Khởi sắc sau 10 năm hợp nhất
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: Năm học 2017-2018 kết thúc vào đúng thời điểm Hà Nội kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH 12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội. Theo Nghị quyết, Thủ đô Hà Nội được sáp nhập thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Từ 01/8/2008, Thủ đô Hà Nội có 29 quận, huyện, thành phố và 576 xã, phường và thị trấn. Địa bàn hành chính rộng và đa dạng có khu vực thành thị, nông thôn, miền núi. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa khu vực nội thành và địa bàn mở rộng. Tuy số cơ sở giáo dục các cấp học tăng gấp đôi, số học sinh, đội ngũ giáo viên đều tăng gấp đôi, nhưng trình độ giáo dục không đồng đều giữa các cấp học, giữa các khu vực vừa là cơ hội, vừa có nhiều thách thức trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo quản lý ngành.
Trước khi hợp nhất, Hà Nội có 1.017 trường với hơn 670.000 học sinh và 34.126 giáo viên. Năm học 2008-2009, số cơ sở giáo dục toàn Thành phố là 2.302 đơn vị (tăng thêm hơn 1.200 đơn vị). Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD&ĐT được mở rộng và không ngừng phát triển, đến nay Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường và thị trấn; có 2.643 trường học với 1.892.748 học sinh. Thực hiện sắp xếp lại hệ thống giáo dục theo Luật giáo dục Nghề nghiệp chuyển 31 Trung tâm giáo dục thường xuyên và 15 Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp về quận, huyện, thị xã quản lý; chuyển 45 trường TCCN về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Toàn cảnh hội nghị
Trong 10 năm qua, quy mô giáo dục Hà Nội đã tăng 435 trường mầm non và phổ thông, tăng 632.572 học sinh. Hà Nội hiện có 1.372 trường đạt CQG chiếm tỷ lệ 52%, trong đó công lập có 1.336 trường đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 62%. So với năm 2008, tăng 943 trường đạt CQG, trong đó công lập tăng 929 trường đạt CQG. Thực hiện Chương trình số 04/CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020 có 20 trường chất lượng cao, đến thời điểm này, toàn Thành phố đã công nhận được 16 trường (gồm 11 trường công lập, 05 trường ngoài công lập).
Sau hợp nhất, UBND Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 16/6/2009 về việc xoá phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009 - 2010 cần xây mới 5.523 phòng học với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tập trung ở 15 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng (vùng ngoại thành, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc). Từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã có thêm 7.841 phòng học văn hóa, 2.296 phòng học bộ môn; xây dựng mới 11.148 phòng học văn hóa, 1.071 phòng học bộ môn (trong đó xây mới thay thế 6.500 phòng học tạm và cấp 4 xuống cấp) của các cấp học. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Cơ bản xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, cấp 4 xuống cấp, thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra làm cho diện mạo các nhà trường ở Hà Nội ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn Thành phố.
Với sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, Thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã, trong 10 năm qua chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc. Đặc biệt, về giáo dục mũi nhọn, sau thời điểm hợp nhất số HSG quốc gia, quốc tế liên tục tăng. Trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia các bộ môn văn hóa năm học 2017-2018, học sinh Hà Nội giành 132 giải (10 giải Nhất); 24 đề tài thi Khoa học Kỹ thuật đạt giải cấp quốc gia (trong đó có 02 giải Nhất); đứng đầu cả nước trong cuộc thi giải Toán và Vật lý qua mạng Internet Violympic năm học 2017-2018 và giành giải “Trạng nguyên Tiếng Việt” năm học 2017-2018 dành cho học sinh tiểu học trên toàn quốc; cuộc thi An toàn giao thông do Bộ GD&ĐT tổ chức tại thành phố Đà Nẵng đạt giải gồm 3 giải Nhất, 4 giải Nhì. Tháng 3/2018, tại kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC) với 09 đoàn quốc tế và 23 đoàn của các tỉnh, thành trên cả nước tham dự, đoàn Hà Nội giành 01 Cúp Vô địch, 01 Cúp giải Nhất đồng đội, 112 huy chương cá nhân (30 Huy chương Vàng) ...
Thời điểm mới hợp nhất, ngành GD&ĐT Hà Nội gặp không ít khó khăn trong công tác cán bộ. Tỷ lệ CBQL và giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp. Chất lượng đội ngũ không đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, đặc biệt là khu vực mới hợp nhất về Hà Nội. Trình độ ngoại ngữ, tin học của đa số CBQL và giáo viên còn hạn chế. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ. Tính đến nay, 100% CBQL và giáo viên đứng lớp ở các ngành học, cấp học đạt chuẩn đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao so với tỷ lệ chung của cả nước (GV Mầm non 63.5%; Tiểu học: 90.3%; THCS: 79.4%; THPT: 28.6%.
Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT Hà Nội cũng luôn chủ động phối hợp và tranh thủ các nguồn lực quốc tế, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục với các đối tác trong nước và nước ngoài. Bước đột phá trong công tác hội nhập quốc tế năm 2017 của ngành là Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An. Năm 2018, mô hình đào tạo này tiếp tục được mở rộng với 1 trường Tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường THPT.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực trong công tác hội nhập quốc tế, tổ chức thành công các kỳ thi mang tính quốc tế như Kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC 2018). Đặc biệt, cuối năm 2017, Hà Nội đã bảo vệ thành công là thành phố đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMSO) lần thứ 16 vào năm 2019.
Bên cạnh những thành tựu đạt được sau 10 năm hợp nhất, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn thách thức như dân số cơ học tăng nhanh gây áp lực về cơ sở vật chất, tình trạng thiếu trường, lớp học; còn tình trạng một số trường học cũ chưa được cải tạo kịp thời, nhà vệ sinh tại nhiều trường chưa đạt chuẩn...
Tiếp tục tạo môi trường ổn định cho giáo dục phát triển
Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu với thành ủy, HĐND, UBND ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch đề án, kế hoạch tạo sự đồng thuận trong quản lý thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15 của Quốc hội; Tham mưu với TP triển khai mô hình trường học mới, chương trình giảng dạy mới, phát triển giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển khoa học – công nghệ; Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ CBQL, GV, NV các nhà trường; Tiếp tục quan tâm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp học...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng và công sức của toàn ngành, trong đó có vai trò của các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên, nhân viên cơ quan sở. Thứ trưởng nhấn mạnh: 10 năm trôi qua, các đồng nghiệp của Hà Nội và Hà Tây đã gắn bó với nhau, phối hợp để phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Giai đoạn mới hợp nhất rất nhiều khó khăn, như khó khăn về công tác cán bộ, bố trí chỗ làm cho cán bộ, nhân viên và cơ chế, chính sách giữa Hà Nội và Hà Tây… Quan điểm của lãnh đạo Sở lúc bấy giờ là "đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm" vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô. Sở đã tham mưu thành phố thành lập thêm 2 phòng nữa là phòng Công tác HSSV và phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài. Ngay năm đầu tiên sau khi hợp nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu với Thành phố ban hành kế hoạch 86 với phương châm 5 rõ "Rõ tên trường, rõ danh mục, kinh phí, tiến độ thời gian, trách nhiệm" xóa được hơn 6 nghìn phòng học tạm, phòng học xuống cấp. Tiếp theo là đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2009 – 2015 với tổng số tiền hơn 3 nghìn tỷ đồng, đề án xã hội hóa giáo dục với kinh phí 5.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau hợp nhất, Giáo dục Thủ đô đã được đầu tư cơ sở vật chất trường học và diện mạo đã thay đổi rõ rệt. Mạnh mẽ nhất có thể nhìn thấy là kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cùng với đó, công tác phát triển đội ngũ của giáo dục Thủ đô cũng được đặc biệt quan tâm. Sau khi hợp nhất đã chuyển toàn bộ 357 trường mầm non dân lập sang công lập và từ đó tuyển mới hơn 26 nghìn giáo viên mầm non. Một trong những điểm ấn tượng của giáo dục Thủ đô sau hợp nhất là chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững và phát triển. Ngành GD&ĐT Hà Nội dành tất cả những gì tốt nhất cho học sinh lớp 1, tạo cơ sở và tiền đề phát triển ở những lớp cao hơn từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Số lượng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế ngày càng tăng, giải cao ngày càng nhiều.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Thủ đô cần đi đầu thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK phổ thông, trong đó mục tiêu là góp phần tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Quan trọng nhất là chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới sự đóng góp, cố gắng tạo dựng môi trường giáo dục đến ngày hôm nay cho thế hệ đi sau tiếp tục thừa hưởng và phát triển, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định: Trong 10 năm qua, GD&ĐT Hà Nội tiếp tục giữ ổn định và từng bước phát triển về quy mô mạng lưới trường lớp, điều kiện học tập của học sinh Thủ đô. Trên toàn thành phố hiện có 2.643 trường học với nhiều loại hình trường lớp, trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tự chủ tài chính, các trường có chương trình quốc tế… đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân. Chất lượng giáo dục ngày càng được khẳng định, chất lượng đại trà, giáo dục mũi nhọn đã thể hiện sự phát triển này. Hợp tác quốc tế tiếp tục tạo ra bức tranh nhiều mầu sắc. Hiện nay, bên cạnh các trường quốc tế, các trường tư thục của Việt Nam cũng đưa chương trình nước ngoài vào. Đây là cơ hội tốt giúp người dân Thủ đô có thêm sự lựa chọn cho con em mình học tập.
Giám đốc Sở GD&ĐT HN Chử Xuân Dũng trao quà cho các đồng chí Lãnh đạo Sở qua các thời kỳ
Năm học 2018 – 2019, ngành có 5 nội dung cần quan tâm. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh kỷ cương trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực hoạt động công tác cán bộ. Tạo dựng môi trường ổn định cho giáo dục phát triển. Đổi mới công tác chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý. Quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc để tạo dựng niềm tin với người học, CMHS và toàn xã hội. Trong năm học mới kỷ cương được đẩy mạnh. Thứ hai, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc rà soát đẩy nhanh việc quy hoạch mạng lưới trường lớp. Điều này đòi hỏi các phòng ban của Sở cần có sự phối hợp, làm việc nghiêm túc và trách nhiệm. Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đảm bảo chuẩn về trình độ và phẩm chất năng lực. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy các bộ tài liệu như: "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô", "Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh Hà Nội" và một số bộ tài liệu về lịch sử địa phương. Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.