Cô giáo Lê Thu Hằng luôn mong muốn mang đến niềm vui cho trẻ khi đến trường.
Không quản khó khăn
“Công việc của một giáo viên mầm non thực sự là vất vả mà người ta thường nói như “làm dâu trăm họ”. Từ 6 giờ 30 phút sáng, tôi cùng các đồng nghiệp đã phải có mặt ở trường, vệ sinh lớp, lau dọn, sắp xếp bàn ghế để đón trẻ.
8 giờ, bắt đầu dạy theo chương trình, nào hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời... Tất cả phải được thực hiện hàng ngày, hàng tuần theo quy định...”, cô giáo Lê Thu Hằng đã chia sẻ như thế khi được hỏi về công việc “trồng người” của mình.
Theo cô Hằng, đặc điểm của lứa tuổi mầm non là ham hiểu biết, thích tò mò khám phá thế giới xung quanh, trẻ bắt đầu giao tiếp và học theo, thích được yêu thương, thích tự lập và bắt đầu hình thành ý thức cá nhân.
Chính vì vậy, muốn dạy được trẻ trước hết cô giáo phải hiểu trẻ, phải quan sát và hỗ trợ trẻ trong quá trình hình thành ý thức, tránh khen, chê, trách phạt trẻ trước mặt người khác để trẻ không thấy tự ti hoặc tự mãn về bản thân.
Không chỉ chịu áp lực về chất lượng giáo dục như dạy dỗ cung cấp các kiến thức kĩ năng phù hợp cho trẻ mà để thực hiện được điều đó, GV phải xây dựng kế hoạch, soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học trước khi lên lớp… bởi để lựa chọn được phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học cho lứa tuổi này không phải là đơn giản.
Vất vả là thế, áp lực là thế nhưng rồi nhìn những khuôn mặt thơ ngây, nụ cười trong sáng và những đôi mắt trong veo của trẻ đã khiến cô quên hết mệt nhọc vượt qua tất cả, bởi các cô cũng có những niềm hạnh phúc riêng mà ít người có được. Cô Hằng tâm sự: “Trong mắt trẻ thơ, cô giáo mầm non như những thần tượng.
Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi “khi về nhà lúc nào các con cũng nói cô của con bảo thế này, cô của con bảo thế kia…” và đến ngày nghỉ cũng bắt bố mẹ phải đưa đi học. Chúng tôi vui lắm khi các con tiến bộ hàng ngày. Có những trẻ khi đi học không biết ăn rau, ăn thịt… thì qua vài tuần đến lớp, được sự động viên của cô trẻ đã biết ăn các thức ăn mà trước đó chưa từng ăn.
Có chuyện gì vui buồn ở nhà đến cũng kể cho cô nghe, gặp cô ở đâu cũng chạy đến ôm cô bằng được. Chúng tôi yêu lắm những câu nói hồn nhiên, những câu chuyện không đầu không cuối của trẻ và trân trọng sự tin yêu của phụ huynh học sinh khi thấy trẻ tiến bộ hàng ngày”.
Hạnh phúc bên học trò.
Phương pháp giáo dục tiên tiến
Trường Mầm non Phù Lỗ nơi cô giáo Lê Thu Hằng công tác nằm ở phía Nam của huyện Sóc Sơn, Hà Nội - một huyện còn gặp nhiều khó khăn của thành phố. Giáo dục mầm non ở đây đa phần vẫn còn dạy theo hướng truyền thống, hạn chế khi áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến hiện đại như Montessori, Steam... vào trong các hoạt động giáo dục trẻ.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Công đoàn, tổ phó chuyên môn khối mẫu giáo nhỡ đồng thời là giáo viên chính trực tiếp giảng dạy trên lớp, cô giáo Lê Thu Hằng luôn canh cánh trong lòng câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, làm thế nào để giúp đỡ đồng nghiệp trong tổ nâng cao trình độ chuyên môn góp phần cùng nhà trường xây dựng một tập thể sư phạm đoàn kết vững mạnh.
Để trả lời cho những câu hỏi trên, cô đã cố gắng nỗ lực hết mình, quyết tâm học tập và nghiên cứu những đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng môi trường học tập cho trẻ; Thiết kế các đồ dùng học tập hiện đại có hiệu quả giáo dục cao.
Cô đã tham gia và hoàn thành các khóa học: “Ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori”, “Thắp sáng tình yêu Montessori”, “Mang nghệ thuật gấp giấy Hàn Quốc đến với trẻ em Việt Nam”. Đồng thời dự giờ các mô hình giáo dục tiên tiến tại một số trường điểm trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cô đã phối hợp với BGH và những giáo viên cốt cán trong trường thành lập “Nhóm các nhà giáo cùng nhau phát triển“ để nghiên cứu, triển khai cải tạo môi trường ngoài lớp học, nâng cao chuyên môn và trực tiếp giảng dạy cho giáo viên toàn trường chuyên đề về “Ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori, cách làm một số giáo cụ Montessori". Từ đó, giáo viên có thể ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori vào các hoạt động giáo dục trẻ hàng ngày tại lớp của mình.
Cô giáo Lê Thu Hằng cho biết: Giáo cụ Montessori rất đắt đỏ, để một trường mầm non ngoại thành như chúng tôi có thể đầu tư các đồ dùng học tập hiện đại quả là rất khó. Chính vì thế tôi đã mày mò tìm kiếm các nguyên vật liệu dễ kiếm, dễ tìm, rẻ tiền để thiết kế các đồ dùng học tập giúp trẻ được tiếp cận với phương pháp và đồ dùng hiện đại. Sau khi thử nghiệm thành công tôi đã nhân rộng ra 20 lớp trong toàn trường…
Yêu nghề, mến trẻ, với mong muốn trẻ được hoạt động một cách tích cực, thoải mái nhất, cô giáo Lê Thu Hằng cũng đã lên ý tưởng cải tạo môi trường, làm những con vật bằng lốp xe ô tô bỏ, vẽ hệ thống các trò chơi dân gian và trò chơi học tập ở sân trường.
Được sự ủng hộ của BGH và tập thể sư phạm, Trường Mầm non Phù Lỗ đã tạo được những con vật bằng lốp xe, hệ thống các trò chơi dân gian trên từng ngõ ngách ở sân trường tạo điều kiện và cơ hội cho trẻ có thể vui chơi trong những giờ hoạt động ngoài trời và những giờ đón trả trẻ. Theo cô Hằng, chính những điều giản dị đó đã mang đến niềm vui và hạnh phúc cho trẻ khi đến trường.
17 năm miệt mài cống hiến, cô giáo Lê Thu Hằng đã được Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội chứng nhận là “Nhà giáo tiêu biểu Thủ đô”; Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”; Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn tặng Giấy khen “Công đoàn viên tiêu biểu xuất sắc”; nhiều năm đạt giải Nhất hội thi GVDG cấp huyện; có nhiều SKKN xếp loại cấp TP…