Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6. Trước đó, ngày 26/6, các thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng.
Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra tại 196 điểm thi. Các đoàn thanh tra của Sở thực hiện thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi, bao gồm: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Đặc biệt quan tâm đến khâu coi thi, Sở GD&ĐT Hà Nội thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi, số lượng cán bộ tối thiểu của tổ thanh tra tại một điểm thi được bố trí theo nguyên tắc: Điểm thi có dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra, từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra.
Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau, số lượng thành viên của 1 tổ thanh tra tại 1 điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội, Trưởng đoàn thanh tra thống nhất quyết định.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi và những nét khác biệt của Hà Nội với các địa phương (quy mô lớn nhất, số lượng thí sinh tự do nhiều nhất), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản đề nghị các điểm thi đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh an toàn. Mỗi cán bộ thanh tra cần bám sát mọi khâu, mọi thành viên tại điểm thi để cùng phát hiện những sơ hở, sai sót (nếu có), kịp thời phòng ngừa, tham gia phối hợp các vấn đề phát sinh tại điểm thi.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Các cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ thanh tra tại các điểm thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ, quy định, quy chế, không bỏ sót, bỏ lọt các vi phạm (nếu có). Khi xảy ra tình huống bất thường tại các điểm thi, thanh tra cần phối hợp tích cực với các lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm thi để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Cũng tại Hội nghị, các cán bộ, giáo viên đã được nghe Thượng tá Hà Thị Hằng (Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội) thông tin về những thiết bị thường được ngụy trang dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, vòng, nhẫn, đồng hồ, kính mắt… có thể được đem vào phòng thi để gian lận; các dấu hiệu bất thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi; cách nhận diện, phòng ngừa việc sử dụng phương tiện kỹ thuật có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi...