*Cấp Mầm non: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ
Với nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp MN theo hướng tạo môi trường thiên nhiên xanh, đạt chuẩn hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN; xây dựng đội ngũ CBQL, GVMN đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện công bằng trong GDMN, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhằm phát triển toàn diện và hình thành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, chuẩn bị tốt cho trẻ học phổ thông, năm học 2018-2019, cấp học MN đề ra 9 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình năm học.
Trưởng phòng GDMN Hoàng Thanh Hương cho biết: Cùng với toàn ngành, cấp học MN sẽ tập trung phát triển quy mô mạng lưới cơ sở GDMN, tăng tỷ lệ huy động trẻ. Củng cố nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm... Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất, tinh thần cho trẻ, ngành chỉ đạo các cơ sở GDMN xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; hiệu trưởng nhà trường, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc mất an toàn cho trẻ… Cùng với đó, các nhà trường quan tâm đổi mới cách đánh giá sự phát triển của trẻ; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL, GV. Giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức nhà giáo tới 100% CBQL, GV, NV, chú trọng phong cách, đồng phục làm việc, biển tên theo vị trí việc làm; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường Chuẩn quốc gia theo hướng tạo môi trường thiên nhiên xanh, tăng số phòng chức năng hoạt động chuyên biệt; Nghiên cứu áp dụng mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới vào GDMN…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng: Năm học 2018-2019, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã cùng các trường mầm non cần tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường mầm non, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp; phát triển quy mô đảm bảo nhu cầu đa dạng của trẻ. Cùng với đó, làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi mở rộng hệ thống trường tư thục… Các địa phương tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia; thực hiện gom điểm lẻ, cải tạo cơ sở vật chất các trường, trong đó chú trọng khai thác, duy tu, bảo quản. Quan tâm đến công tác cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, đặc biệt là huyện Chương Mỹ, Quốc Oai cần tăng cường công tác vệ sinh để đảm bảo an toàn đón học sinh tới trường.
Các nhà trường cũng cần chú trọng nâng cao hoạt động chăm sóc trẻ, đảm bảo môi trường sư phạm, môi trường văn hóa học đường; Xây dựng kế hoạch chăm sóc trẻ cụ thể cho cả năm học; Quan tâm bồi dưỡng, năng lực quản lý của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các đơn vị; Các phòng giáo dục, các nhà trường, tập trung triển khai tốt chương trình Sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học; Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin những việc đã làm được cho xã hội, cha mẹ học sinh được biết…
|
*Cấp tiểu học: Đa dạng hóa các loại hình trường học
Trên cơ sở thực tiễn địa phương, xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo, năm học 2018-2019, cấp tiểu học sẽ tập trung vào thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng quản lý các cơ sở giáo dục, thực hiện nghiêm túc phương châm “Bám sát cơ sở, kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”. 100% các phòng GD&ĐT, các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phấn đấu 75-80% trường đạt CQG. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của cấp học đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đội ngũ nâng cao cân đối giữa các vùng miền. Đa dạng hóa các loại hình trường học phục vụ đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo vươn tới chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, cấp tiểu học sẽ chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đẩy mạnh đào tạo trình độ trên chuẩn: 100% đối với cán bộ quản lý và 95% đối với giáo viên. Đánh giá chuẩn nghề nghiệp cán bộ quản lý: Xuất sắc 85%, khá 15%. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Xuất sắc 75%, khá 20%. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hàng năm. Tham mưu với các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, đổi mới cơ chế chính sách, chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến: Trước tình trạng sĩ số học sinh ở một số trường trong các khu chung cư mới lên tới 60 học sinh/lớp, các phòng GD&ĐT cần căn cứ vào số lượng để điều chỉnh phân bố chỉ tiêu tránh trường hợp trong cùng khu vực, trường thì có sĩ số học sinh đông quá, trường lại ít quá. Việc phân tuyến khu vực tuyển sinh phải được tuyên truyền tốt để phụ huynh học sinh hiểu. Khi sĩ số học sinh trên lớp tăng cao, các trường cố gắng tận dụng cơ sở vật chất để chia lớp, làm sao giảm sĩ số xuống đến mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT tích cực tham mưu với lãnh đạo địa phương để có quỹ đất xây trường.
Liên quan đến cơ sở vật chất, các nhà trường phải rà soát lại mọi chỗ, mọi nơi trong trường đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh. Nhà vệ sinh không chỉ đủ mà phải đảm bảo sạch sẽ. Về công tác tuyển dụng giáo viên, phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và quy định của UBND các quận, huyện, thị xã, có thẩm định, dự giờ, đánh giá chuyên môn chọn ra người xứng đáng nhất để tránh bị khiếu kiện. Từ năm học này, Hà Nội sẽ triển khai chương trình Sữa học đường dành cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, sau khi UBND TP ban hành kế hoạch cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn đến các nhà trường để tập huấn, triển khai thực hiện. |
* Cấp THCS: Kết hợp hợp lý giữa hình thức thi tự luận với trắc nghiệm khách quan
Năm học 2018 – 2019, một trong những điểm mới của cấp THCS là thí điểm chương trình tú tài phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc – chứng chỉ A level của Cambridge tại 7 trường: quận Cầu Giấy (THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân), quận Tây Hồ (THCS Chu Văn An), quận Thanh Xuân (THCS Thanh Xuân), quận Hoàn Kiếm (THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Trưng Vương), THCS chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp THCS là thực hiện tốt các phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực, chuẩn bị tốt việc đổi mới thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020, đồng thời đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Cấp THCS cũng triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025.
Tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và giảng dạy Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội, giảng dạy đại trà bộ tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho học sinh lớp 6, đồng thời hoàn thành việc biên soạn và thí điểm tài liệu này ở các khối lớp 7,8,9.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể của cấp THCS trong năm học mới là đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đó, kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức thi tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn.
Về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phòng GD&ĐT cần chỉ đạo các trường THCS chủ động rà soát, bố trí sắp xếp đội ngũ để đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên môn học, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Thể dục, nhân viên phụ trách thư viện, thiết bị dạy học. Tuyệt đối không để tình trạng dạy chéo môn và thiếu giáo viên.
* Cấp THPT: Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh
Năm học 2018 – 2019, cấp THPT tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên "nghiên cứu khoa học"; nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, hội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ tham mưu cho chính quyền các cấp ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT vì đây là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn là Phú Xuyên và Ba Vì. Rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng so với quy định cho các trường thuộc các quận nội thành.
Năm học 2018 – 2019, Hà Nội khuyến khích triển khai thí điểm dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như Toán và các môn khoa học) bằng ngoại ngữ tại các trường THPT chuyên và các trường có đủ điều kiện. Đồng thời, tiếp tục rà soát đánh giá năng lực giáo viên ngoại ngữ (môn Tiếng Anh), tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn Khoa học tự nhiên.
Đối với nhiệm vụ đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, cấp THPT chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Trước mắt, trong học kỳ 1 năm học 2018 – 2019, các trường THPT cần thực hiện hiệu quả công tác tự kiểm tra, đánh giá. Tất cả các đơn vị tổ chức kiểm định chất lượng. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đặc biệt là các trường THPT ngoài công lập.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang: Với cấp THCS, các trường cần lưu ý đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT, lớp 6 năm học 2019 – 2020. Cụ thể, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, có 3 phương án đang được đưa ra lấy ý kiến gồm: Phương án một là tổ chức thi 4 bài độc lập, trong đó có 3 bài thi cố định (Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ), 1 bài độc lập thứ 4 là một trong các môn (Vật lý, Hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, GDCD) được bắt thăm vào cuối tháng 3. Theo phương án này, học sinh sẽ làm 4 bài thi độc lập, không có phần cộng điểm xét tuyển THCS; Phương án 2 là giữ nguyên phương thức thi tuyển sinh như những năm học trước (Kết hợp thi tuyển với xét tuyển); Phương án 3 là tổ chức thi 3 bài (trong đó 2 bài cố định độc lập (Toán, ngữ văn), bài thi tổ hợp (tổ hợp 1, tổ hợp 2) trong mỗi tổ hợp đều có môn tự nhiên và xã hội. Về tuyển sinh lớp 6, năm học tới, sẽ có những đơn vị không thể xét tuyển mà cần tính đến thi tuyển theo hướng năng lực học sinh. Đơn vị nào hướng đến thi tuyển cần chuẩn bị ngân hàng đề.
Cấp THCS cần giữ vững kết quả phổ cập THCS. Các quận, huyện quan tâm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, lưu ý đến việc công nhận lại; xây dựng nhà vệ sinh trường học để đảm bảo sức khỏe học sinh; nâng cao kỷ cương hiệu quả hành chính; quản trị của nhà trường cần hướng tới sự chuyên nghiệp; các trường quan tâm giáo dục kỹ năng sống, nếp sống thanh lịch văn minh, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh.
Đối với cấp THPT, năm học mới sẽ thay đổi kiểm tra thanh tra, không chỉ thanh tra hành chính, công vụ mà còn đẩy mạnh công tác thanh tra sư phạm. Đồng thời tăng cường tự thanh tra, tự quản trị cơ quan. Về công tác quản lý của các trường THPT công lập, các trường cần nghiêm túc chấp hành các nghị định, thông tư quy định về giáo dục.
Các trường THPT cần nâng cao phẩm chất đạo đức và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cụ thể là chú trọng đến việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên và nâng cao kỹ năng quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý. |
*Ngành học Giáo dục thường xuyên- chuyên nghiệp: Đa dạng hóa các chương trình, nội dung đào tạo
Năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục thường xuyên- chuyên nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động. Trong đó, các Trung tâm GDNN-GDTX chú trọng đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, giáo dục khởi nghiệp đáp ứng mọi đối tượng người học; mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh sau THCS, nâng cao chất lượng dạy nghề nghiệp phổ thông cho học sinh THCS, THPT… Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập, các trung tâm chủ động phối hợp UBND cấp xã, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan trên địa bàn tổ chức điều tra, khảo sát, mở các lớp dạy văn hóa cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, người lao động trong khu công nghiệp, chế xuất; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, phổ biến kiến thức khoa học, pháp luật cho cán bộ công chức, học sinh, sinh viên và người lao động…
Tiếp tục thực hiện kế hoạch “Xóa mù chữ đến năm 2020 Thành phố Hà Nội”, các trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với phòng GD&ĐT, Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng dạy học cũng như công tác xóa mù chữ…
Đối với Trung tâm ngoại ngữ, tin học và các Trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng, trung tâm bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học…, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường rà soát, thanh kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục trên địa bàn nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong tổ chức hoạt động, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ, đảm bảo quyền lợi cho người học…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại: Trong năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục Thường xuyên- chuyên nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình để thu hút học viên và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Trong đó, các trung tâm GDTX-GDNN cần tổ chức lại hoạt động theo 3 hướng: dạy chương trình phổ thông; hướng nghiệp dạy nghề; dạy văn hóa và chuyên đề bồi dưỡng cho cán bộ công chức… Để đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT, các đơn vị cũng cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV-NV, đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, quan tâm đến công tác dạy nghề xã hội để đáp ứng nhu cầu học tập của mọi thành phần người học.
Các trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với Phòng GD&ĐT chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hoạt động trong tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời tại địa phương; triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6; đổi mới chuyên đề tại Trung tâm học tập cộng đồng giúp người học có thể áp dụng tri thức, kỹ năng vào cuộc sống, đồng thời tư vấn được cho cha mẹ học sinh những kiến thức về định hướng giáo dục nghề nghiệp (học văn hóa kết hợp với học nghề tại địa phương, tinh thần giáo dục khởi nghiệp…) |