Cầu Giấy hiện có 8 phường với tổng số dân gần 300 nghìn người. Trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển của quận, ngành GD&ĐT đã có những bước tiến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, là đơn vị thuộc tốp đầu thành phố. Hiện nay, toàn quận có 93 trường mầm non, tiểu học, THCS và 11 trường THPT (trong đó có 2 trường công lập và 9 trường ngoài công lập). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo về cơ cấu và giỏi về năng lực với 222 CBQL và hơn 3,7 nghìn giáo viên MN, TH, THCS. Tỷ lệ trên chuẩn của CBQL giáo dục đạt 98,2%, tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên đạt 89,7%.
TS Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Hệ thống cơ sở vật chất các trường học công lập được đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế trường học và trường chuẩn quốc gia. Từ năm 2016 đến 2018, Cầu Giấy đã xây mới 3 trường (MN Ánh Sao, TH An Hòa và THCS Mai Dịch), cải tạo xây thêm nguyên đơn 1 trường (THCS Dịch Vọng), cải tạo sửa chữa 21 trường và mua sắm trang thiết bị dạy học với kinh phí 793,7 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2019, quận Cầu Giấy đã có 35 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 77,14%.
Những năm qua, Cầu Giấy luôn là một trong những địa bàn dẫn đầu thành phố về chất lượng giáo dục. Kết quả thi vào lớp 10 THPT trong 10 năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu thành phố. Năm 2018, quận có gần 20% học sinh đỗ vào các trường THPT chuyên. Trong 3 năm trở lại đây, học sinh của quận đã giành 88 giải quốc tế, 157 giải quốc gia và 867 giải Thành phố. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học của học sinh trong quận đạt 95,37%.
Cầu Giấy cũng đã có 4 trường chất lượng cao (MN Mai Dịch, THCS Cầu Giấy, TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH Nguyễn Siêu). Ngoài ra, từ năm học 2017 – 2018, quận đã tổ chức tuyển sinh hệ song bằng Cambridge tại 2 trường THCS Cầu Giấy và THCS Nghĩa Tân.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn mà quận đang gặp phải trong công tác phát triển giáo dục và đào tạo. Cụ thể là, mặc dù học sinh trên địa bàn quận đều có chỗ học song các trường công lập đang quá tải. Một số trường có diện tích đất chật hẹp, không đủ diện tích làm sân chơi, một số phường không còn quỹ đất để xây dựng trường. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại quận những năm gần đây còn khó khăn khi sự quá tải do tăng dân số cơ học khiến sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định. Số lượng trường THPT công lập ít dẫn đến tỷ lệ học sinh được học trường THPT công lập còn thấp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng ban của Sở cũng đã thẳng thắn trao đổi cụ thể về những mặt được, những tồn tại đồng thời đưa ra những ý kiến gợi ý giúp lãnh đạo quận Cầu Giấy có cái nhìn tổng thể về giáo dục từ đó có những hỗ trợ, định hướng phát triển giáo dục Cầu Giấy tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Thị Phương Hoa – Thành ủy viên – Bí thư Quận ủy quận Cầu Giấy chia sẻ: Giáo dục và đào tạo quận Cầu Giấy có quy mô lớn. Trong những năm qua, quận Cầu Giấy dành nhiều sự quan tâm đến việc phát triển giáo dục và đào tạo trong địa bàn quận. Quận đã tập trung đầu tư hệ thống CSVC đồng bộ, hiện đại, ví dụ như ngoài xây dựng trường học, quận Cầu Giấy còn lưu ý xây tầng hầm để xe, xây dựng bể bơi, sân chơi cho học sinh… Chính sách tuyển dụng giáo viên giỏi được quận duy trì. Từ năm 2016 đến nay quận đã ký hợp đồng với 151 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, tốt nghiệp giỏi, tuyển bổ sung 62 giáo viên giỏi về công tác tại các trường.
Toàn cảnh hội nghị
Bí thư quận ủy quận Cầu Giấy mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, cụ thể, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Mong Sở cùng đồng hành với quận tham mưu Thành phố để dành quỹ đất xây dựng trường học trên địa bàn quận, đặc biệt là xây dựng các trường THPT công lập.
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, TS Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá: Cầu Giấy là địa phương rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đi đầu trong triển khai các mô hình mới trong giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm, đầu tư đồng bộ. Điều này thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn của lãnh đạo quận. Cầu Giấy cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà từng bước được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn khẳng định vị trí tốp đầu thành phố.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị quận Cầu Giấy trong thời gian thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp, bổ sung, xây mới các phòng học để giảm tải sĩ số học sinh/lớp. Quận cần chủ động đề xuất cho một số trường được phép nâng tầng. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ giáo viên, chú ý công tác bồi dưỡng hàng năm, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; nâng cao hơn nữa chất lượng các trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia trên địa bàn; mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần có ý thức giữ gìn, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của nhà giáo, của giáo dục trong xã hội; chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh, hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến; quản lý tốt các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường.
Giám đốc Chử Xuân Dũng lưu ý các trường cần tăng cường công tác truyền thông trong giáo dục. Thực tế hiện nay, nếu điểm báo hàng ngày thì thấy rằng những sự cố, hình ảnh, thông tin trái chiều nhiều hơn những hình ảnh tốt. Đó là sự phản ánh chưa công bằng. Giáo dục Hà Nội có quy mô lớn, nếu mỗi nhà trường một tháng chỉ cần chủ động thông tin với báo chí một việc làm tốt, một hoạt động tốt thì mỗi tháng sẽ có nhiều thông tin tốt, giúp xã hội có cái nhìn công bằng, khách quan hơn. Với tính khiêm nhường, các trường thường e ngại trong việc tuyên truyền vì vậy quận Cầu Giấy và phòng GD&ĐT cần có sự chủ động, định hướng các trường trong công tác này.