Thách thức cho người tổ chức
Theo Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, học sinh chỉ phải tham gia một kỳ thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT, đồng thời tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Điểm thi được đặt tại các quận, huyện nên thí sinh không phải đi quá xa, vì vậy các em không cần phải thuê trọ, thậm chí bố mẹ cũng không cần phải đưa con đi thi. Số buổi thi giảm từ 8 buổi xuống còn 5 buổi. Số lượng bài thi trắc nghiệm tăng lên, phần thi tự luận chỉ có ở môn Ngữ văn. Kể cả môn Ngoại ngữ cũng không còn phần thi tự luận nữa. Trong một phòng thi có 24 thí sinh và có 24 đề thi khác nhau nên học sinh không có cơ hội trao đổi bài.
Học sinh cần nắm chắc quy chế thi
Để giảm áp lực thi cử cho học sinh, những người tổ chức đã tình nguyện “gánh” trên vai những khó khăn. Trước hết đó là áp lực về số lượng thí sinh và phân loại thí sinh. Cụ thể, so với các kỳ thi trước, Sở GD&ĐT Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi quy mô lớn nhất vì Sở phải tổ chức thi cho học sinh đang học lớp 12, thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, thí sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và cả những học sinh đã đỗ tốt nghiệp THPT thi lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ mà số lượng này theo thống kê hàng năm khoảng 7 nghìn thí sinh.
Thêm vào đó, vì kết quả thi để lấy xét tuyển ĐH, CĐ nên tính quyết liệt cao hơn, thí sinh có thể sử dụng nhiều hình thức gian lận quay cóp tinh vi hơn như sử dụng công nghệ cao, thi hộ… nên áp lực đặt lên khâu coi thi cũng cao hơn. Trong quá trình tổ chức coi thi, áp lực với cán bộ coi thi còn ở cách thức phát đề thi. Bởi năm nay lần đầu tiên thực hiện thi bài thi tổ hợp KHTN, KHXH. Mỗi bài thi tổ hợp lại có các môn thi thành phần và nhiệm vụ của giáo viên coi thi là phát mã đề các môn trong bài thi tổ hợp cho một thí sinh phải trùng nhau. Chẳng hạn, thí sinh A thi bài thi KHTN thì ở môn Vật lý, mang mã đề số 2 sau khi làm xong giáo viên coi thi phải thu lại đề thi, giấy nháp để phát mã đề số 2 ở môn Hóa cho thí sinh đó và môn Sinh học cũng phải phát mã đề số 2.
Ngay cả công tác in ấn đề thi cũng phức tạp bởi nhiều môn trắc nghiệm nên số lượng trang in sẽ nhiều hơn. Như vậy, khối lượng in sao đề thi lớn hơn. Việc đóng gói đề thi, phân chia về các điểm thi cũng phức tạp hơn bởi vì số lượng đề thi trong từng phòng thi đối với từng môn thi khác nhau. Nguyên nhân ở đây là với bài thi tổ hợp, thí sinh tự do chỉ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ không phải thi tất cả các bài trong bài thi tổ hợp mà có thể chọn một số môn trong bài thi tổ hợp đó để dự thi.
Sẽ kiểm tra chéo hồ sơ đăng ký dự thi
Trong kỳ thi năm nay, mỗi phòng GD&ĐT là một điểm đăng ký dự thi, nhận hồ sơ của thí sinh đã đỗ tốt nghiệp THPT. Còn tất cả các trường phổ thông có học sinh lớp 12 nhận hồ sơ của thí sinh trong trường và mỗi điểm được Sở cấp một mã bảo mật. Ngày 24/5 là hạn cuối cùng để đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Khâu đăng ký dự thi năm nay cũng phức tạp hơn kỳ thi trước đòi hỏi các đơn vị phải hướng dẫn, giải thích kỹ cho các thí sinh. Chẳng hạn với thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp thì học theo chương trình nào phải đăng ký thi theo quy định của chương trình đó. Những năm trước, thí sinh học chương trình THPT thi năm đầu không đỗ, năm sau có quyền dự thi theo hệ GDTX nhưng quy chế năm nay không cho phép điều đó. Thí sinh được bảo lưu điểm thi. Ví dụ, thí sinh dự thi năm 2016, thi đủ tất cả các môn, không bị kỷ luật hay cấm thi, có những điểm bài thi hoặc môn thi thành phần nào đạt từ 5 năm trở lên sẽ được bảo lưu bài thi, điểm thi môn thành phần đó. Nếu thí sinh muốn bảo lưu điểm môn thi Hóa học, nhưng lại muốn đăng ký thi vào một trường ĐH có xét tuyển sử dụng điểm thành phần môn Hóa học thì thí sinh phải tích vào ô bảo lưu môn thi Hóa học, đồng thời tích tiếp vào mục đăng ký dự thi môn Hóa học. Điểm để xét tốt nghiệp lấy điểm bảo lưu, điểm thi thực tế để lấy xét tuyển ĐH, CĐ. Nếu tích vào điểm bảo lưu, nhưng lại không tích vào mục dự thi môn bảo lưu đó thì hệ thống tự hiểu là thí sinh không thi môn đó xét vào ĐH, CĐ mà chỉ lấy điểm bảo lưu để xét tốt nghiệp THPT.
Nguyện vọng đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay cũng không có tên trường mà chỉ có mã trường. Vì vậy học sinh phải chú ý mã trường để tránh sai sót. VD Học viện Nông nghiệp (HVN) và Học viện Ngân hàng (NHH) rất dễ nhầm. Cán bộ khi thu phiếu đăng ký cần kiểm tra lại cho chính xác.
Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết đã xác định rõ trách nhiệm của Phòng là chuẩn bị cơ sở vật chất, máy tính đón tiếp thí sinh đến đăng ký dự thi. Phòng cũng dán công khai các quy chế thi ở nơi đón tiếp các em và hướng dẫn các em đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, Cầu Giấy đã thông báo cho giáo viên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nếu được điều động làm thi, đồng thời sẽ phối hợp chuẩn bị cơ sở vật chất cho các hội đồng thi nếu Sở GD&ĐT yêu cầu.
Trường THPT M.V.Lômônôxốp đã triển khai quy chế tới cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường và trực tiếp hướng dẫn cho học sinh khối 12. Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, thời gian tới sẽ bổ sung cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của một điểm thi nếu được chỉ định trong kỳ thi sắp tới.
Thầy Nguyễn Đình Bang – Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo cho biết, nhà trường hướng dẫn cho học sinh đăng ký thi, tư vấn, hướng dẫn các em chọn các môn thi, điền phiếu, kiểm tra thật kỹ thông tin để tránh sai sót. Trường sẽ mở phòng máy, mỗi lớp chia thành 2 ca, xuống phòng máy để đăng ký thi. Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp cùng cán bộ làm công tác thi kiểm tra lại dữ liệu và xác minh. Trường có thể cũng sẽ có bộ phận giúp cho các thí sinh có mong muốn chuyển đổi nguyện vọng.
Để đảm bảo khâu đăng ký dự thi được chính xác, hồ sơ đăng ký dự thi sẽ được kiểm tra chéo. Các cụm trưởng sẽ phải tổ chức việc kiểm tra chéo của tất cả các trường nằm trong cụm. Sau khi các trường trong cụm kiểm tra chéo hồ sơ, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục đi kiểm tra hồ sơ một lần nữa.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong học kỳ 1 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn công tác ra đề trắc nghiệm cho giáo viên cốt cán của các bộ môn Toán, Lịch sử, Địa lý, GDCD với thời lượng 2 ngày cho tất cả các trường THPT trên toàn thành phố về việc ra đề theo yêu cầu mới của Bộ GD&ĐT với số lượng giáo viên/môn là 220 người. Sau đợt tập huấn, các giáo viên đã nộp sản phẩm ra đề và Sở đã tổ chức thẩm định các câu hỏi, hoàn thiện và biên tập thành hệ thống các câu hỏi đưa vào kho dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị triển khai công tác thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 nhằm giúp các phòng GD&ĐT, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX nắm vững quy chế thi, xác định những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành 2 văn bản số 641 hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 và văn bản số 645 hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ:
Quy chế thi cần được tuyên truyền đến từng học sinh, giáo viên
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm mới cần lưu ý. Chẳng hạn trước kia có 2 cụm thi, năm nay chỉ có 1 cụm thi do địa phương phụ trách. Trước đây có các cụm thi của các trường đại học, nên số lượng thí sinh ở các cụm thi của Sở phụ trách chỉ còn 15 đến 20 nghìn thí sinh. Năm nay, Sở phải tổ chức cho toàn bộ hơn 80 nghìn thí sinh, đây là con số rất lớn. Hội đồng thi của Sở năm nay không chỉ có thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà còn bao gồm các thí sinh vừa lấy kết quả tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học do vậy tính cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Hình thức thi và môn thi cũng có nhiều điểm mới nên việc tổ chức thi, coi thi năm nay phải được đặc biệt quan tâm, đòi hỏi những người tham gia có kinh nghiệm, nắm chắc quy chế.
Các nhà trường cần nắm chắc quy chế thi để phổ biến đến từng học sinh. Cán bộ làm thi càng phải nắm chắc quy chế thi. Vì học sinh dự thi gồm học sinh THPT, học sinh GDTX, học sinh tự do (tự do chưa đỗ tốt nghiệp, tự do đỗ tốt nghiệp rồi có nguyện vọng xét tuyển đại học), cộng với việc thi theo bài thi tổ hợp nên việc đăng ký khá phức tạp yêu cầu các nhà trường cần hướng dẫn các em học sinh nắm rõ để đăng ký chính xác. Các trường có thể thành lập một tổ hoặc một bộ phận giới thiệu, giải đáp tất cả các thắc mắc của học sinh toàn trường về quy chế thi.
Các trường cũng cần giới thiệu với Sở danh sách những giáo viên đi làm thi. Trong danh sách ấy phải thêm nội dung: năng lực chuyên môn làm thi; trách nhiệm. Các trường THPT cũng phải chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu của một điểm thi, đặc biệt trường có thể chưa đẹp nhưng không thể không sạch.
Đây là kỳ thi quan trọng trong cuộc đời học sinh nên mỗi nhà trường, giáo viên cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình để góp sức tổ chức thi nghiêm túc nhưng không căng thẳng, đồng thời kiểm soát tình hình, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh.