Chất lượng giáo viên là yếu tố "gốc"
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, cho dù trong điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi hoặc khó khăn, thì yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ ấy không chỉ cần có chuyên môn, kỹ năng sư phạm MN, mà còn phải là những người có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp.
Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cùng quan điểm này, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, quan tâm đến chất lượng giáo viên chính là yếu tố "gốc" để tạo nên hiệu quả nuôi dưỡng trẻ MN. Sự phát triển ngày càng tăng của mạng lưới trường lớp MN sẽ thu hút nhiều sinh viên theo học sư phạm MN. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần tăng cường quản lý chỉ đạo đối với các trường sư phạm trong đổi mới phương thức, nội dung đào tạo để sinh viên sư phạm khi ra trường không chỉ chuẩn nghề nghiệp, mà còn có kỹ năng nghiệp vụ thành thạo và có tâm với nghề. Ngoài ra, việc cho mở các loại hình liên kết đào tạo cũng cần được xem xét chặt chẽ hơn, không nên để tràn lan bởi sư phạm MN là một ngành đặc thù.
Theo điều lệ trường MN, trình độ của giáo viên MN được quy định là trung cấp sư phạm. Tại Hà Nội, 100% số giáo viên MN đều đạt yêu cầu này, trong đó có 56% số giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu xã hội và yêu cầu nhiệm vụ giáo dục MN - ngành học luôn nhận được sự quan tâm của người dân ở Thủ đô, đây vẫn là một tỷ lệ cần tiếp tục hoàn thiện. Mục tiêu này đã được thể hiện rõ tại Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với tỷ lệ có từ 80% giáo viên MN có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vào năm 2020.
Gần đây nhất, ngày 17-6 vừa qua, trong văn bản nhắc nhở các phòng GD-ĐT về tăng cường quản lý các cơ sở MN tư thục, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị đặc biệt lưu ý quán triệt tới toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên và các chủ trường, chủ nhóm lớp về ý thức trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tình thương đối với trẻ. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội từ nay tới cuối năm nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở MN tư thục.
Chung tay lo hậu kiểm
Nhằm tăng cường quản lý đối với loại hình này, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 11-11-2013 về tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập, với nhiệm vụ cơ bản được xác định là: "Chú trọng hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại".
Trưởng phòng Giáo dục MN, bà Hoàng Thanh Hương đánh giá: Những năm gần đây, việc quản lý nhóm lớp MN tư thục trên địa bàn thành phố được tăng cường, ý thức tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, ngành với chủ các nhóm lớp có chiều hướng tiến bộ hơn. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để các cơ sở MN tư thục phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm tải và tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho hệ thống trường công lập, đồng thời tạo thêm cơ hội cho nhiều trẻ MN được chăm sóc, nuôi dưỡng ở môi trường tốt. Trong khi cơ sở vật chất của các trường MN công lập hiện nay chỉ đủ đáp ứng nhu cầu đón trẻ từ 3 đến dưới 6 tuổi, số lượng trẻ dưới 3 tuổi được đón nhận ở trường công lập không nhiều, thì việc siết chặt hoạt động của hệ thống MN ngoài công lập càng thực sự là yêu cầu cấp thiết. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của các nhóm lớp MN tư thục ngay tại từng địa bàn dân cư, không để các cơ sở này hoạt động tự phát, thiếu sự kiểm soát thường xuyên của cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, sự phối hợp của các lực lượng xã hội và cộng đồng dân cư trong việc kiểm soát dài hơi đối với các cơ sở MN tư thục là một giải pháp hữu hiệu. Kết quả triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội là một dẫn chứng, đã được Bộ GD-ĐT ghi nhận, phổ biến tại nhiều địa phương. Đây là huyện có các khu công nghiệp phát triển, thu hút gần 60 nghìn công nhân lao động và sinh sống. Bà Đinh Thị Hương, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Anh cho biết, toàn huyện có 62 cơ sở MN ngoài công lập. Riêng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có gần 1.800 trẻ được gửi đi học MN, 70% trong số này được gửi tại các cơ sở tư thục. Huyện đã xây dựng quy chế phối hợp giữa phòng GD-ĐT với UBND các xã, thị trấn và các lực lượng tại địa phương về quản lý các nhóm lớp MN tư thục trên địa bàn với 8 nội dung, trong đó xác định rõ nguyên tắc, phương thức phối hợp, trách nhiệm cụ thể của từng lực lượng, lộ trình triển khai, chế độ khen thưởng, kỷ luật...
Theo nhận định của bà Hoàng Thanh Hương, việc quản lý các nhóm lớp MN tư thục hiện nay thực sự không dễ dàng, bởi các nhóm lớp thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, hoạt động mang tính thời vụ. Nếu chủ nhóm lớp không tự giác tuân thủ quy định hiện hành, không báo cáo trước khi hoạt động thì cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát kịp thời. Thực tế ấy đòi hỏi chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như hội phụ nữ, cựu chiến binh, tổ dân phố... phải thực sự phát huy tinh thần với vai trò là lực lượng "chân rết" trong tuyên truyền, kịp thời phát hiện và kiểm soát được tình hình hoạt động của những nhóm lớp tư thục tại địa bàn.
Đây không phải là việc mới. Theo quy chế hoạt động của trường nhóm lớp MN tư thục do Bộ GD-ĐT ban hành thì trách nhiệm quản lý nhóm lớp tư thục được phân cấp cho UBND cấp xã. Rõ ràng, những quy định trên đã chưa được thực hiện chu đáo ở nhiều nơi.