Trở thành thủ khoa sư phạm từ… một lời khen
"Kì thi đại học năm ấy, sư phạm không phải là mục tiêu và lựa chọn đầu tiên của tôi. Đến với sư phạm như một cái duyên, thậm chí với tâm thế “năm sau sẽ thi lại một trường khác”. Bước ngoặt đến khi trong một giờ học triết học, sau khi thuyết trình xong cô giáo có khen tôi “em rất có năng khiếu sư phạm”". Đó là những lời chia sẻ chân thành của cô giáo Trang khi nói về con đường đã đưa cô đến với nghề giáo.
Cô Trang cho biết, sau lời khen đó, cô đã nghiêm túc nhìn lại bản thân, viết ra những ưu, khuyết điểm mình đang có và nhận ra rằng những thế mạnh của bản thân sẽ được phát huy nếu cô theo học ngành sư phạm. Cô chuyên tâm cho việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành một người “Thầy” trong tương lai. Lời khen của cô giáo năm đó đã tạo động lực cho Dương Thị Trang trong những năm tháng học đại học và cả sau này. Cô nhận ra rằng, người thầy không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức cho học trò, mà còn là người khơi nguồn cảm hứng, phát hiện ra những điểm mạnh, tạo động lực, giúp học sinh phát huy thế mạnh của bản thân mình.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng và Giám đốc hệ thống giáo dục Hocmai Phạm Giang Linh trao
Giấy chứng nhận "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo" cho cô giáo Dương Thị Trang
Quyết tâm học tập đã mang đến cho Dương Thị Trang trái ngọt xứng đáng. Trang là thủ khoa tốt nghiệp của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Chia sẻ về bí quyết học tập trong trường Sư phạm, cô giáo Trang nhớ lại: "Việc được học ngành mình thích chính là “bí quyết” tuyệt vời nhất. Vì khi đó bạn sẽ có động lực để cố gắng trau dồi. Khi học sư phạm, tôi có định hướng rõ ràng về tương lai sẽ dùng những thứ học được để làm gì và định hướng phát triển tương lai như thế nào. Bên cạnh việc tiếp nhận sự truyền đạt kiến thức từ giáo viên, kĩ năng quan trọng nhất và cần thiết đầu tiên là tự học. Khả năng độc lập trong học tập, tư duy sẽ giúp các bạn tiến bộ rất nhanh. Đừng bao giờ ỷ lại vào thầy cô, bạn bè hay bất kì điều gì khác rồi lấy đó là cái cớ để bạn lười nhác và cho phép mình đứng khựng lại".
Tốt nghiệp trường Sư phạm, cũng như nhiều bạn bè cùng khóa, Dương Thị Trang nộp hồ sơ vào các trường có nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Điểm khác biệt là, Trang tự tin với những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình học. Điều đó giúp cô không bị “sốc” khi bước vào môi trường làm việc thực tế. Tuy còn trẻ tuổi, sinh năm 1994 nhưng Trang đã có kinh nghiệm làm việc tại các trường danh tiếng tại Hà Nội như trường Đoàn Thị Điểm, sau đó là trường H.A.S.
Chia sẻ về quá trình làm nghề tại các trường ngoài công lập, cô giáo Dương Thị Trang cho biết: "Là một giáo viên trẻ, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Hội đồng sư phạm nhà trường, BGH, các thầy cô, anh chị đồng nghiệp. Điều đó giúp tôi ngày một vững tin, trưởng thành hơn sau mỗi tiết dạy. Tại đây, cùng với việc tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, chúng tôi luôn được khuyến khích, tạo điều kiện, động lực để tự học, tự nghiên cứu, đổi mới. Mọi ý kiến cá nhân luôn được tôn trọng và mọi sáng tạo luôn được khuyến khích để hiện thực hóa. Những hoạt động kết nối giúp mọi người gắn kết với nhau hơn và cho tôi cảm giác đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Hơn nữa, ở các trường ngoài công lập như H.A.S, sĩ số lớp học không quá lớn, giúp tôi có thể quan tâm, sâu sát tới từng học sinh. Những chia sẻ cởi mở, thân thiện giúp mối quan hệ thầy trò được gắn kết và sự tiến bộ của mỗi học sinh luôn là động lực để tôi đến trường mỗi ngày".
Giáo viên trẻ với những sáng kiến độc đáo
Giáo dục Công dân là môn học gắn liền với thực tiễn đời sống, cô Trang đã thiết kế, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhằm gắn kiến thức với thực tiễn, phát huy sự tự chủ, tự lập, tinh thần trách nhiệm, tạo điều cho học sinh thích nghi với nhiều điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau. Năm học 2017- 2018, cô đã tổ chức thành công các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như: Trải nghiệm nghệ thuật, Thử thách sinh tồn, Một ngày làm nông dân… Thông qua mỗi trải nghiệm, học sinh đã được trang bị thêm các kĩ năng sống cần thiết, gắn trường học với thực tiễn, giúp các em luôn sẵn sàng giải quyết các vấn đề của đời sống. Năm học 2018-2019, cô cũng đã xây dựng được 10 chủ đề hoạt động trải nghiệm cho các em học sinh và triển khai theo từng tháng trong năm học này.
"Dạy học không chỉ dạy kiến thức đơn thuần mà còn dạy nhân cách đạo đức, dạy đạo lý làm người, dạy kĩ năng sống cho học sinh để các em hoàn thiện mình vững vàng bước vào đời" là phương châm dạy học của cô giáo Dương Thị Trang. Chính vì vậy, với bộ môn Giáo dục Công dân, cô mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, phát huy vai trò làm chủ của học sinh, gắn kiến thức bộ môn với thực tiễn thông qua việc triển khai dạy học dự án. Cô đã và đang thực hiện các dự án như “Sẻ chia yêu thương”, “Children with love”… Năm học 2017- 2018, dự án “Sẻ chia yêu thương” được triển khai đã thu về hàng trăm chiếc đèn tự làm cùng số tiền 18,5 triệu đồng. Học sinh của cô đã đến thăm và tặng quà ở trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An- Ba Vì, làng trẻ Hòa Bình. Tại đây, các em đã trồng hoa, tổ chức Trung thu cho các cụ già và em nhỏ. Tham gia dự án, học sinh được phát huy khả năng của mình ở các vị trí, vai trò khác nhau, nâng cao kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Sau mỗi chuyến đi từ thiện, các em biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, biết trân trọng cuộc sống của mình hơn!
Đặc thù của môn GDCD về kiến thức rất trừu tượng, mang tính lí luận cao nhưng lại liên quan nhiều đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy việc chú trọng đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá sẽ là cơ sở, động lực cho việc đổi mới phương pháp dạy học của môn GDCD trong trường THPT hiện nay. Quan niệm như vậy nên cô tích cực đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá môn học theo định hướng phát triển năng lực người học thông qua việc cho học sinh được lựa chọn 1 trong các hình thức báo cáo kết quả học tập như “nói ra”, “viết ra” hoặc “tạo ra”. Các em có thể trình bày qua slide, sơ đồ tư duy, tiểu phẩm, video,….. Việc đổi mới này gạt bỏ áp lực thi cử cho học sinh, các em được thỏa sức sáng tạo, phát huy khả năng của mình, tạo hứng thú trong học tập.
Trong công tác chủ nhiệm, cô Trang luôn là tấm gương mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi, yêu thương học sinh. Cô luôn thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh, đặt niềm tin tưởng ở bản thân mình sẽ dẫn dắt các em đi đúng, làm đúng. Cô đã xây dựng mô hình lớp học theo phương pháp “Kỉ luật tích cực” nhằm khích lệ học sinh, mời gọi học sinh cùng tham gia vào quá trình ra quyết định đối với những điều có ảnh hưởng tới các em trong môi trường lớp học, kết hợp những đề xuất của các em vào những thỏa thuận của lớp và trường, vận dụng những ý tưởng của các em như một nguồn hữu ích cung cấp các giải pháp, cả trong học tập lẫn các vấn đề xã hội, góp phần xây dựng sự tôn trọng, tinh thần hợp tác và trách nhiệm trong lớp học. Phương pháp kỉ luật tích cực bước đầu đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ phía phụ huynh, tạo sự liên kết giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.