Cần phối hợp với phòng Tài chính – kế hoạch của địa phương
Để đảm bảo công tác thu chi đầu năm học 2016 – 2017 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, từ tháng 8/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra, trực tiếp đến các cơ sở giáo dục kiểm tra hoạt động thu, chi đầu năm học, việc quản lý, sử dụng các nguồn thu tại các cơ sở giáo dục theo văn bản quy định.
Vừa qua, đoàn kiểm tra số 3 do PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác thu chi tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Đoàn kiểm tra không chỉ đánh giá công tác thu chi của các đơn vị, mà còn chia sẻ, tư vấn cho các trường thực hiện nghiêm túc quy định về thu chi trong nhà trường.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện cho biết: Từ đầu năm học, phòng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra nền nếp và tình hình thực hiện thu chi đầu năm học tại các trường trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Mỹ Đức cũng đã thành lập đường dây nóng về công tác thu chi trên website của phòng GD&ĐT. Thông qua đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ, phòng đã nhận và xử lý ngay 4 thông tin về công tác thu chi. Cụ thể, đã giải thích, thông báo cho CMHS nội dung, yêu cầu của các khoản thu. Phòng cũng đã yêu cầu các trường công khai văn bản chỉ đạo các khoản thu trên hệ thống truyền thanh của địa phương. Với các trường sai phạm, phòng đã yêu cầu trường dừng thu các khoản không hợp lý và trả lại tiền cho phụ huynh.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu chỉ đạo công tác thu, chi tại phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm xuân Tiến nhận định: Thực tế ở các trường cho thấy có những khoản thu dù thực tế hợp lý và cần thiết nhưng chưa đúng thủ tục, vì vậy đoàn kiểm tra sẽ hướng dẫn để các khoản thu đó vừa hợp tình, hợp lý, đúng thủ tục, quy trình. Đối với các trường của huyện Mỹ Đức, hầu hết đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thu, chi, không có hiện tượng thu vượt trần. Phòng GD&ĐT Mỹ Đức cũng đã kịp thời và nghiêm túc xử lý các thông tin liên quan đến công tác thu chi. Tuy nhiên, phòng GD&ĐT cùng các trường cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phòng Tài chính – kế hoạch của huyện để thực hiện đúng các quy trình, thủ tục pháp lý về công tác thu chi.
Thu tự nguyện phải thực hiện theo 4 bước
Qua công tác kiểm tra cho thấy, các trường đã thực hiện đúng quy định về thu học phí và các khoản thu khác như: thu, chi phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm; nước uống cho học sinh; bảo hiểm y tế học sinh; dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; các khoản thu về đồng phục, quần áo thể dục, thể thao, phù hiệu.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn, các trường thường nhận thức sai lầm trong việc thu, chi khoản đóng góp tự nguyện. Một số hiệu trưởng nghĩ rằng đây là tiền nhà trường thu được vì vậy hiệu trưởng và nhà trường tùy ý sử dụng mà không có sự báo cáo, thẩm định về chuyên môn. Một số đơn vị khác lại “đẩy” hết cho CMHS sử dụng toàn bộ cho khách quan, hiệu trưởng “tránh” mang tiếng. Quyết định 51 của UBND Thành phố về việc thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã nêu rõ, mức thu của các khoản thu khác phải căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi phải được thỏa thuận bằng văn bản của CMHS trên cơ sở tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của BGH nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý). Quyết định 51 cũng đã quy định rõ 4 bước thu chi khoản đóng góp tự nguyện. Các trường cần thực hiện đúng theo những nội dung của quyết định này. Thêm một chú ý nữa là, khi đã có nguồn kinh phí thu tự nguyện, hiệu trưởng thực hiện mua sắm theo đúng quy định về Luật đấu thầu và Luật đầu tư công. Tùy theo mức đầu tư mua sắm để thực hiện đúng các bước, các quy trình mua sắm, sửa chữa. Kết thúc phải thực hiện quyết toán công khai và đưa vào sổ kế toán quản lý tài sản theo quy đinh.
Sau quá trình kiểm tra tại các cơ sở giáo dục tại các quận, huyện từ đầu năm học đến nay, PGĐ Sở Phạm Xuân Tiến lưu ý: Mọi hoạt động trong nhà trường, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Với các khoản thu tự nguyện, trước hết các trường cần có quy chế hoạt động của Ban đại diện CMHS. Trường xây dựng kế hoạch hoạt động, sau đó xin ý kiến và sự thống nhất của Ban đại diện CMHS. Từ đó, xây dựng hạch toán kinh phí rồi niêm yết công khai để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí. Việc thu phải thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Cũng không nên có sự chênh lệch quá cao về khoản thu giữa các lớp vì sẽ dễ khiến phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Phó giám đốc Sở cũng đề nghị các trường không nên thu gộp thành một khoản thu lớn, sẽ khiến các bậc phụ huynh băn khoăn, đặc biệt là đối với các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Ví dụ, học phí có thể thu theo học kỳ, không bắt thu cả năm.
Quy trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/ 2013 của UBND thành phố Hà Nội: |
Bước 1: Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Bước 2: Lập Kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó, kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình,... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí.
Bước 3: Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp (Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản và chỉ được tiến hành vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
Bước 4: Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Khoản thu này phải đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được mua sắm, sửa chữa phải hạch toán tăng tài sản và sử dụng trong nhà trường (thực hiện hạch toán và khấu hao tài sản theo đúng quy định hiện hành).
|