Phải làm quyết liệt để Nghị quyết đi vào cuộc sống
*PV: Năm 2016 là năm thứ 3, cả nước thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị TW 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xin TS cho biết ý kiến nhận xét của mình sau chặng đường 3 năm chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục?
- TS.Lê Viết Khuyến: Có thể nói, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị TW 8 khóa XI đã mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam. Tuy nhiên, sau chặng đường 3 năm thực hiện đổi mới, tôi thấy rằng có một số điều chúng ta vẫn chưa thực hiện được theo tinh thần của Nghị quyết. Ví dụ, trong Nghị quyết có nêu, hệ thống giáo dục phải mang tính chất mở. Tính chất mở là đảm bảo theo xu hướng của thế giới hiện nay, có nghĩa là dù học theo cách nào nhưng nếu có quyết tâm, có năng lực thì mọi người vẫn có thể đạt trình độ cao nhất mà họ mong muốn chứ không phải là vào lối này thì thông, còn vào lối kia lại cụt đường không học tiếp lên được.
Ở các nước, học sinh học hết THCS sẽ được hướng theo luồng trung học phổ thông và luồng trung học nghề, hai luồng đó tương đương với nhau chứ không phải trung cấp. Trong trung học nghề, kiến thức văn hóa chiếm khoảng 50% và phải có thời gian học ít nhất 3 năm để khi các em tốt nghiệp trung học nghề học lên cũng được hoặc đi làm nghề cũng được. Phải có luồng khác để đón họ, đó là hướng ứng dụng. Cả hai hướng hàn lâm và ứng dụng đều có thể học lên nhưng ở nước ta hiện nay đang tồn tại một thực tế, sau THCS, ngoài luồng vào THPT chúng ta lại đưa vào trung cấp nghề. Trung cấp nghề có thời gian đào tạo ngắn chỉ đảm bảo tiêu chuẩn tay nghề chứ không đảm bảo tiêu chuẩn học vấn nên nhiều người không học lên được. Học trung cấp nghề lại không phù hợp nhu cầu của người muốn học. Học những nghề không phục vụ cho kinh tế gia đình thì họ không học, vì vậy, sau THCS chủ yếu các em vào THPT còn trung cấp nghề rất ít, bất đắc dĩ các em mới học. Và phân luồng rồi phải khơi luồng cho người học, hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 29 cũng đưa ra là xây dựng hệ thống giáo dục mang tính chất hội nhập, có nghĩa là tương đương với thế giới. Tương đương với thế giới có một tiêu chuẩn mà UNESCO đưa ra và tất cả các thành viên đều phải thực hiện trong đó có Việt Nam. Trong phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 của UNESCO nêu rất rõ, phân loại đào tạo theo trình độ học vấn chứ không phải theo trình độ tay nghề. Theo trình độ học vấn tức là nếu có THPT thì phải có trung học nghề chứ không phải bên này là THPT bên kia là trung cấp nghề thì không được. Ví dụ, học THPT 3 năm thì trung học nghề cũng phải 3 năm. Nhưng ở ta hiện nay chưa khắc phục được điều này. Khi hội nhập quốc tế cũng vậy, chúng ta chưa khẳng định được mình ở trình độ nào so với thế giới, không quy định được các bậc học tương đương với các cấp độ học vấn.
Đào tạo nhân lực cho mục tiêu CNH, HĐH đất nước cơ cấu bậc học phải khác chứ không phải đào tạo cho việc phục vụ xuất khẩu lao động giản đơn như hiện nay. Làm như vậy đất nước sẽ khó đạt được mục tiêu CNH- HĐH. Hệ thống chính sách về giáo dục của chúng ta cũng còn nhiều bất cập dẫn đến phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực, không thực hiện được CNH- HĐH đất nước. Trong nền kinh tế của thế giới hiện nay, tỷ lệ lao động có trình độ đại học có thể phải chiếm trên 70%. Các nước muốn phát triển, người thợ phải có trình độ cao.
Hiện nay, tôi thấy văn bản nào của các Bộ cũng nói dựa trên Nghị quyết số 29 của Trung ương, thực ra đó phần lớn chỉ là câu chữ trên văn bản còn việc thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết cần phải nghiên cứu lại. Vì vậy, theo tôi phải thành lập một nhóm nghiên cứu tập hợp các chuyên gia bám sát vào Nghị quyết, phân tích thật kỹ để thấy điều gì trái với Nghị quyết thì phải sửa, chứ không phải chỉ căn cứ vào các bản trình do các Bộ đưa lên. Tôi thấy rằng, Nghị quyết số 29 đưa ra những mục tiêu phát triển rất tốt nhưng để NQ đi vào cuộc sống thì phải làm quyết liệt mới thay đổi được toàn diện, căn bản nền giáo dục đất nước.
*Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. So với khung cơ cấu được ban hành từ năm 1993, khung cơ cấu này có gì mới và nó có đáp ứng được những định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không, thưa TS?
- Tôi thấy rằng, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lần này có điểm mới so với khung cơ cấu cũ là đã tạo ra được 2 luồng, hàn lâm và ứng dụng trong giáo dục đại học để người học có thể học tiếp lên, điều này phù hợp với xu hướng thế giới. Nhánh đại học thể hiện học vấn rõ ràng. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với luật giáo dục hiện hành thì khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân còn thể hiện nhiều bất cập. Có thể thấy, khung cơ cấu chỉ chủ yếu tập trung ở các mảng giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và mảng giáo dục đại học. Riêng khu vực giáo dục giữa giáo dục đại học và giáo dục trung học cơ sở còn nhiều bất hợp lý, lẫn lộn. Sơ đồ không nêu rõ điều kiện đầu vào của các trình độ cũng như không chỉ ra căn cứ để liên thông lên cao đẳng (liệu có giống Luật Giáo dục nghề nghiệp hay không?). Ở mảng giáo dục chuyên nghiệp (bao gồm các trình độ sơ cấp và trung cấp nghề) vẫn được tách ra riêng biệt, không được sắp xếp theo một trật tự nhất quán của hệ thống giáo dục quốc dân. Trung cấp nghề, theo đó cho dù đã kéo ra 3 năm (không phải chỉ có 1- 2 năm như ở Luật Giáo dục nghề nghiệp) nhưng không thể xem là tương ứng với cấp độ THPT.
Như tôi đã nói ở trên, không thể khuyến khích học sinh đi theo luồng dạy nghề vì chẳng có ai tự nguyện bỏ thời gian và công sức đi theo luồng học nghề mà khi có nhu cầu học lên cao đẳng hoặc đại học lại phải “chạy” thêm một bằng tốt nghiệp THPT nữa. Từ đó, tồn tại tình trạng học sinh theo luồng học nghề rất ít, trong khi đó sau THCS có trên 90% học sinh theo luồng THPT. Kết quả là rất thiếu lực lượng lao động có trình độ bậc trung. Để giải quyết vấn đề này, sau THCS cần phải có 2 luồng là luồng THPT và luồng trung học nghề (chứ không phải trung cấp) đó cũng là xu hướng của thế giới. Cùng với đó phải “khơi thông” được học sinh từ trung cấp (nghề) lên cao đẳng và sau đó lên đại học định hướng thực hành - ứng dụng. Vì vậy, cần sớm sửa đổi trung cấp thành trung học nghề để cấp học này bình đẳng với trung học phổ thông, tạo căn cứ pháp lý cho người học trung học nghề vừa có nghề để gia nhập thị trường lao động, lại vừa có cơ hội để học lên bậc cao hơn. Đó cũng là điểm then chốt mà Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh và đòi hỏi ngành giáo dục sớm giải quyết.
*Trong khung cơ cấu mới có rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4-6 năm xuống còn 3-5 năm, việc rút ngắn này liệu có giúp người học tiết kiệm được thời gian?
- Trong khung cơ cấu mới, tôi thấy có rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4-6 năm xuống còn 3-5 năm. Theo dõi khung cơ cấu hệ thống giáo dục của nhiều nước trên thế giới hiện nay, có thể thấy một số nước như các nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), các nước Đông Á là giáo dục phổ thông 12 năm và trình độ cử nhân 4 năm, tổng cộng là 16 năm. Một số nước khác theo dòng của Anh như Singapore, Malaysia là 11 năm phổ thông, 2 năm dự bị đại học, 3 năm đại học, tổng cộng cũng là 16 năm. Còn nhóm các nước EU đưa ra mô hình 12 năm phổ thông và 3 năm đại học. Như vậy với khung cơ cấu mới, chúng ta đã chuyển mô hình từ mô hình giáo dục Bắc Mỹ, Đông Á, Đông Nam Á sang mô hình giáo dục EU.
Tôi có đọc một số bài viết của sinh viên, chuyên gia và các nhà quản lý, họ cho rằng rút ngắn thời gian học đại học còn 3 năm là tiết kiệm. Tuy nhiên họ đã nhầm bởi theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam có ghi rõ, khối lượng từ 120 – 180 tín chỉ đối với chương trình đại học, điều đó có nghĩa là khối lượng chương trình học vẫn giữ nguyên như trước. Như vậy, chương trình không hề giảm nhưng thời gian thiết kế lại rút đi không còn 4 năm mà là 3 năm.
Nói 3 năm thực tế là 3 năm thiết kế. Còn học theo hệ thống tín chỉ, học nhanh hay chậm là tùy vào từng cá nhân. Thông thường, người ta thiết kế chương trình theo năm, ngân sách nhà nước cũng cấp theo năm. Vì vậy nếu rút ngắn thời gian sẽ gây ra sự thay đổi rất lớn. Và nếu nói học 4 năm thì lãng phí thời gian là không đúng. Bởi như ở Mỹ hàng trăm năm nay, đại học vẫn học 4 năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 4 năm của các trường đại học Mỹ có đẳng cấp trên thế giới là 80%. Các trường thuộc tốp thấp hơn một chút, tỷ lệ tốt nghiệp là 40-50%, thậm chí có những trường chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp sau 4 năm. Chương trình của EU có thể khác chúng ta bởi họ không có chương trình đại cương. Tôi cho rằng, thời gian đào tạo bậc đại học rút còn 3 năm sẽ buộc người học phải tăng cường độ học tập lên. Quan trọng hơn, việc đào tạo 3 hay 4 năm đôi khi chỉ là định tính, vấn đề cốt yếu nhất là đầu ra - nguồn nhân lực với bằng cấp hiện nay có được các nước công nhận hay không.
Cần chấn chỉnh lại việc quản lý sư phạm
*Trước thực trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, ý kiến của TS về vấn đề này như thế nào? Phải chăng là do mô hình và phương thức đào tạo của chúng ta chưa hợp lý?
- Có thể nói tình trạng sinh viên thất nghiệp có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là nguyên nhân từ nội bộ ngành, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Bên cạnh đó, chúng ta không có quy hoạch từ cấp hệ thống và cấp trường. Riêng về cấp trường, hiện nay Bộ GD&ĐT đang có chủ trương, các trường phải theo dõi tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và căn cứ vào kết quả đó để tự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường theo từng ngành nghề cho phù hợp nhưng trên thực tế không phải trường nào cũng làm được mà nhiều trường vẫn đang trong tình trạng tranh thủ tuyển sinh vì sinh viên càng nhiều, lợi ích càng lớn. Nguyên nhân thứ hai là chính sách công nghệ không thích hợp (ưa chọn công nghệ rẻ tiền). Nguyên nhân thứ ba là chính sách gọi đầu tư nước ngoài, chúng ta không có sự lựa chọn. Chúng ta nhập rất nhiều công nghệ nhưng chủ yếu là lắp ráp, sửa chữa, chế biến, rất ít chọn hướng chế tạo vì vậy chỉ sử dụng nhân lực trình độ thấp chứ không phải trình độ cao. Thứ 4 là chính sách sử dụng lao động của chúng ta không hợp lý. Ở các nước trên thế giới, làm bất cứ việc gì cũng phải có chứng chỉ hành nghề còn ở ta thì không phải như vậy. Theo số liệu do Tổng cục thống kê đưa ra, hiện nay hơn 84% lao động ở Việt Nam không có chuyên môn kỹ thuật. Như vậy làm sao có nguồn nhân lực cho CNH- HĐH đất nước. Cơ chế tuyển dụng của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập, có nơi có lúc còn xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp.
*TS có thể nói rõ hơn về tình trạng thất nghiệp của sinh viên các trường sư phạm và hướng khắc phục tình trạng này?
- Qua các phương tiện truyền thông và ý kiến của các chuyên gia đã có những dự báo rằng, giáo viên phổ thông bao gồm cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đến năm 2020 có khả năng thừa đến 70 ngàn giáo sinh. Con số đó làm cho người học và xã hội hết sức lo ngại. Vậy thì cách tháo gỡ sẽ như thế nào? Đã có nhiều gợi ý từ các chuyên gia (chứ không phải Bộ GD&ĐT) được đưa ra là: sắp xếp lại đội ngũ GV, chuyển tập trung chức năng đào tạo GV cho một số trường nào đó đủ điều kiện được đưa vào quy hoạch còn các trường không nằm trong quy hoạch có thể phải chuyển đổi thành trường cộng đồng hoặc trở thành phân hiệu của các trường khác.
Thực tế, có những giai đoạn chúng ta tập trung thực hiện nhiệm vụ về giáo dục phổ cập TH, THCS hoặc có một số thay đổi về chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình… thì số lượng học sinh tăng vọt và nhu cầu GV cũng tăng vọt. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng ta đã mở ồ ạt các trường sư phạm hoặc nâng cấp các trường sư phạm lên để đào tạo cho đủ số lượng mà chưa coi trọng chất lượng đào tạo, sau đó mới tính đến việc hoàn thiện, nâng trình độ cho đội ngũ GV. Nhưng ở thời điểm hiện nay, rõ ràng quy mô học sinh không tăng trong khi đó các trường sư phạm vẫn được giao chỉ tiêu đào tạo và còn có chế độ ưu đãi đối với người học, lúc đó xuất hiện tình trạng thừa GV.
Trước đây chúng ta có quy định về nhiệm vụ của các trường sư phạm, giao việc tuyển sinh cho các địa phương chịu trách nhiệm. GV trung học phổ thông do các trường ĐH sư phạm Trung ương đào tạo, còn đào tạo GV trung học cơ sở, tiểu học, mầm non thì giao cho các trường sư phạm địa phương. Chỉ tiêu tuyển sinh do chính quyền UBND của các tỉnh, thành, địa phương giao, vì thế khá ổn định nhưng bây giờ có tình trạng các trường chen lấn nhau. Trường ở tỉnh này lại đi tuyển sinh ở tỉnh khác. Thậm chí có trường ở ngoài Bắc vào tận trong Nam để tuyển, có trường ở trong Nam lại lên Lai Châu mở… Như vậy việc quản lý các trường đang bị buông lỏng cần chấn chỉnh lại.
Ngoài ra là vấn đề bồi dưỡng GV. Lâu nay các trường sư phạm địa phương được giao bồi dưỡng GV THCS, TH, MN, các trường ĐH sư phạm chủ yếu bồi dưỡng GV THPT và trên đại học còn hiện nay các trường ĐH sư phạm có thể tham gia bồi dưỡng hết GV các cấp ở địa phương. Do đó, chúng ta cần phải quy hoạch lại nhiệm vụ của các trường sư phạm. Nếu nhu cầu đào tạo GV giảm đi thì các trường đó vẫn có công việc bồi dưỡng GV chứ không phải nơi khác đến bồi dưỡng thay. Chỉ tiêu tuyển sinh nên giao cho chính quyền địa phương quản lý, vì chính quyền địa phương nắm rõ đội ngũ viên chức nên họ hoàn toàn biết được thừa bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, nếu như các trường Sư phạm địa phương không đáp ứng yêu cầu thì lúc đó mới nhờ đến các trường Sư phạm TW. Như vậy quản lý phải mang tính hệ thống thì sẽ giải quyết được vấn đề. Theo kinh nghiệm nước ngoài các trường sư phạm không chỉ đào tạo, bồi dưỡng GV mà còn phải làm thêm nhiệm vụ đào tạo những ngành nghề khác. Các trường đó đóng vai trò đa ngành, trong đó có nhiệm vụ sư phạm. Khi có nhu cầu GV nhiều thì tập trung đào tạo GV, còn nếu không, sẽ đào tạo những ngành nghề khác đáp ứng yêu cầu địa phương. Đấy là hướng mà hội thảo của hiệp hội đã đưa ra và sẽ kiến nghị với nhà nước.
*Xin cảm ơn TS!