Tiết mục văn nghệ của trường Mẫu giáo Mầm non B Hà Nội chào mừng hội nghị
Thực hiện Nghị quyết số 04/2009/NQ – HĐND ngày 17/7/2009 của HĐND Thành phố Hà Nội khóa VIII – kỳ họp thứ 18 về Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2015; Đề án số 106/ĐA – UBND ngày 30/7/2009 của UBND Thành phố Hà Nội về Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) Thành phố Hà Nội đến năm 2015, 5 năm qua các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở, tạo bước chuyển biến toàn diện về chất lượng GDMN Hà Nội; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng GDMN được nâng cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đãi ngộ và quan tâm đặc biệt, phát triển mạnh nhất từ trước tới nay cả về số lượng và chất lượng; 100% các trường MN bán công được chuyển sang công lập; khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các vùng miền được rút ngắn; đầu tư trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, xây dựng trường MN đạt Chuẩn quốc gia được UBND Thành phố, các quận, huyện quan tâm. Cụ thể, toàn Thành phố hiện có 1.003 trường/2644 điểm trường, trong 5 năm qua, tăng 213 trường (trong đó công lập tăng 80 trường, ngoài công lập tăng 133 trường); tăng 6.079 nhóm, lớp. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp tăng 11%; mẫu giáo ra lớp tăng 12,5%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp tăng 1,3%; trẻ khuyết tật học hòa nhập tăng 12,1% vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đã xóa được 6 phường trắng trường MN công lập thuộc hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Trong 5 năm thực hiện đề án, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non phát triển mạnh với tổng số 59.615 người. Cán bộ quản lý trình độ chuyên môn trên chuẩn tăng 22,7%; đạt trình độ chuẩn kiến thức quản lý giáo dục tăng 11,3%; đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị tăng 44,7%; trình độ tin học A trở lên tăng 70,9%. Giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo tăng 4,5%; trình độ trên chuẩn tăng 21,7%; trình độ tin học A tăng 49,6%.
Thực hiện có chất lượng chương trình GDMN là điều kiện quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện, trong 5 năm qua, GDMN Hà Nội liên tục đạt chỉ tiêu dẫn đầu toàn quốc, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, hàng năm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường giảm từ 1,8 đến 2,1% so với đầu năm học.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc
Về chất lượng giáo dục, nếu như năm 2009 mới chỉ có 30,8% số trường thực hiện chương trình GDMN mới, đến nay 100% trường và 100% nhóm lớp đã thực hiện chương trình GDMN mới và chương trình quốc tế đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện đại trà Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, được Bộ GD&ĐT chọn làm điểm triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường MN giai đoạn 2013-2016”.
Với công tác phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, năm 2013, 100% quận, huyện, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh thành đầu tiên của cả nước đạt Cờ phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của Thành phố, trước 2 năm so với toàn quốc.
Tính đến hết năm 2015, tổng số trường MN đạt Chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 301 trường, đạt tỷ lệ 30%, trong đó có 10 quận, huyện có tỷ lệ trường MN công lập chuẩn quốc gia cao trên 50% đến 100% là: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thanh Xuân; 3 quận, huyện là Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Mỹ Đức từ năm 2009 chưa có trường MN Chuẩn quốc gia, nay đã đạt tỷ lệ 33%-40%.
Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng GDMN Thành phố Hà Nội đến năm 2015”, để duy trì và giữ vững những kết quả đã đạt được, thực hiện những chỉ tiêu chưa hoàn thành, Thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng GDMN Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020” trong đó tập trung vào một số mục tiêu cơ bản như nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp; cải tạo, xây mới, phấn đấu mỗi quận và huyện có điều kiện có ít nhất 1 trường MN Chất lượng cao; thực hiện chế độ chính sách bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ; điều chỉnh, nâng định mức chi thường xuyên cho trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao Giấy khen cho các tập thể tiêu biểu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Thành phố Hà Nội đã đạt được trong 5 năm thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng GDMN”. Theo Thứ trưởng, sau 5 năm, GDMN của Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực như quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ… so với điểm xuất phát. Phát huy những thành tích đã đạt được và để GDMN Hà Nội tiếp tục phát triển góp phần vào sự phát triển chung GDMN của cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Thành phố Hà Nội tiếp tục củng cố, quy hoạch đầu tư, xây dựng mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngoài chuẩn nghề nghiệp phải bám sát chuẩn chức danh nghề nghiệp; nâng cao trình độ trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng ghi nhận và biểu dương 30 quận, huyện, thị xã đã quyết tâm chỉ đạo, triển khai và đạt kết quả cao trong việc thực hiện đề án. Đồng chí đề nghị, trong giai đoạn tới, các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã cần làm tốt một số nội dung như: Rà soát các chỉ tiêu chưa đạt, phân tích làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp giải quyết hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; khuyến khích huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển GDMN…
Nhân dịp này UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định trao Bằng khen cho 69 tập thể và 75 cá nhân có thành tích xuất sắc, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tặng Giấy khen cho 24 tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện đề án.