Được thành lập từ năm 1975 đến nay, trải qua gần 45 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã xác định chất lượng trẻ là mục tiêu hàng đầu. Với khuôn viên gần 7000m2, bước vào ngôi trường cứ ngỡ vào một công viên thu nhỏ với bóng cây xanh mướt và những khu vui chơi. Trong các phòng học, luôn vang tiếng cười vui của các bé thơ bên cô giáo. Phòng học được thiết kế, bài trí vui mắt với các hình ảnh ngộ nghĩnh, sắc màu trang nhã, tạo một không gian lý tưởng cho các con được trải nghiệm.
Môi trường vật chất cho trẻ hoạt động ngoài thiên nhiên có khung cảnh sư phạm thân thiện, an toàn với khu không gian sáng tạo và khu vực dành cho cha mẹ đọc sách ngay tại sảnh cũng là nơi trẻ được cùng bố mẹ làm quen với sách, giúp trẻ hoạt động rất thuận tiện trong các giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, trẻ được tự mình trải nghiệm và sáng tạo ra những sản phẩm theo ý thích của mình từ những nguyên vật liệu phong phú do cô và trẻ cùng phụ huynh sưu tầm. Các đồ chơi phát triển tư duy sáng tạo, thông minh, khéo léo như: đồ dùng Montersori, đan tết, thổi màu vẽ nặn làm các con vật từ lá cây… trẻ thường xuyên được trải nghiệm giúp trẻ hứng thú và tích cực tham gia hoạt động. Bên cạnh đó nhà trường còn trang bị rất nhiều các thể loại sách, truyện khác nhau cho trẻ đọc, làm quen chữ viết hay kể chuyện sáng tạo theo ngôn ngữ của riêng mình. Khu nhà nghệ thuật thể chất là nơi thường diễn ra các ngày lễ hội cho trẻ như: Trung thu, lễ khai giảng, Tết Noel, lễ ra trường cho trẻ 5 tuổi và tết thiếu nhi 1/6 hay sân chơi rung chuông vàng cho trẻ 5 tuổi, các hoạt động như giao lưu các trò chơi vận động, giao lưu âm nhạc của các lớp được tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh nhà nghệ thuật thể chất là khu chơi với cát và nước. Tại đây, trẻ được thỏa sức sáng tạo bằng các trò chơi khác nhau như vẽ, in hình trên cát hay có thể sáng tạo hơn bằng việc xây lâu đài cát. Ngoài ra khu chơi với cát còn được trang bị rất nhiều các đồ chơi khác như: xẻng xúc cát, ô tô…giúp trẻ chơi trải nghiệm sáng tạo hứng thú.
Khu bể vày để trẻ được chơi tự do với nước, bể vày được thiết kế mang tính thẩm mỹ rất cao. Trẻ thường thích thú với chiếc mái hình cây nấm với những giọt nước rơi từ trên xuống để từ đó trẻ lấy các lá chuối, lá cọ để hứng những giọt nước đó trẻ cảm thấy vô cùng thích thú. Ngoài ra trẻ còn được nô đùa dưới dòng nước đuổi theo những chiếc lá những quả bóng, chơi thả thuyền…
Giàn che mát được tận dụng bằng cách treo những trái bóng hay những quả cầu trẻ sẽ đứng ở dưới và tạo hình trên những quả bóng hay quả cầu vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu. Hay cũng dưới giàn che mát trẻ được chơi các trò chơi vận động như bắt bướm, hái quả, đập bóng nhằm phát triển thể chất cho trẻ. Ngoài ra giáo viên còn tận dụng giàn che mát để tổ chức các trò chơi làm quen với toán củng cố cách xác định vị trí trong không gian so với trẻ.
Khu sân cỏ kết hợp với khu vận động phát triển thể chất được bố trí các đồ chơi vận động, các máy tập phát triển các nhóm cơ tay, cơ chân và toàn thân. Trẻ rất thích thú với các đồ chơi này. Ngoài ra còn có các đồ dùng tự tạo nhằm rèn luyện sự kheó léo cho trẻ như đánh bóng, thả bóng, các trò chơi đòi hỏi sự khéo léo và mạnh mẽ như ném bowling, các trò chơi nhằm củng cố ôn luyện các nội dung đã học như xúc xắc vui nhộn lồng Toán, Khám phá, Âm nhạc.
Khu dân gian được bố trí rất nhiều đồ dùng đồ chơi mang sắc thái đặc trưng của vùng miền. Tại nơi đây như được tái hiện lại một phiên chợ quê với các gian hàng được mang những cái tên mang tính chất của quê hương như đặc sản hương quê, gian hàng mây tre đan. Trẻ sẽ được đóng vai các bác bán hàng để bán các loại rau, củ, quả, các loại bánh đặc sản quê hương như bánh trôi, bánh cốm, bánh dày hay bán các loại tranh đông hồ. ngoài ra trẻ còn được đóng vai các bác đầu bếp nấu ăn bằng các loại nồi đất. Trải nghiệm này làm cho trẻ rất hứng thú và thỏa sức sáng tạo trẻ có thể tưởng tượng lại những hình ảnh mà trẻ đã được tích lũy qua các hoạt động mà giáo viên cung cấp. Gian hàng tiếp theo trẻ sẽ được chơi các Trò chơi dân gian nhằm phát triển trí thông minh của trẻ. Ngoài ra trẻ còn được tô tượng, làm tranh cát và trang trí câu đối… Bên ngoài khu dân gian còn được bày những con vật bằng gốm sứ có kích thước lớn để trẻ có thể làm việc theo nhóm cùng trang trí các tác phẩm nghệ thuật giúp phát triển thẩm mĩ cho trẻ.
Bên cạnh các khu vực ngoài trời nhà trường thường xuyên chú ý tới xây dựng môi trường lây trẻ làm trung tâm trong các nhóm lớp, phòng âm nhạc giúp trẻ được hoạt động âm nhạc, làm quen với các bài hát, vận động theo nhạc, múa, các loại nhạc cụ âm nhạc như: đàn organ, sáo… được thỏa sức sáng tạo cùng các dụng cụ âm nhạc vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu, để trẻ tự tin thể hiện bản thân. Taik phòng kidsmart trẻ được học tập, làm quen với máy tính và được chơi các trò chơi học tập, giúp phát triển tư duy. Ngoài ra, trẻ còn được làm quen các loại sách truyện, tạp chí giúp trẻ hiểu thêm về cuộc sống, các giá trị nhân văn khơi dậy sự tò mò, ham hiểu biết khám phá thế giới của bản thân trẻ.
Có thể nói, ở ngôi trường này, mỗi lớp học, khu vui chơi hay vườn trường đều toát lên những ý tưởng sáng tạo hấp dẫn đối với trẻ. Cả một không gian mở được tạo dựng lên để trẻ đến trường được vui chơi, phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ và được khơi dậy khả năng sáng tạo, sở thích và kỹ năng của trẻ…Trẻ thực sự là trung tâm trong mọi hoạt động bên cạnh sự dìu dắt tận tâm của các cô giáo, sự đồng hành theo sát mỗi hoạt động của cô trò từ Ban giám hiệu nhà trường.
Ban giám hiệu, các cô giáo nơi đây luôn xây dựng môi trường văn hóa, tạo bầu không khí giao tiếp tích cực, vui tươi giữa cán bộ với giáo viên, nhân viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với nhân viên, giáo viên với phụ huynh, khách và đặc biệt cô với trẻ gần gũi, yêu thương. Các cô giáo luôn trau dồi phẩm chất, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tạo phong cách đẹp và xây dựng tập thể văn hóa, thân thiện, tạo không khí giao tiếp tích cực, kích thích hứng thú, say mê, tâm huyết nghề nghiệp, từ đó giúp trẻ hoạt động tích cực, trẻ luôn được khẳng định bản thân, được khuyến khích tham gia các hoạt động trên tinh thần hợp tác, tôn trọng, chia sẻ thân thiện để cùng phát triển.
Các cô giáo tôn trọng tình cảm và ý kiến riêng của trẻ, chấp nhận sự khác biệt của trẻ, động viên trẻ để trẻ tự tin vào bản thân: “Nhất định con sẽ làm được” “Lần sau con sẽ làm tốt hơn”.
Với mục đích cao nhất là bồi dưỡng những mầm non trở thành những người lao động tự chủ, năng động, sáng tạo, nhà trường thực hiện phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm”. Mỗi ngày học là một ngày tình yêu thương cô trò được lan tỏa. Các cô giáo trường Mầm non Tân Lập như những “người mẹ hiền” chăm sóc - giáo dục trẻ. Các cô giáo luôn để trẻ phát triển một cách tự nhiên và toàn diện nhất, bởi vậy, Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường luôn tìm cách nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo bởi lẽ nhà trường luôn hiểu “chỉ khi người giáo viên có giỏi mới có thể giúp trẻ khơi gợi khả năng của trẻ” .
Cùng với việc để trẻ tự phát triển theo sở trường, sở thích, các cô giáo cũng đặc biệt quan tâm đến việc rèn kỹ năng sống cho các con. Theo cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường: “Mầm non là giai đoạn hình thành tính cách của trẻ cũng như dễ dạy cho trẻ học theo người lớn. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt yêu cầu rèn thói quen tốt, kỹ năng sống cho trẻ song song với việc cung cấp kiến thức, coi trọng giáo dục tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ, dạy trẻ biết đoàn kết, biết yêu thương mọi người”.
Bằng tấm lòng, cái tâm với nghề, các cô giáo Trường Mầm non Tân Lập ngày ngày duy trì và đổi mới môi trường học tập tốt nhất có thể nhằm đảm bảo chất lượng ngày một phát triển luôn là điểm sáng cho giáo dục mầm non huyện Đan Phượng.
Mỗi hoạt động trong nhà trường là một sự tìm tòi, cố gắng của cả tập thể, trong những năm vừa qua, trường đã định hướng và xây dựng nhiều chương trình hành động, Thực hiện phong trào “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động để trẻ được hòa mình vào những hoạt động tham quan, dã ngoại thú vị, bổ ích như: Vui tết trung thu, Bé đón giáng sinh, Ngày hội ngôn ngữ, Ngày hội chúng cháu vui khỏe nhằm phát huy tính tích cực của trẻ. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ, tập thể cán bộ giáo viên Trường Mầm non Tân Lập đang từng ngày phấn đấu, thực hiện các kế hoạch đề ra. Dù là một việc làm nhỏ nhưng Ban Giám hiệu nhà trường sẽ cùng với toàn thể giáo viên tích cực trong việc rèn luyện, tạo sự thân thiện giữa cô và trẻ.
Công tác xã hội hóa với cha mẹ học sinh và các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện trong việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đáp ứng với sự phát triển của ngành giáo dục. Trong 3 năm nhà trường đã kêu gọi sự ủng hộ từ các công ty doanh nghiệp đặc biệt là công ty dược Hanvet và các bậc cha mẹ học sinh đã ủng hộ các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi trong và ngoài trường với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động của trẻ trong nhà trường.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ, năm học vừa qua Trường Mầm non Tân Lập đã vinh dự nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND Thành phố Hà Nội, trường thực hiện làm điểm giáo dục cho các huyện trong thành phố Hà Nội đến học tập kinh nghiệm, nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên đạt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” do Công đoàn ngành giáo dục thủ đô phát động, luôn có giáo viên đạt giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi, ứng dụng CNTT cấp huyện, cấp Thành phố.
Trường mầm non Tân Lập thực sự môi trường sáng- xanh- sạch - đẹp. Mỗi phụ huynh đều hài lòng với môi trường học tập, vui chơi, chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây và gửi trọn niềm tin yêu đối với nhà trường . Hy vọng rằng, trong một ngày không xa, khi có dịp trở lại, chúng tôi sẽ được nhìn thấy nhiều hơn sự đổi mới, biết đến nhiều hơn những thành công của ngôi trường ở cửa ngõ Thủ đô Hà nội này.