Nỗi đau bạo lực học đường
Nói về bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là vấn đề gây bức xúc. "Bạo lực học đường là có thật và có xu hướng gia tăng. Số sinh viên, học sinh có hành vi bạo lực, có hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống chỉ là bộ phận nhỏ nhưng chính nó làm cho xu hướng đạo đức lối sống của một bộ phận có nguy cơ không kiểm soát được", Bộ trưởng nhận định.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những phân tích về sự gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng của bạo lực học đường. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Có bốn nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường. Trước hết là học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày; sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, luôn muốn khẳng định mình cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế. Về phía nhà trường, nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh. Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực... Về phía gia đình, một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng con em theo một con đường tốt đẹp. Cùng với đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng Internet, phim ảnh, game online…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mặc dù nguyên nhân tình trạng BLHĐ có từ nhiều phía chứ không chỉ ngành Giáo dục, "nhưng trước hết, với trách nhiệm là Bộ trưởng GD&ĐT, tôi nhận trách nhiệm đầu tiên là phải giáo dưỡng ngay từ nhỏ với môn học đạo đức, giáo dục công dân", Bộ trưởng nhận trách nhiệm. Bộ trưởng cũng cho biết, gần đây, khi đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT là phải có kiến thức toàn diện nên Bộ đã quyết định đưa vào môn Giáo dục công dân, kỳ vọng môn học này sẽ góp phần giảm bạo lực học đường. Bởi khi đã là một môn thi, chắc chắn học sinh sẽ không còn chểnh mảng môn học này nữa.
Trao đổi về phát biểu này của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu ý kiến, giáo dục của chúng ta định hướng “Tiên học lễ, hậu học văn”, tuy nhiên, vừa qua nhiều trường hợp thầy cô chửi mắng học trò, học sinh đánh nhau... Bộ trưởng nói cần đưa Giáo dục công dân vào, vậy những môn học khác sẽ ra sao? nếu không sẽ học lệch, học tủ. Cần phải có biện pháp nào đó để chấn hưng đạo đức học đường chứ không chỉ là việc đưa môn Giáo dục công dân vào khi đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Nói rõ vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đạo đức, lối sống là vấn đề cấp bách hiện nay. Nổi cộm, “nóng” là bạo lực học đường. Tới đây, tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Sách giáo khoa, giáo viên chỉ là một, còn rất nhiều hoạt động bên ngoài cần triển khai để giáo dục cho các em”.
Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục, tuyên truyền, quản lý và tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Chỉ đạo triển khai đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học đạo đức theo Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đưa môn Giáo dục công dân thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục giá trị sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường; xây dựng và thực hiện bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…
Sinh viên thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội
Theo công bố của Bản tin thị trường lao động quý 2/2016, cả nước có 1.088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong số những người bị thất nghiệp có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật; các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên là 191.300 người.
Trước câu hỏi của ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm gây lãng phí. Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp thời gian tới thế nào?, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc sinh viên ra trường không có việc làm có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, vấn đề này xuất phát từ các yếu tố trong và ngoài trường học.
Theo nhận định của Bộ trưởng, chương trình học hiện nay ở các trường ĐH-CĐ khiến sinh viên ra trường thiếu kỹ năng trải nghiệm thực tế. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh nội dung bám sát thực tế hơn. Cụ thể là tham vấn ý kiến nhà tuyển dụng để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu lao động. Cùng với đó, Bộ sẽ bố trí chương trình giảng dạy tương thích, tránh hiện tượng làm qua loa; tập trung xây dựng chương trình hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề: Mặc dù hiện có hơn 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, nhưng ở các địa phương vẫn có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông rất trăn trở với vấn đề này. “Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay cả ĐH Harvard cũng vậy, vì cần thời gian để tiếp cận thực tiễn, phải đào tạo bổ sung thì mới thích ứng được với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng trong nhà trường hết sức quan trọng để sinh viên ra trường không phải mất thời gian đào tạo lại. Nếu phải đào tạo lại thì rất lãng phí, rất nguy hiểm bởi họ đã được đào tạo những thứ không có ích”. Bộ trưởng nhận định.
“Hiện nay chúng ta có khoảng 300 nghìn sinh viên học ĐH ra trường mỗi năm. Theo thống kê của các trường ĐH, khoảng 80% sinh viên có việc làm, như vậy mỗi năm thất nghiệp 60 nghìn sinh viên, trong 5 năm có khoảng 300 nghìn sinh viên thất nghiệp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin. Theo Bộ trưởng, thực tế số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thường rơi vào các trường top trên, còn lại phần lớn không có việc làm là ở các trường có chất lượng đào tạo yếu, các trường mới thành lập.
“Tới đây chúng tôi sẽ làm mạnh về điều chỉnh mạng lưới các trường ĐH, áp dụng chuẩn để trường nào mới mở yếu kém thì hỗ trợ theo hướng hoặc cho trở thành trường thành viên của trường ĐH lớn hoặc cho thành phân viện. Chúng tôi đặt vấn đề quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các trường ĐH nên tập trung ở T.Ư và cùng lắm là vùng miền chứ không ở địa phương vì quy mô nhỏ, lượng phân tán, chất lượng không đảm bảo”, Bộ trưởng nêu giải pháp.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với các doanh nghiệp để đào tạo lại bổ sung, ví dụ như ngành sư phạm, số sinh viên ra trường khoảng 70 nghìn sinh viên, căn cứ vào nhu cầu, Bộ sẽ tạo điều kiện đào tạo bổ sung và cố gắng sử dụng số giáo viên hiện có, tạo điều kiện cho người học có việc làm đúng với nghề của họ.
“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, tới đây không chỉ siết chặt đầu vào mà siết chặt cả đầu ra, và quan trọng là yếu tố đảm bảo chất lượng quá trình đào tạo. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các trường phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp để căn cứ vào đó tìm ra hướng đi. Tới đây, trường nào không báo cáo hoặc báo cáo không đúng số sinh viên tốt nghiệp, chúng tôi sẽ có biện pháp", Bộ trưởng khẳng định.
*GS.TSKH Phạm Minh Hạc, Chủ tịch danh dự Hội KHTL-GD Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Học sinh sử dụng bạo lực là do không được giáo dục đầy đủ, không đủ sức phân biệt được hành vi của mình dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, đó là: một số học sinh thiếu vắng sự yêu thương của gia đình; áp lực học tập do người lớn áp đặt; thường xuyên bị bạo lực gia đình; thích chứng tỏ bản thân; hùa theo bạn bè tham gia đánh nhau; bị kích động bởi hoàn cảnh do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
* GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHTL-GD Việt Nam: Gia đình vẫn phải là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi quản lý và giáo dục theo mô hình “gia đình - nhà trường - xã hội”. Bởi, gia đình là nơi các em gắn bó nhiều hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. Về giáo dục, ngành GD&ĐT cần trang bị cho mỗi trường trung học một phòng tư vấn tâm lý học sinh, để kịp thời nắm bắt, hóa giải, phân tích, chia sẻ, giúp đỡ các em khi gặp mâu thuẫn. Từ đó giúp các em giảm bớt bức xúc, bình tĩnh để ứng xử có văn hóa, gần gũi với bạn bè, thầy cô.
*Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp: Việc nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ít đang là thực trạng của thị trường lao động. Trước thực trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, cần phải có sự kết hợp của các bộ ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Đặc biệt, phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hoá giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện nay các trường vẫn chưa tự chủ được vấn đề này mà tuyển sinh theo quy mô về số lượng giảng viên, diện tích trường học, đủ tiền trang trải bộ máy…