Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã báo cáo tóm tắt một số kết quả đạt được về kinh tế, xã hội của Thành phố 9 tháng qua và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 8,1%; thu ngân sách đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 125 dự án ngoài ngân sách với số vốn đăng ký trên 84 nghìn tỷ đồng; gần 400 dự án FDI với số vốn cấp mới và tăng thêm 2,16 tỷ USD…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo, dự kiến đến cuối năm 2017 có thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 125% kế hoạch, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 1.357/2.576, chiếm 52,7%. Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thể thao thành tích cao của Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước, trong 9 tháng đầu năm, đoàn thể thao Hà Nội đã đạt trên 2 nghìn huy chương các loại…
Toàn cảnh buổi gặp mặt
3 tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; tiếp tục công tác quản lý trật tự, xây dựng đô thị; đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu văn hóa – xã hội; cải cách hành chính đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô đã đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến để Hà Nội phát triển bền vững. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích, huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học thông qua cơ chế đặt hàng; tạo điều kiện để các trường đại học, các hiệp hội tham gia các đề án, đề tài của thành phố. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các đô thị vệ tinh; chỉ đạo sát sao việc xây dựng các trường ĐH, CĐ. Giáo dục Thủ đô phải trở thành hình mẫu trong giáo dục; cần có lộ trình thích hợp tăng khả năng ngoại ngữ cho học sinh…
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: lãnh đạo thành phố thấy yên tâm hơn vì luôn có sự đồng thuận, đồng hành của các văn nghệ sỹ, trí thức và nhân dân Thủ đô.
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội nằm trong nhóm 17 siêu đô thị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề các đại biểu đặt ra đó là năng lực cạnh tranh của Hà Nội hiện đang xếp thứ 14 cả nước là chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, lãnh đạo thành phố tiếp thu sâu sắc vấn đề này, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội phải đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
Vấn đề được các đại biểu nêu kiến nghị nhiều là làm sao để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài…, theo Bí thư Thành ủy, đây là vấn đề rất quan trọng. Hà Nội đã xây dựng một chương trình lớn liên quan đến nội dung này và rất cần sự quan tâm của các văn nghệ sỹ, trí thức cũng như toàn dân cùng chung tay giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các văn nghệ sỹ, trí thức để xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại.