*Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Lấy giáo dục làm đầu, lấy nhân tài làm gốc”
Năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng; Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh; Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường; Thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; Triển khai thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, cần bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN.
Về giáo dục phổ thông, đây là nền tảng của giáo dục nói chung, vì thế cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, giảm tải nhanh, không nặng về khối lượng, mà phát triển toàn diện văn thể mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. Chú ý giáo dục thể chất để tạo nên một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa.
Nguyễn Trãi đã từng nói “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước. Xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó.
(trích phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT)
*Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thực sự coi học sinh là trung tâm”
Chúng ta đang trong quá trình đổi mới, mà đã đổi mới thì không thể làm ngay một lúc, sẽ phải có các bước trung gian, không thể toàn vẹn. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong quan điểm, sự đồng thuận của báo chí và dư luận xã hội. Chẳng hạn như khi thực hiện tự chủ đại học liên quan đến tăng học phí. Điều này sẽ tác động tới một bộ phận người nghèo. Vì thế cần nghiên cứu học phí theo đúng xu thế, nên chăng đã miễn học phí cho tiểu học thì trong tương lai sẽ miễn học phí cho THCS. Đó là bước đi cần thiết. Hay với việc dạy thêm, học thêm, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn bởi vì hiện nay số trường lớp để đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày còn rất thiếu. Vì vậy, bên cạnh việc khắc phục bất cập, hạn chế liên quan đến thi cử, tâm lý xã hội, kể cả tính gương mẫu của giáo viên, thì cần phải có đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu làm được như vậy thì áp lực dạy thêm, học thêm cũng bớt đi.
Ngành giáo dục “Phải luôn coi học sinh là trung tâm trong khâu hoàn thiện giáo dục và phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức, thể chất” từ những việc rất cụ thể như đổi mới khai giảng, cải tạo khu vệ sinh ở các trường học, rèn luyện tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động. Ngành GD&ĐT cần phải có những triết lý không thể thay đổi dù đang trong giai đoạn đổi mới. Triết lý giáo dục không thể thay đổi đó là khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, kết hợp với ý thức công dân toàn cầu.
(trích phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT)
*Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Giáo dục Thủ đô cần tạo những điểm nhấn”
Ngành GD&ĐT có vai trò vô cùng quan trọng, dạy dỗ 1,7 triệu học sinh, chiếm ¼ dân số thành phố. Hà Nội xác định việc đầu tư cho giáo dục là việc trọng tâm và quan trọng trong 5 năm tới. Ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng 26 trường tại 13 quận, huyện, và tháng 9 tới sẽ đầu tư xây dựng cho 40 trường. Trong quá trình xây dựng, chú ý tới tất cả các tiêu chuẩn, từ bảng viết, chỗ ngồi, lớp học... nhằm tạo ra không gian để học sinh được học trong điều kiện học tập tốt nhất. Hà Nội cũng đã rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có, kể cả những quận khó về đất như Hoàn Kiếm, để xây dựng trường học.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT đang thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, tiêu chuẩn về giáo dục phải cao hơn các địa phương khác, không chỉ dừng lại ở mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Phải phấn đấu để bằng tú tài của học sinh Hà Nội được thế giới công nhận. Học sinh ra trường không phải mất thời gian học lại ngoại ngữ, học thêm vài năm để được cấp bằng tú tài quốc tế. Để làm được điều này, Hà Nội vẫn áp dụng chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên cần bổ sung thêm chương trình nâng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Trong năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, cùng với công tác giáo dục kiến thức cho học sinh, giáo dục phải gieo cho các em lòng nhân ái, sự sáng tạo, khả năng tự lập. Các trường cần tổ chức các cuộc thi phát huy tính sáng tạo của các em; quan tâm giáo dục Luật an toàn giao thông cho học sinh. Tối thiểu một năm cần có 1 tuần giáo dục cho các em Luật giao thông đường bộ, từ đó có sự lan tỏa tới gia đình, xã hội; Cùng với đó, giáo dục cho 1,7 triệu học sinh nhắc nhở bố mẹ nên vứt rác đúng giờ. Các em chính là những sứ giả để giúp thành phố sạch hơn, đẹp hơn.
Với công tác quản lý, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tổ chức nhiều cuộc thi kỹ năng quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Các cơ sở giáo dục phải minh bạch vấn đề chi tiêu để CMHS nắm được sự đóng góp của họ là xứng đáng. Đặc biệt, từ 5/9 Hà Nội sẽ quản lý 1,7 triệu học sinh bằng học bạ điện tử. Việc này sẽ giúp chấm dứt tình trạng sửa chữa điểm và quan trọng hơn là tạo ra một kho dữ liệu con người khổng lồ. Các nhà quản lý, hiệu trưởng cần phổ biến cho giáo viên hiểu tầm quan trọng của việc này. Việc cập nhật những đánh giá, nhận xét của mỗi học sinh trong suốt quá trình học tập sẽ là dữ liệu quan trọng để căn cứ vào đó, các nhà quản lý, tuyển dụng có thể tiếp cận, đánh giá chính xác năng lực của mỗi người, từ đó mới sử dụng đúng vị trí.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ dành ngân sách để xây dựng trung tâm đào tạo kỹ năng sống. Học sinh THCS và THPT phải đến đó để học tập và rèn luyện ít nhất 1 tuần/năm học. Đây chính là điểm riêng của giáo dục Hà Nội.
Từ đầu tháng 9, Hà Nội đã thống kê hơn 28 nghìn cây xanh để trồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư chăm lo cho sức khỏe học sinh. Mục tiêu đề ra là năm 2017 – 2018 hoàn thành việc cung cấp nước sạch cho học sinh và xây dựng khu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho các em. Chúng ta không chỉ lo dạy kiến thức mà phải chăm lo cả sức khỏe cho học sinh, đảm bảo đủ nước uống, nhà vệ sinh sạch.
Trong thời kỳ hội nhập, giáo dục cũng như các ngành khác của Thủ đô phải đặt ra tầm cao mới, để bạn bè quốc tế biết đến giáo dục Việt Nam, giáo dục Thủ đô một cách trực tiếp chứ không phải chỉ thông qua vài khuôn mặt đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Sắp tới, thành phố sẽ phối hợp với trường ĐH Cambridge đầu tư vào trường THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội-Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hoà nhập với thế giới mà không mất thêm hai năm.
(trích phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD&ĐT Hà Nội)
*Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ: “Chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục”
Năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, và của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng tới những nội dung của Nghị quyết 29- NQ/TW về công tác đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ngành đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học, trong đó chú trọng đặc biệt đến đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, phải đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên; Đẩy mạnh việc xây dựng trường Chuẩn quốc gia. Tham mưu với UBND TP tiếp tục có chính sách hỗ trợ xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4, tái cấp 4; nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; triển khai có hiệu quả ứng dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 và sổ điểm điện tử…
Ngành sẽ nghiêm túc, tích cực triển khai những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương, Thành phố. Đặc biệt, nhận thức rõ những thông điệp, những “đề bài” lớn để tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo đi đúng hướng, rõ được kế hoạch, mục tiêu, cách làm, thời gian và kết quả thực hiện. Quyết tâm làm sao để giáo dục Thủ đô có những điểm nhấn; để mỗi nhà trường là một điểm mẫu, là cơ sở văn hóa của địa phương.
(trích phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD&ĐT Hà Nội)