Văn nghệ chào mừng thành công hội thi
Hội thi cấp Thành phố quy tụ 121 giáo viên xuất sắc nhất (trong đó có 91 giáo viên cơ bản, 15 giáo viên tiếng Anh, 15 giáo viên Mỹ thuật) đại diện cho hơn 20 nghìn giáo viên tiểu học toàn thành phố. Hội thi diễn ra tại 15 cụm và 1 trường chuyên biệt trực thuộc Sở. Mỗi giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm viết trong năm học 2015 – 2016 hoặc một SKKN được xếp loại cấp Thành phố trong 4 năm trở lại đây, đồng thời mỗi thầy cô phải tham gia thi trắc nghiệm về Luật giáo dục, điều lệ trường tiểu học, xử lý tình huống sư phạm và thực hiện 2 tiết dạy trong đó có 1 tiết theo kết quả rút thăm, 1 tiết do giáo viên dự thi tự chọn.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Giấy khen cho các đơn vị đạt thành tích Xuất sắc
Trong hội thi GVDG năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh 4 điểm mới nổi bật, đó là: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực của người học, giúp các em phát triển sở trường cá nhân, năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách cá nhân; Dạy học truyền cảm cảm hứng cho người học, giúp học sinh thích học, dạy học sinh cách tự học, tự giải quyết vấn đề và thắp lên ngọn lửa đam mê học tập cho mỗi học sinh; Dạy học theo định hướng phát triển, đánh giá học sinh trên 3 lĩnh vực (kiến thức, kỹ năng, phẩm chất năng lực); Trong quá trình dạy học không được lãng quên bất kỳ học sinh nào, cần quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong lớp.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Giấy khen cho các giáo viên đoạt giải Nhất của cuộc thi
Trưởng phòng GDTrH, Sở GD&ĐT Phạm Hữu Hoan trao Giấy khen cho các giáo viên đoạt giải Nhì
Đánh giá về hội thi, Thạc sĩ Trần Thị Hà Giang – Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Thủ Đô – đại diện Ban giám khảo cho rằng, các giáo viên đã sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là ứng dụng CNTT vào dạy học hiệu quả. Nhiều tiết dạy của các trường ở vùng ven, vùng xa dường như không khác biệt với các trường khu vực trung tâm. Hội thi cũng đã tôn trọng và phát huy được sự sáng tạo của giáo viên, chẳng hạn trong cùng một huyện, cùng một bài nhưng mỗi giáo viên lại có những phương án dạy khác nhau và thiết kế giáo án chặt chẽ.
Toàn cảnh lễ tổng kết
Kết quả, Ban giám khảo đã chọn ra 33 thí sinh đoạt giải Nhất, 31 giáo viên đoạt giải Nhì, 23 giáo viên đoạt giải Ba và 21 giáo viên đoạt giải Khuyến khích. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng trao giấy khen cho 11 phòng GD&ĐT đạt thành tích Xuất sắc và 9 phòng có thành tích Tốt trong công tác chỉ đạo thi.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu tại lễ tổng kết
Phát biểu tổng kết hội thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến biểu dương sự nỗ lực của các thầy, cô giáo trong hội thi, đồng thời khẳng định: "CNTT có vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến cho học sinh, giúp mỗi bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu. Trực tiếp dự một số giờ giảng của thí sinh dự thi, tôi thấy, các thầy cô đã ứng CNTT hiệu quả trong bài giảng, đồng thời có sự tương tác tốt với học sinh". Theo PGĐ Sở, giáo án hay nhưng nếu giáo viên không có năng lực, không biến giáo án đó thành của mình, không có phương pháp dạy học, không biết xử lý tình huống sư phạm thì giờ dạy không thể tốt được. Phó giám đốc Sở lưu ý giáo viên cần có sự liên hệ kiến thức, từ đó giúp các em học sinh hệ thống hóa kiến thức. Đặc biệt, các thầy cô cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người".