Thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2020 của Thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 7216/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND Thành phố); Kế hoạch số 132/KH-SGDĐT ngày 13/01/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện công tác CCHC năm 2020, sáng 11/11/2020, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với các đơn vị kinh doanh có điều kiện về việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GDĐT Hà Nội.
Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Ủy ban Thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo phòng CCHC Sở Nội vụ cùng các đồng chí trưởng, phó các phòng thuộc Sở GDĐT liên quan đến việc giải quyết các TTHC và đại diện lãnh đạo 189 đơn vị là các Trung tâm đào tạo tin học, tin học ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng, bồi dưỡng văn hóa và Hiệu trưởng các trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với mục tiêu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong CCHC, phát huy quyền làm chủ, tham gia ý kiến của tổ chức và công dân, tăng cường theo dõi, giám sát, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân về cải cách và giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở GDĐT, Hội nghị đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết các TTHC; thời gian gia hạn cấp phép hoạt động của các trung tâm; điều kiện thành lập các trường, các trung tâm; những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng đăng ký các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tồn tại cần khắc phục đối với cơ quan giải quyết TTHC và đối với các đơn vị; đồng thời đề xuất kiến nghị những giải pháp nhằm đơn giản hóa các TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết các TTHC trên môi trường trực tuyến.
Hầu hết các đơn vị đều bày tỏ sự nhất trí và hài lòng khi các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GDĐT ngày một thuận tiện và rõ ràng, công khai, minh bạch. Thời gian qua, khi giải quyết các TTHC, Sở GDĐT đã thực hiện 3 giảm: giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ, giảm chi phí cho tổ chức, người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà trường, các trung tâm, các doanh nghiệp trong quá trình thành lập, đăng kí giấy phép hoạt động, gia hạn hoạt động; công chức Bộ phận Một cửa của Sở cũng như các phòng chuyên môn đã rất chuyên nghiệp, tận tình hướng dẫn các đơn vị; các TTHC đăng kí trên trực tuyến nhanh gọn thuận tiện, giảm chi phí, giảm thời gian đi lại của người dân. Các tổ chức, người dân rất hài lòng về việc giải quyết các TTHC của Sở trên cả 3 khâu: Khâu tiếp nhận hồ sơ qua trực tuyến; khâu giải quyết hồ sơ và khâu trả kết quả tại Bộ phận Một cửa.
Bên cạnh đó, các đơn vị đề xuất, kiến nghị vào 3 nhóm vấn đề:
1. Đề nghị Sở tăng thời gian đối với giấy phép hoạt động của các trung tâm từ 2 năm lên 3 năm, 5 năm để các trung tâm có đủ thời gian ổn định, phát triển và thực hiện những mục tiêu đề ra;
2. Đề nghị Sở rà soát TTHC về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ: các tư vấn viên phải có chứng chỉ qua lớp đào tạo tư vấn du học;
3. Đề nghị Sở quy định các thành phần hồ sơ liên quan cần scan khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các đơn vị dễ thực hiện.
Đại diện Sở GDĐT đã tiếp thu, giải đáp các ý kiến của các đại biểu về dự để điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh có điều kiện cần thực hiện tốt 3 vấn đề:
1. Nghiên cứu kỹ Luật Doanh nghiệp, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GDĐT về quy định hồ sơ các thủ tục hành chính để áp dụng và thực hiện đầy đủ tại đơn vị mình;
2. Thực hiện các TTHC liên quan đến thành lập, cấp phép, gia hạn hoạt động các nhà trường, các trung tâm đều đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, đảm bảo 100% đạt mức độ 3 và mức độ 4, trong đó phấn mức độ 4 đạt từ 50%-70%.
3. Chủ động báo cáo những khó khăn, bất cập khi giải quyết các TTHC về Sở GDĐT qua địa chỉ qtson@hanoiedu.vn ; bảo đảm các hoạt động của đơn vị an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Sở GDĐT Hà Nội mong muốn trên cơ sở đổi mới cách làm, cách giải quyết theo hướng đơn giản hóa cho người dân, tổ chức, cần được sự đồng thuận của các đơn vị trong việc phối hợp giải quyết các TTHC nhằm đạt được mục tiêu: Đơn giản, dễ thực hiện, giảm chi phí và tăng hiệu quả đối với người dân./.