Cháu học tiểu học cũng được nhà trường tập trung khá sớm, nhận lớp, tập văn nghệ khai giảng. Vậy mà năm nào cũng thế, đúng 5/9 các trường mới tổ chức khai giảng. Theo tôi, ngành giáo dục nên nghiên cứu làm đơn giản, hoặc bỏ hẳn lễ khai giảng tốn kém và không cần thiết này đi. Tôi được biết, trên thế giới, một số nước người ta không tổ chức khai giảng, chỉ là tập trung học sinh vào ngày đầu tiên, rồi thầy cô hiệu trưởng căn dặn học sinh và tuyên bố năm học mới bắt đầu, sau đó các con vào lớp học bình thường. Riêng ở Việt Nam, từ trước đến nay khai giảng vẫn không thay đổi về hình thức. Đã đi học rồi mới khai giảng thì có ý nghĩa gì? Đây là ý kiến trao đổi của một người ngoài cuộc với mong muốn giảm nhẹ gánh nặng cho các nhà trường và học sinh, mong nhận được sự ghi nhận, nghiên cứu và trao đổi của các anh chị.
(Nguyễn Thanh Bình, ngõ 20 Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, HN)
*** Trước tiên, chúng tôi ghi nhận sự quan tâm, theo dõi mọi hoạt động cũng như đóng góp ý kiến của anh đối với ngành giáo dục. Điều này khẳng định giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi người, mọi nhà và là sự quan tâm của toàn xã hội, thật đáng mừng. Tuy nhiên, với ý kiến giảm bớt thủ tục hoặc xóa bỏ lễ khai giảng năm học để giảm tải, bớt gánh nặng cho nhà trường và học sinh, bớt đi một sự kiện “khoa trương hình thức”, chúng tôi chưa nhất trí và xin được trao đổi với anh như sau:
Về khía cạnh tâm lý, mọi việc làm gắn liền với sự bắt đầu, với ngày đầu tiên đều rất thiêng liêng. Thời gian là một khái niệm trừu tượng, vô hình, nếu không có những sự kiện, những hoạt động mang tính biểu trưng, người ta sẽ sống trong sự triền miên của thời gian vô hạn và rất mệt mỏi. Một năm bắt đầu bằng những ngày Tết tưng bừng, một tháng (nhất là âm lịch) được đánh dấu bằng “mùng Một đầu tháng”, đời người đánh dấu bằng “ngày sinh” và năm nào cũng kỷ niệm… Mọi thứ nghi thức, sinh hoạt gắn liền với “buổi đầu” đã trở thành máu thịt, ai có ý định rút gọn, vứt bỏ đều bị phản đối. Đã từng có ý kiến bỏ Tết âm lịch bị “ném đá”, dù người đưa ra ý kiến đó là một bậc trí thức và ý kiến cũng mang tính thiện chí, xây dựng…
Lễ khai giảng năm học mới là một buổi lễ mang tính lễ nghi, không phải là ngày đầu tiên đến trường, nên không cần trùng với ngày “tựu trường”. Chắc anh đã biết, trong các kỳ đại hội thể thao như Olympic, SEA Games, World Cup… các vận động viên thi đấu hàng chục trận, trước cả tuần, rồi sau đó mới tổ chức “Lễ khai mạc”. Người dân có thể đi lễ chùa Hương quanh năm, thậm chí ngay từ mùng Một Tết, nhưng đến mùng Bốn tháng Giêng mới có “Lễ khai hội”. Thế cho nên, học sinh dù có đến trường từ đầu tháng 8, có học chính thức từ ngày 15/8, mà đến 5/9 các trường mới tổ chức “Khai giảng năm học mới” cũng không mất đi ý nghĩa. Với văn hoá Á Đông cũng như văn hoá Việt Nam, lễ nghi (lễ) rất quan trọng, đơn giản tới mức sơ sài hay xóa bỏ là điều không thể chấp nhận. Không có “Lễ khai giảng”, cứ thế mà học, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác thì rất đơn điệu, nhạt nhẽo.
Tất nhiên, để tổ chức được buổi Lễ khai giảng, nhà trường, thầy cô và học sinh đều mệt. Tuy nhiên, đổi một chút bận rộn, mệt mỏi, tốn kém lấy một vài giờ tưng bừng khí thế, hào hứng hân hoan cũng rất đáng làm.
Ở đâu cũng có khai giảng năm học mới, kể cả những nước phương Tây, tuy nhiên cách làm thì khác nhau. Những năm gần đây, nếu anh để ý sẽ thấy ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, chủ yếu cho học sinh được vui chơi, tham gia các tiết mục văn nghệ, giảm bớt những bản báo cáo thành tích, diễn văn dài dòng. Nhiều trường đã tổ chức những buổi khai giảng thật độc đáo, ấn tượng, kỷ niệm đó sẽ là hành trang theo học sinh đến mãi sau này, khi đã trưởng thành vào đời.
Cảm ơn anh đã gửi thư đến Tạp chí Giáo dục Thủ đô, mong mấy ông cháu chuẩn bị tinh thần để dự khai giảng năm học mới và vững tâm đồng hành cùng các nhà trường trong sự nghiệp “trồng người”!