Quang cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT có nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Hồ Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nghiêm Thị Hồng Vân, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tham dự còn có các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị tham gia xây dựng Luật Nhà giáo.
Về phía thành phố Hà Nội có Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Hương Giang; đại diện các Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng các phòng thuộc Sở GD&ĐT; Đại diện lãnh đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng một số các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập, tư thục, chuyên biệt, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện để phát triển Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, GD&ĐT Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: Quy mô giáo dục Hà Nội ổn định và tiếp tục phát triển với 2.875 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 01 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội; gần 2,3 triệu học sinh và hơn 124.000 giáo viên; Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng để phát triển giáo dục Thành phố; Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Tổ chức công khai, minh bạch, chất lượng các kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc Thành phố quản lý; Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm; triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế các kỳ thi và tuyển sinh trên địa bàn Thành phố; Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế; Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học, xây dựng “Trường học hạnh phúc" được quan tâm; Công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm; Trung tâm điều hành giáo dục thông minh đi vào hoạt động góp phần nâng cao công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố; Hợp tác về giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên Thế giới được tăng cường và đẩy mạnh; Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được Thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022, 2023. Những kết quả nổi bật trên có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà giáo ngành GD&ĐT Thủ đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhìn nhận, Luật Nhà giáo lần đầu tiên được xây dựng trong lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Do vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết đối với sự phát triển giáo dục.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai xin ý kiến đến từng cán bộ quản lý, nhà giáo trên địa bàn Thành phố. Theo đó, 125.163 nhà giáo được xin ý kiến góp ý dự thảo Luật này. Bước đầu, các ý kiến ghi nhận dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng khoa học, logic, chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất giữa các nội dung; cơ bản đã xác định rõ vị trí, vai trò, hoạt động của nhà giáo nhằm chuẩn hóa và tôn vinh nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ. Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới khi ban hành sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển nhà giáo, đảm bảo sự thống nhất đối với nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Để Luật Nhà giáo thực sự có chất lượng, đáp ứng cao nhất sự phát triển của giáo dục trong giai đoạn mới, thì việc tiếp tục đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo trong ngành Giáo dục Thủ đô” - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nói.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức thông tin tại hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thông tin tổng quan quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo cùng một số nội dung mong muốn nhận được ý kiến góp ý.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết: Trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đã nhận được ý kiến, góp ý của 63 Sở GDĐT các địa phương, các Bộ ngành liên quan.
Đến nay, cơ bản 9 nội dung trong dự thảo Luật đã được Ban soạn thảo thống nhất, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện. 800.000 nhà giáo đã có ý kiến, đồng tình với cấu trúc Luật. Cùng với đó, có nhiều ý kiến mong muốn Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà giáo.
Cục trưởng Vũ Minh Đức nhấn mạnh quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo là để thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước; kiến tạo môi trường phát triển nhà giáo, quy định một số chính sách mới để phát triển nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, có chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; giải quyết được vướng mắc thực tiễn trong quản lý nhà giáo.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang trao đổi tại hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện một số cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT thành phố Hà Nội đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Nguyễn Thị Nhiếp phát biểu tại hội thảo .
Các tham luận tập trung vào một số nội dung như: sử dụng, đánh giá nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập; quản lý nhà nước đối với nhà giáo tại các cơ quan quản lý giáo dục; quản lý nhà nước đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục tư thục; thực hiện chế độ làm việc, chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cấp mầm non; Giấy phép hành nghề; Lương cho nhà giáo; chế độ nghỉ hè của giáo viên; công bằng trong đánh giá nhà giáo; chế độ cho giáo viên trường chuyên biệt…