Chúng tôi đến trường MN Xuân La vào những ngày giao mùa xuân- hạ, nắng đầu mùa trải vàng, làm sáng bừng lên không gian đầy hoa lá, cỏ cây, thảm cỏ xanh mướt của ngôi trường đã đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2. Chứng kiến các giờ “học mà chơi, chơi mà học” của cô và trò nhà trường trên sân bóng, các khu vui chơi, khu trải nghiệm, lớp học mới thấy ngôi trường thực sự là một môi trường giáo dục thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm, đúng với nhiệm vụ chính của năm học mà ngành giáo dục mầm non đang triển khai thực hiện.
Ở ngôi trường luôn đổi mới và sáng tạo này, đội ngũ CBGV có nhiều “đất” để phát huy khả năng lao động sáng tạo, tình yêu nghề, yêu trẻ của mình. Đây cũng chính là yếu tố, là động lực thúc đẩy cô giáo Thu Thủy không ngừng học hỏi, vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong hành trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp Thành phố, có SKKN đạt giải A, B cấp Thành phố cùng nhiều thành tích cao trong Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” các cấp, liên tục được bình bầu là “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, danh hiệu“Người tốt- việc tốt”…, cô giáo Thủy chia sẻ: Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân thì những thành tích mà tôi có được là nhờ sự định hướng của các cấp lãnh đạo, quan tâm ủng hộ của Ban giám hiệu, sự giúp đỡ của đồng nghiệp và sự đồng hành của phụ huynh học sinh. Dạy học ở ngôi trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tất cả vì trẻ thơ, tôi có nhiều điều kiện và tâm thế để sáng tạo và áp dụng những phương pháp đổi mới trong mỗi ngày đến trường…
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy say mê sáng tạo bên học trò
Luôn tâm huyết, đau đáu với nghề, cô giáo Bùi Thị Thu Thủy cũng luôn tròn vai công việc gia đình, nuôi dạy 2 con ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Cô tâm sự: Có người bạn đời là bộ đội rất thông cảm, chia sẻ với công việc dạy trẻ của vợ nên tôi có thể yên tâm làm việc và sắp xếp công việc ở trường, ở nhà một cách hợp lý. Ngoài những thời gian đi công tác xa nhà, anh thường chia sẻ cùng tôi công việc gia đình, chăm sóc con cái để tôi toàn tâm, toàn ý với công việc mà mình yêu thích.
Say sưa, hào hứng khi nói về nghề, về trẻ, với cô giáo Thủy, đổi mới trong giáo dục mầm non là đổi mới cả về phương pháp và hình thức trong tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ sao cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, và phát huy được tối đa khả năng của trẻ, khơi gợi nguồn cảm hứng cho trẻ tích cực hoạt động. Trẻ ở lứa tuổi mầm non vốn rất thích những hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là múa, hát, đóng kịch… Nhiều năm gắn bó với trẻ thơ, cô giáo Thủy cho rằng, tạo hình và âm nhạc là hoạt động nghệ thuật mà bất cứ trẻ mầm non nào cũng hứng thú, có tác dụng truyền cảm hứng, cung cấp các kỹ năng học tập và kiến thức cho trẻ. Hoạt động nghệ thuật này không những giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện, trẻ thực sự được học qua trải nghiệm – học bằng chơi. Và SKKN “Nghệ thuật hóa các hoạt động của trẻ” của cô giáo Thủy ra đời từ chính suy nghĩ ấy. Để “Nghệ thuật hóa” hoạt động giáo dục trẻ, cô giáo Thủy đã tự làm đồ dùng, dụng cụ, nhạc cụ và hướng dẫn trẻ làm đồ dùng phục vụ cho hoạt động tại lớp; Sáng tác viết lời mới cho các điệu hò, điệu ví, khám phá các làn điệu nghệ thuật dân gian; Viết ca từ mới, sáng tác ca kịch phù hợp với hoạt động và học sử dụng một số nhạc cụ dân tộc; Dàn dựng các hoạt cảnh, vở kịch mà trẻ ưa thích…
Theo đó, giờ học âm nhạc không còn là tiết dạy hát, nghe hát, biểu diễn, mà cô giáo Thủy sáng tạo tổ chức thành các “Live show ca nhạc” theo chủ đề. Với thế mạnh về âm nhạc và tạo hình, có thể chơi 8 loại nhạc cụ, cô dạy trẻ sử dụng các nhạc cụ dân tộc của các vùng miền, dễ tìm, dễ kiếm như bộ gõ chén của Huế, kèn lá của người Mông, đàn đá, đàn Chinhgram của người Tây Nguyên… Sau đó trẻ được hóa thân thành các nghệ sĩ: vũ công, ca sĩ, MC, nhạc công... Cô cũng thường đệm đàn để trẻ ngâm thơ, bình thơ, múa hát; tự làm khung rối để sân khấu hóa các hoạt động của trẻ thành vở kịch cho trẻ tự biểu diễn và qua đó dạy trẻ học. Những bài giảng điện tử, trò chơi tương tác được cô tìm tòi xây dựng đã biến mỗi giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với trẻ…
Cô giáo Thủy cho biết: hoạt động khám phá được coi là khó khăn đối với giáo viên chúng tôi bởi việc làm thế nào giúp trẻ tìm hiểu, so sánh và nói lên được những hiểu biết, nhận xét về đối tượng khi mà vốn từ, vốn hiểu biết còn ít ỏi là khá phức tạp?. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo để trẻ có thể khám phá đúng tầm phát triển, nhận thức của mình. Và cô lại khéo léo đưa âm nhạc vào để truyền cảm hứng cho trẻ. Chẳng hạn như trong giờ học “Phân loại các đồ dùng trong gia đình”, cô tổ chức cho mỗi trẻ cùng 1 thời điểm dùng đũa gõ theo tiết tấu vào một loại đồ dùng (đồ dùng của mỗi trẻ làm bằng các chất liệu khác nhau, khi đó tất cả tiếng gõ của trẻ và của bạn cùng vang lên theo 1 tiết tấu, đa dạng về âm thanh, song qua đó trẻ được trải nghiệm phân biệt đồ dùng qua chất liệu để vận dụng vào cuộc sống và cuối giờ học là màn múa cô sáng tác “Vào bếp đi thôi” rất vui nhộn, dễ nhớ, dễ hiểu.
Hay khi dạy trẻ làm quen với toán, học số đếm, nếu giáo viên không biết khai thác vận dụng linh hoạt sẽ gây nhàm chán, khô cứng cho trẻ. Để thu hút trẻ, cô giáo Thủy tổ chức thành các trò chơi toán thông qua các điệu nhảy dân vũ, trẻ sẽ dùng các ngón tay, các bộ phận của cơ thể bản thân hoặc phối hợp đôi, phối hợp nhóm để đếm nhanh, đếm nhẩm chơi trò chơi theo yêu cầu của cô. Các trò chơi làm quen với toán thông qua hoạt động âm nhạc này luôn tạo ra sự thích thú đối với trẻ.
Với các hoạt động tạo hình, làm quen với chữ cái, cô Thủy lựa chọn cách sáng tác những câu chuyện, lời ca, giai điệu âm nhạc của các vùng miền, các nước, hoặc đặt lời mới cho trẻ đố đoán về chữ cái qua các loại hình nghệ thuật dân gian: hát đối, hát quan họ, hát trống quân. Ngay trong các hoạt động chiều, cô cũng biến lớp học thành câu lạc bộ khiêu vũ. Trẻ là vũ công khoác trên mình những bộ cánh đặc biệt (làm từ lá cây, nilon, giấy nghệ thuật) với những “đôi giày vàng” xinh xắn. Các hoạt động này đã làm phong phú những nội dung trẻ được trải nghiệm tại trường mầm non. Đây cũng là một biện pháp trong SKKN cô đưa ra để “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ 5-6 tuổi”.
Theo cô giáo Thủy, bên cạnh lòng yêu nghề, yêu trẻ thì muốn đổi mới, sáng tạo trong các phương pháp dạy trẻ, người giáo viên cần hiểu được đặc điểm tâm sinh lý từng lứa tuổi, phải biết vui chung với niềm vui của con trẻ, hóa thân thành bạn của trẻ trong nhiều hoạt động… Cũng như vậy, để trẻ là trung tâm trong mọi hoạt động thì ở vai trò hướng dẫn, gợi mở, cô giáo phải thường xuyên trò chuyện, gần gũi để phát hiện khả năng của mỗi trẻ. Có như vậy mới truyền cảm hứng đến với trẻ, để trẻ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, tự tin thể hiện bản thân mình...
Bản thân cô giáo Thủy cũng luôn chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp trong tổ chuyên môn về những trăn trở, tâm huyết của mình. Nhiều hoạt động sáng tạo của cô đã được phổ biển trong tổ, lan tỏa tác dụng cho đồng nghiệp. Với cô: Sự sáng tạo là vô cùng nhưng muốn đem lại kết quả tốt, hiệu quả thiết thực thì cần có sự góp ý, chia sẻ của tập thể CBGV nhà trường.
Cô giáo Phương Thị Thanh Trang- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường MN Xuân La ngay từ những ngày đầu năm học đã xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng tổ, nhóm chuyên môn và 100% giáo viênvề thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Cùng với tập thể CBGV nhà trường, cô giáo Bùi Thị Thu Thủy đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc, cùng nhà trường hướng trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động, từ đó các con có sự phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Với sự tâm huyết, yêu nghề, ham học hỏi, khi có ý tưởng gì mới để áp dụng vào chăm sóc, nuôi dạy trẻ là cô Thủy sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng. Nhiều sáng kiến của cô Thủy đã được chia sẻ, nhân rộng ra toàn trường, có tác dụng tốt trong hoạt động chuyên môn. “Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy là một trong những “hạt nhân” tích cực, chung tay cùng tập thể CBGV nhà trường xây dựng trường MN Xuân La ngày càng phát triển. Với chúng tôi, mỗi cá nhân sáng tạo đem đến một tập thể đổi mới và niềm vui chung là nhìn thấy trẻ vui tươi, phấn khởi, yêu thích đến trường mỗi ngày…”- Cô giáo Trang bộc bạch.