Dạy học sinh cách tư duy để giải quyết các bài toán của cuộc sống
* Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Cơ duyên hay quyết định nào đã đưa anh đến với nghề này?
-Đối với tôi, lựa chọn đến với nghề giáo là sự tình cờ. Thời tôi thi đại học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những niềm ao ước của rất nhiều thí sinh cả nước và điểm đầu vào thuộc top đầu. Tôi muốn thử thách bản thân, muốn chinh phục nên đã đăng ký dự thi và trúng tuyển. Sau đó, nhất là một vài năm sau khi ra trường, tôi có thêm nhiều trải nghiệm với nghề và bắt đầu yêu thích, đam mê công việc này.
* Là một giảng viên, giáo viên dạy Toán, một môn học được cho là “khó và khô”, anh đã làm thế nào để những bài giảng của mình trở nên thú vị, hấp dẫn, thu hút học trò?
-Khi dạy học trò, tôi luôn đặt trọng tâm vào hai điều: Thứ nhất làm thế nào để học sinh hứng thú và thứ hai giúp học sinh cảm thấy tự nhiên, không bị áp đặt. Chính vì thế, trước một kiến thức, tôi luôn cố gắng làm cho mọi thứ trở nên đơn giản, gần gũi nhất với các em. Động lực để các em làm bài là không phải dùng các công thức máy móc, mà quan trọng nhất là cách tư duy.
* Theo anh, việc gắn những bài toán trong sách vở với các bài toán trong cuộc sống thực tế có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với học sinh?
-Cách giải quyết một bài toán là một quá trình tư duy logic, từ phân tích, giả thiết đến kết luận. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng đưa các bài toán trên lớp, chẳng hạn như đạo hàm hay tích phân về các bài toán trong thực tế. Trên cơ sở đó, các em có thể giải quyết được các bài toán của cuộc sống sau này.
Dạy - học trực tuyến: Thầy và trò phải vượt qua bỡ ngỡ ban đầu
* Là một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trong môi trường trực tuyến, anh có thể chia sẻ những thuận lợi của hình thức giáo dục này?
-Thuận lợi cho cả thầy và trò là không phải di chuyển, đi lại nhiều. Thứ hai, khi học ở lứa tuổi này, các em tiếp cận công nghệ thông tin rất nhanh. Hơn nữa, học theo hình thức này, với các em có tính tự giác, chủ động, tích cực, sẽ tận dụng được nguồn học liệu phong phú trên mạng, có nhiều sự lựa chọn và hoàn toàn có thể tự học.
* Chắc hẳn nhiều khó khăn và thách thức cũng đặt ra với cả người dạy và người học đúng không ạ?
-Trước hết là khó khăn với người học, phải đến giai đoạn này, phần lớn các em mới bắt đầu có sự làm quen với hình thức học trực tuyến, nên sẽ có những bỡ ngỡ. Khó khăn lớn nhất là học sinh chưa có tính chủ động cao, trong khi ngồi học lại là một việc rất khô khan, nên ban đầu cần có sự phối hợp của phụ huynh, ngồi cùng các em, kết nối với thầy cô. Về phía giáo viên, nhiều thầy cô bắt đầu đã có sự chuyển mình, thay đổi quan điểm và phương pháp dạy học, nên giai đoạn này sẽ có vài điều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ vượt qua được. Ngoài ra, trong môi trường số, bản thân thầy cô cũng phải luôn luôn cập nhật hàng ngày. Tôi nghĩ rằng, sau giai đoạn bỡ ngỡ giữa thầy và trò, một vài tháng nữa, hình thức này sẽ bắt đầu đạt được kết quả như kỳ vọng của mọi người.
* Trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19, vừa qua, rất nhiều địa phương đã triển khai dạy học qua truyền hình. Theo anh, giảng dạy qua truyền hình đòi hỏi những yếu tố, phương pháp nào để tạo hiệu quả tối đa?
-Bài toán đầu tiên hết sức khó đặt ra cho dạy học qua truyền hình là xác định đối tượng. Chẳng hạn, tôi dạy trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 cho học sinh cả nước, đối tượng quá rộng. Trước bài toán này, tôi cố gắng khoanh vùng đối tượng mình sẽ tiếp cận nhiều nhất để có cách truyền đạt phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, khó khăn còn là sự tương tác. Nếu dạy trực tuyến, thông qua các công cụ, giáo viên có thể trò chuyện và nhận phản hồi ngay lập tức từ học sinh, nhưng dạy trên truyền hình không thể có điều đó. Tiếp theo, thời lượng phát sóng cũng là một thách thức lớn, giáo viên phải lựa chọn những kiến thức trọng tâm nhất và không thể bao quát được hết kiến thức cần chuyển tải. Về thuận lợi, tôi thấy dạy qua truyền hình rõ ràng là một công cụ rất thuận lợi, nhất là với học sinh vùng sâu, vùng xa, những vùng chưa tiếp cận được với các hình thức học trực tuyến.
* Có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, người học cần chủ động tạo sự khác biệt thay vì phàn nàn về hệ thống. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
-Tôi nghĩ rằng, cả hai bên phải cùng chạy. Trong giai đoạn này, đã có nhiều sự thay đổi tích cực trong hệ thống, trong từng trường đại học, phổ thông, nhưng vẫn có nhiều nơi còn khá ì ạch. Về phía học sinh, tính chủ động của đa phần các em chưa cao. Do đó, muốn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, cả hai bên phải cùng vận động.
* Thông điệp anh muốn gửi tới các sỹ tử chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng sắp tới, nhất là về sự lựa chọn nghề nghiệp là gì?
-Tôi nghĩ rằng, những năm gần đây đã có sự phân luồng rõ hơn trong chọn ngành, chọn nghề. Nhiều phụ huynh đã nhận thức rõ năng lực của con em để có những định hướng phù hợp và đại học là con đường lập thân nhưng không phải là duy nhất. Ngoài ra, thế hệ học sinh hiện nay có cá tính hơn trong việc chọn ngành nghề theo sở thích, đam mê. Nhiều em có sự chuẩn bị, định hình ngay từ khi còn học phổ thông. Chẳng hạn, có em thích ngành công nghệ thông tin có thể đã mày mò học lập trình từ rất sớm. Đó là những tín hiệu tích cực! Nếu có một lời khuyên dành cho các em, tôi cho rằng các em cần biết rõ mình thích ngành gì và sở trường của bản thân về lĩnh vực đó.
* Được biết, ngoài là một nhà giáo, anh cũng rất đa tài, đa năng như làm MC, ca hát. Chúng ta hãy nói một chút về chữ “đam mê” trong cuộc sống này?
-Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu không thử sức với những đam mê ngày hôm nay, thì sau này khi về già có thể mình sẽ nuối tiếc. Chính vì vậy, tôi luôn cổ vũ học sinh của mình hãy thử sức những lĩnh vực các em có thiên hướng như hội họa, ca hát, múa… để các em có thể khám phá ra lĩnh vực mình cảm thấy phù hợp nhất. Chẳng hạn, với bản thân tôi, sau khi thử sức nhiều lĩnh vực, tôi nhận ra rằng giảng dạy là công việc tôi yêu thích nhất. Hoặc nếu không thành công, chí ít những đam mê đó cũng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ, bay bổng hơn.
* Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện! Chúc anh thêm nhiều niềm vui và thành công trong công việc và cuộc sống!