sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của Bác là phải xây dựng phát triển được nền giáo dục, hệ thống giáo dục kiểu nhà trường, cách dạy học vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của người học. Đó là nền giáo dục dân tộc, dân chủ, nhân văn, lao động, thiết thực giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước về chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nền giáo dục phải chứa đựng các thiết chế hợp với hoàn cảnh mới của đất nước.
Thông điệp: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” của Bác Hồ có ý nghĩa vĩnh hằng. Đó mãi mãi là phương châm hành động của nền giáo dục Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước bền vững, giải quyết thiết thực, toàn diện và sâu sắc các vấn đề phát triển con người của nước ta.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo