Cách đây vừa tròn 40 năm, trường dạy trẻ câm điếc Hà Nội (tiền thân của trường PTCS Xã Đàn hiện nay) được thành lập chỉ với 5 cán bộ giáo viên, 30 học sinh khiếm thính và một vài phòng học đơn sơ do UNICEF tài trợ. Năm 1993, được sự giúp đỡ của Ủy ban II Hà Lan, trường được xây dựng trở thành trường mẫu dạy trẻ khiếm thính của cả nước và bắt đầu triển khai thêm chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính ở bậc học mầm non. Năm 1998, sau 20 năm phát triển, trường chính thức mang tên PTCS Xã Đàn và bắt đầu mô hình giáo dục hòa nhập. Đây là ngôi trường đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công mô hình giáo dục trẻ khiếm thính học hòa nhập.
Thầy giáo Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn cho biết: đến nay, trường đã có 27 lớp ở cả ba cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS với 494 học sinh, trong đó có 330 học sinh khiếm thính. Hàng năm, nhà trường đều đạt các chỉ tiêu chăm sóc và giáo dục toàn diện cho học sinh. Học sinh khiếm thính của trường đã giành nhiều huy chương trong các cuộc thi vẽ tranh trong nước và quốc tế, thi văn nghệ - thể dục thể thao toàn quốc. Từ mái trường PTCS Xã Đàn, trong 40 năm qua đã có hơn 1.500 học sinh trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho trường PTCS Xã Đàn
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô và đất nước, 40 năm qua, trường PTCS Xã Đàn đã được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Năm học 2016 – 2017 vừa qua, trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố và vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, của TW Hội chữ thập đỏ Việt Nam
Trò chuyện với thầy và trò trường PTCS Xã Đàn nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường, PGĐ Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà thầy và trò nhà trường đạt được, biểu dương sự tâm huyết, sáng tạo và phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường. Phó Giám đốc nhấn mạnh: Trường PTCS Xã Đàn là trường đặc thù, nòng cốt trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của trường mà còn đồng hành cùng Viện khoa học giáo dục, các giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố và các trường chuyên biệt ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy trẻ khuyết tật. Trong thời gian tới, các thầy cô giáo của trường Xã Đàn bên cạnh sự tâm huyết thì cần sáng tạo để có thể tìm ra những phương pháp hiệu quả giúp các em học sinh khiếm thính có thể học tốt hơn, hoàn thiện kỹ năng, nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội.