Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu đến dự lễ khai giảng năm học 2024-2025 tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản.
Sau lễ chào cờ, hát Quốc ca, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường đã nghe thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân ngày khai giảng năm học mới.
Ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng toàn ngành Giáo dục cũng như thầy, trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, năm học mới, toàn ngành phải tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng". Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo môi trường tiên tiến, lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, thúc đẩy xã hội học tập, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng lưu ý, cần quán triệt và triển khai hiệu quả Kết luận số 91-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra; chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật và vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.
Thủ tướng cũng lưu ý cần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời; trong đó, khẩn trương hoàn thành quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học; tăng cường giáo dục hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó chú trọng công tác giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các nhà trường phải là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho học sinh, không có có bạo lực học đường, không có ma túy học đường.
Đối với các cháu học sinh khuyết tật, nhà trường cần bảo đảm trang bị mọi kỹ năng, kiến thức cần thiết để sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể độc lập trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên của nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo để các thầy giáo, cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các thế hệ học sinh noi theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh; phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh phát huy sở trường, năng khiếu; truyền thụ sao cho học sinh hào hứng học tập, đổi mới sáng tạo; không chỉ tổ chức học qua sách vở mà còn chú trọng thực hành; không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà cần khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhiệm vụ của thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Tôi mong rằng, các thầy, cô giáo luôn nhận thức sâu sắc về sứ mệnh vẻ vang và trọng trách của nghề giáo để không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Tôi đề nghị mỗi thầy giáo, cô giáo Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu cần tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và là ánh sáng soi đường, dẫn dắt cho học sinh khiếm thị trên con đường tiếp cận với thế giới tri thức rộng lớn của nhân loại. Các cháu học sinh hãy phát huy tốt vai trò là trung tâm, là chủ thể, là chủ nhân tương lai của đất nước. Các cháu hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ.
Bày tỏ niềm vui, xúc động trong ngày lễ khai giảng được đón các bác lãnh đạo về chung vui, em Vũ Minh Tú, học sinh khiếm thị của nhà trường bày tỏ quyết tâm sẽ cố gắng chăm ngoan, học tập và rèn luyện tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy.
Trong diễn văn khai giảng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Thị Tuyết Mai đã điểm lại chặng đường xây dựng, phát triển của nhà trường.
Nhà trường được thành lập tháng 12-1982 theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội với nhiệm vụ nuôi dạy trẻ em khiếm thị để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội.
Từ năm 1988 đến nay, được phép của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhà trường tuyển sinh học sinh không khuyết tật đến học hòa nhập với học sinh khiếm thị. Theo đó, nhà trường thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9; tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề, dạy kỹ năng cho học sinh khiếm thị và tư vấn cho cha mẹ học sinh khiếm thị về phương pháp dạy hòa nhập, dạy học đặc thù cho trẻ khiếm thị...
Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu luôn phấn đấu thực hiện mục tiêu “Trường học chất lượng cao - Hiệu quả hàng đầu trong công tác dạy học hòa nhập của cả nước”.
Các đại biểu tham quan cơ sở vật chất nhà trường. Ảnh: Mộc Trà
Với những nỗ lực của tập thể thầy, trò, nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc cấp thành phố; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Hai lần được tặng Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND thành phố; Hai lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò nhà trường. Ảnh: Mộc Trà
Nhân dịp khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu một tủ sách tham khảo; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng học sinh của trường 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và nhiều phần quà khác.