Thứ trưởng cho biết: Rút kinh nghiệm năm 2015, năm nay Quy chế tuyển sinh sửa đổi bổ sung khắc phục hạn chế năm 2015 và nhân rộng những kinh nghiệm tốt. Những sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh sẽ chọn được ngành mình yêu thích hơn là cố chọn được một trường chỉ để đỗ vào đại học. Năm nay thí sinh không phải rút, nộp hồ sơ mà được nộp cùng lúc nhiều trường thay vì một trường như năm ngoái. Cụ thể, đợt một các em được nộp hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, đợt hai được nộp ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Riêng đối với các nhóm trường tổ chức chung, các em có thể nộp tất cả các nguyện vọng trong nhóm trường này và có thể nộp nhiều trường chứ không phải nhất thiết hai trường như quy định chung.
Đối với bậc cao đẳng, năm nay Bộ đã có thay đổi căn bản nhất là không còn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều này phù hợp với quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp. Các trường vẫn phải tuyển sinh từ cao xuống thấp cho đến khi đạt chỉ tiêu vì vậy các trường phải có những kế hoạch cụ thể.
*Năm nay nơi công bố điểm của các thí sinh phân chia như thế nào cho hợp lý, thưa Thứ trưởng?
- Năm nay, cụm thi không thay đổi nhiều so với năm 2015 mà vẫn tổ chức thành 2 cụm thi khác nhau để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các thí sinh vùng giáp ranh trong việc di chuyển tới nơi thi, Bộ đồng ý cho các thí sinh vùng giáp ranh được tự chọn cụm thi phù hợp.
Về thời gian thi: Có nhiều ý kiến cho rằng thí sinh thi vào tháng 7 khá nóng nực, nhưng Bộ vẫn giữ nguyên thời gian này vì các trường ĐH, CĐ đã kết thúc năm học nên sẽ thuận lợi cho việc điều động cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia kỳ thi; việc bố trí giảng đường, ký túc xá phục vụ thí sinh và người nhà lưu trú trong những ngày thi cũng thuận lợi hơn. Tổ chức thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 cũng sẽ giúp cho các trường ĐH, các Sở GD&ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi. Với thí sinh, thi vào tháng 7, có thêm một tháng ôn tập, cũng có sự yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi được kỹ càng hơn.
Về công bố điểm số sau khi thi: Trường ĐH nào chủ trì thi thì trường đó sẽ công bố điểm thi cho các thí sinh. Các trường ĐH chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức thi. Để đảm bảo chất lượng công tác coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi và ít nhất 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi; trường ĐH,CĐ phối hợp cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi; còn lại là giáo viên do Sở GD&ĐT điều động.
*Việc trao cho thí sinh nhiều nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ khiến các trường khó xác định mức điểm trúng tuyển bởi tỷ lệ hồ sơ ảo cao, vậy Bộ có cách giải quyết vấn đề này ra sao?
- Tình trạng thí sinh ảo đã được Bộ lường trước và có giải pháp cần thiết giúp các trường giảm bớt khó khăn do thí sinh đăng ký ảo. Thứ nhất, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, các trường chủ động gộp lại để cho thí sinh đăng ký, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi sẽ không được xét tuyển nguyện vọng tiếp theo.
Thứ hai, yêu cầu thí sinh trúng tuyển phải nộp giấy báo trong thời hạn quy định, quá thời hạn thí sinh xem như không đỗ, trường có quyền tuyển thí sinh khác, không phải đợi đến khi nhập học như mọi năm. Thứ ba, điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển trước để các trường chủ động hơn trong xác định chỉ tiêu trúng tuyển.
Trong giấy đăng ký xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ những trường mình tham gia xét tuyển cùng đợt để các trường có thể phán đoán được số lượng thí sinh đăng ký từ đó xác định được mức điểm trúng tuyển.
*Tuyển sinh theo nhóm trường thì lợi ích thuộc về chính các trường đó, vậy quyền lợi của thí sinh có được đảm bảo?
- Hoàn toàn không có lợi ích nhóm ở đây mà vì lợi ích của thí sinh cũng như tạo thuận lợi cho các nhà trường. Ví dụ như quy chế năm nay quy định đối với các trường tuyển sinh theo nhóm đợt 1 các em được 4 nguyện vọng thì có thể nộp 4 nguyện vọng ấy vào 4 trường của nhóm này cùng ngành, nếu không trúng tuyển trường tốp trên thì các em có thể trúng tuyển trường tốp dưới. Cách làm này sẽ khuyến khích các em chọn ngành mình yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ. Khi tuyển sinh theo nhóm như thế thì sẽ giảm được hồ sơ ảo, nếu thí sinh nộp tất cả các nguyện vọng vào những nhóm trường này. Vì vậy, việc lập các nhóm trường cùng xét tuyển sẽ vừa có lợi cho thí sinh, vừa có lợi cho nhà trường.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh
*Hiện Bộ đã nắm được có bao nhiêu nhóm trường đăng ký xét tuyển chung?
- Việc lập nhóm là tự nguyện của các trường. Hiện ở phía Bắc có ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì thành lập nhóm có nhiều trường tham gia. Nhóm trường này đang xây dựng đề án tuyển sinh theo nhóm để báo cáo Bộ, sau đó sẽ triển khai. Tới đây có thể sẽ là một số trường khác đứng ra thành lập nhóm.
*Trường tốp dưới lo ngại không tuyển được thí sinh nếu các trường tốp trên thành lập nhóm và hút hết thí sinh vào các trường này. Bộ đã lường trước vấn đề này chưa?
- Việc tuyển sinh ở các trường đều bị khống chế bởi chỉ tiêu, dù nhóm hay không nhóm cũng chỉ chừng đó thí sinh, không thể tuyển vượt chỉ tiêu cho phép nên không ngại về vấn đề này.
*Việc bỏ ngưỡng đầu vào của hệ CĐ có đảm bảo chất lượng đầu vào của hệ này không, thưa Thứ trưởng?
- Tuyển sinh CĐ năm nay có thay đổi căn bản là không còn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà chỉ dùng ngưỡng tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Tuy nhiên, với trường CĐ có sức hút lớn, vẫn có thể lấy được những thí sinh điểm cao cho đến khi đạt chỉ tiêu.
* Kỳ thi năm 2016 đã tới gần, các thí sinh vẫn còn băn khoăn về đề thi năm 2015 vẫn chưa có tính phân hóa cao giữa việc thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp so với thí sinh có nhu cầu thi ĐH, CĐ. Vậy, Bộ có điều chỉnh gì ở đề thi năm 2016 này hay không?
-Đề thi căn bản không thay đổi vì đã định hướng cho thí sinh học ngay từ đầu năm. Đề thi như năm 2015 được các trường đại học đánh giá là tốt và đã chọn được học sinh tốt, đồng đều vào trường, chất lượng tốt hơn các năm trước. Đề thi năm trước được phân ra 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh. Mọi người đều đã thấy khả năng phân loại đề thi rất tốt. Phổ điểm rất tốt, phân bố dải đều từ thấp đến cao giúp cho các trường tuyển sinh với mức độ yêu cầu khác nhau.
Năm 2016, Bộ xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu đề thi, ngày thi, đợt thi... như năm 2015 nên thí sinh có thể yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi. Trong đề thi vẫn có những câu hỏi khá hóc búa dành cho các thí sinh thi ĐH, CĐ, vậy các em hoàn toàn yên tâm để ôn tập cho tốt tại kỳ thi này.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!