Sau khi tiếp nhận ngôi trường mới khang trang, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã tập trung đầu tư trang trí xây dựng môi trường sư phạm sáng xanh, sạch đẹp thân thiện, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động và lên kế hoạch xây dựng thiết kế cải tạo toàn bộ hệ thống sân vườn, khu vui chơi ngoài trời với ý tưởng “Vườn trong phố” kết hợp với giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động khám phá, trải nghiệm với thiên nhiên nhằm mang lại cho trẻ tâm lý thoải mái, tích cực. Việc tự do vui chơi, cùng khám phá với thiên nhiên giúp trẻ tăng sự nhạy bén của giác quan, khả năng thích nghi với môi trường xung quanh. Trẻ sẽ có những trải nghiệm thú vị, hữu ích thông qua việc quan sát, thúc đẩy sự tò mò về thiên nhiên từ đó trẻ sẽ nhanh nhạy hơn trong việc sáng tạo và giải quyết vấn đề. Tiếp xúc nhiều với không gian xanh trẻ sẽ có những hành vi tích cực và sự cân bằng tốt hơn. Ngoài ra, thiên nhiên còn đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập và phát triển của trẻ.
Nhận thấy những lợi ích mang lại cho trẻ khi được tham gia môi trường thiên nhiên, nhà trường đã phối hợp cùng với phụ huynh nghiên cứu thiết kế xây dựng và cải tạo toàn bộ hệ thống vườn cây, phân khu cụ thể khoa học: khu vườn cây ăn quả với nhiều chủng loại khác nhau: đu đủ, bưởi, xoài, mít, nhãn, ổi, khế, vú sữa…
Khu vườn rau với các loại rau ăn củ, ăn quả, ăn lá được gieo trồng phù hợp theo mùa: rau cải, rau muống, rau mùng tơi, bắp cải, cải cúc, mướp, bí, bầu, gấc…..
Khu vườn hoa, cây cảnh nhiều chủng loại hoa quanh năm, hoa sống trên cạn, hoa sống dưới nước hoa theo mùa như hoa hướng dương, cúc mặt trời, hoa violet, cúc cánh bướm, hoa bỏng, hoa súng, hoa sen các loại lan, phong lan, lan ý, địa lan, dừa cạn, sen cạn, mẫu đơn, cẩm chướng, giàn hoa giấy… Đa dạng các loại cây phong phú để trẻ được khám phá, biết được tên gọi, tác dụng của từng loại cây. Đặc biệt, khu vườn là nơi trẻ được cùng cô và các bạn tự tay trồng, chăm sóc tưới cây, bắt sâu nhổ cỏ và trẻ được trò chuyện tìm hiểu về đồ dùng dụng cụ làm vườn và công việc của bác làm vườn.
Năm học 2017-2018, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được từ những năm học trước, nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập Quốc tế, tập trung đồng bộ cho việc xây dựng “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Với khuôn viên ngôi trường rộng, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh nhà trường đã tiếp tục đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống sân vườn, khu vui chơi thiên nhiên nhằm tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm, tiếp cận một cách thân thiện với thiên nhiên, để từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách và kỹ năng sống, giúp trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui, phụ huynh tin tưởng tuyệt đối khi gửi con vào trường.
Với ý tưởng “vườn trong phố”, mang thiên nhiên đến gần hơn với trẻ, từ đó giáo dục trẻ biết yêu, biết chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên, luôn ý thức giữ gìn môi trường sáng - xanh - sạch- đẹp và điều đặc biệt là giáo dục sự trân trọng của trẻ với các sản phẩm từ thiên nhiên thông qua các hoạt động tham gia thu hoạch rau, củ quả tại trường do chính tay trẻ được tạo ra cùng cô nhập cho nhà bếp nấu ăn, giúp cho các cô nhà bếp một việc số việc đơn giản như: sơ chế, nhặt rau, gọt mướp, gọt bầu…
Bên cạnh môi trường học tập thiên nhiên, nhà trường còn quan tâm tới những góc chơi, trẻ còn được giao lưu, lao động tập thể, chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cắp cua, nhảy bao bố, kéo co, đá bóng cướp cờ dưới các gốc cây và sân cỏ.
Nhà trường đã xây dựng được cảnh quan môi trường theo ý tưởng thiết kế ban đầu. Từ những lợi thế mà môi trường đem lại, cô và trẻ đã có những hoạt động tích cực thông qua tạo hình, khám phá, giáo dục kỹ năng sống đem lại hiệu quả như khám phá dụng cụ và công việc của bác làm vườn, bác lao công, khám phá không khí và môi trường, quy trình làm đất trồng các loại rau, khám phá cách trồng hành, trồng rau muống, khám phá các loại rau theo mùa (rau dền, rau mùng tơi, bắp cải, su hào….) khám phá quả đỗ (trải nghiệm nhặt đỗ), trải nghiệm bơi thuyền khám phá hoa sen, hoa súng, khám phá 1 số loại cá, khám phá về đất, cát, sỏi, sự di chuyển của nước, khám phá vật chìm nổi, quy trình ươm trồng hoa cúc và khám phá về các loài hoa trong vườn trường (hoa violet, đồng tiền, cánh bướm, cúc mặt trời, mào gà, mai, đào, hoa sứ…), Khám phá các loại trái cây (cây mít, cây dừa, cây nhãn, cây sấu, cây xoài…)
Với tạo hình, trẻ có thể trải nghiệm tạo hình bằng cát, tạo hình bằng sỏi, tạo hình từ bóng bay với môi trường thiên nhiên,tạo hình từ nút chai với môi trường thiên nhiên tạo hình làm thuyền từ lá mít khô, tạo hình từ các loại củ quả, nguyên vật liệu tự nhiên, làm tranh từ các nguyên liệu thiên nhiên, vẽ tranh về phong cảnh trường, vẽ tranh trong không gian trên sân cỏ,/làm con vật bằng lá cây khô, trẻ chơi với sỏi, với cát, với đất, in hình trên lá…
Tất cả những hoạt động này trẻ được làm thường xuyên, hàng ngày, mọi lúc, từng góc vườn, góc sân, đâu đâu cũng là nơi để trẻ “học bằng chơi, chơi bằng học.”
Ngoài những điều bổ ích trẻ được học từ vườn trong phố, năm học này, với mục đích nhằm phát triển thể chất cho trẻ và nâng cao sức khỏe, chuẩn bị cho các em một tâm thế vững vàng, nhà trường còn chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động giao lưu tập thể giữa các lớp, các khối trong trường. Trên những thảm cỏ xanh, trẻ được giao lưu đá bóng, thi đấu cướp cờ, thi chuyển nước, kéo co. Trẻ nào cũng phấn khởi, thể hiện sự tự tin khi được tham gia thi đấu. Các bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vui chơi hết mình, thể hiện rõ trong các bé tinh thần đoàn kết, thương yêu bạn bè.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngoài chuyên môn, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa, ngày hội, ngày lễ giúp các con được giao lưu học hỏi, có thêm những kỹ năng giao tiếp, ứng xử như: tổ chức Tết trung thu, Giáng sinh vui vẻ liên hoan văn nghệ kết hợp với ăn buffet. Hay như vào dịp Tết Nguyên đán trẻ được gói bánh trưng, Tết hàn thực trẻ được nặn bánh trôi. Thông qua đó trẻ hiểu ý nghĩa, thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Như vậy có thể nói môi trường giáo dục với chủ đề “vườn trong phố” thực sự đã góp phần không nhỏ cho việc đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục trường mầm non Thạch Bàn. Có được mô hình này, phải kể đến sự sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý và tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường. Mỗi cá nhân đóng góp một ý tưởng tạo thành một sức mạnh to lớn cho sự phát triển bền vững lâu dài của nhà trường. Năm học 2015 - 2016, trường vinh dự được đón bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, chất lượng kiểm định giáo dục đạt cấp độ 3, được tặng khen tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2016- 2017, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, trường được tặng bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo. Năm học 2017 - 2018, trường được tằng bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, năm học 2018 - 2019, nhà trường vinh dự được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ giáo dục - Đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên giao lưu chia sẻ chuyên môn với các trường bạn, đón các đoàn trong và ngoài Quận đến tham quan, học tập về mô hình dinh dưỡng, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.Thành tích nối tiếp thành tích, năm học này cô và trò trường mầm non Thạch Bàn sẽ quyết tâm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, ra sức thi đua để đưa trường ngày một phát triển hơn nữa, giữ trọn niềm tin của các cấp lãnh đạo, các bậc phụ huynh đã gửi gắm.