Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng quản lý
Tính đến tháng 9 năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 682 trung tâm giáo dục – đào tạo (hệ ngắn hạn) được cấp phép hoạt động với 6 loại hình: Trung tâm ngoại ngữ, tin học; Trung tâm giáo dục/đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng giáo dục đại diện nước ngoài; Trung tâm đào tạo bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn; Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng.
Kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trung tâm đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành GD&ĐT Thủ đô về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Một số trung tâm ngoại ngữ, tin học cung cấp các khóa học luyện thi lấy chứng chỉ tin học, chứng chỉ về năng lực ngôn ngữ cho học sinh du học có tỷ lệ học viên thi lấy chứng chỉ quốc tế (tiếng Anh, Nhật, Hàn…) đạt cao- trên 90% sau mỗi khóa học. Các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cũng đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp sau đào tạo của người học.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ Sở GD&ĐT trong các hoạt động chuyên môn (đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, tập huấn giáo viên ...); đóng góp nhiều ý kiến về chính sách, pháp luật trong quá trình điều chỉnh Luật giáo dục và các quy định trong lĩnh vực GD&ĐT...
Nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Có thể thấy sự phát triển của các TT trên địa bàn Thành phố thời gian qua là điều đáng mừng, song cũng đặt ra cho các cấp quản lý những khó khăn, thách thức nhất định bởi số lượng các trung tâm lớn, địa bàn hoạt động trải rộng trên 30 quận, huyện, thị xã, loại hình hoạt động đa dạng đòi hỏi người quản lý phải am hiểu nhiều quy định như Luật đầu tư, Luật lao động, Luật doanh nghiệp, Luật xuất, nhập cảnh, Luật thuế, Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ v.v... Thêm vào đó, những yếu tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường đang tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các trung tâm dẫn đến cạnh tranh ngày càng gay gắt, xuất hiện những cạnh tranh không lành mạnh, có một số trung tâm hoạt động không ổn định phải thay đổi lĩnh vực kinh doanh, thay đổi chủ sở hữu...
Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GDTX-CN Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Thị Diệp Hồng cho biết: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của các trung tâm, Sở GD&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý, phối hợp giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động đối với các TT. Theo đó, năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và triển khai kiểm tra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành của Thành phố kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Bộ GD&ĐT kịp thời thông tin, giải đáp thắc mắc, bức xúc của công dân.
Trên cơ sở phối hợp kiểm tra cùng các cơ quan liên ngành, Sở GD&ĐT nắm bắt được tình hình hoạt động của cơ sở để hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định của nhà nước, đồng thời phát hiện những sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện việc công khai hàng tháng danh sách các TT đã đăng ký hoạt động trên cổng thông tin điện tử của Ngành để người dân và xã hội giám sát, trong thời gian tới sẽ triển khai phần mềm công nghệ quản lý các TT.
Đối thoại, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính cũng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý mà ngành GD&ĐT Hà Nội hết sức quan tâm. Bên cạnh việc đảm bảo giải quyết đúng thời hạn quy định đối với các TTHC; hướng dẫn, tạo điều kiện để các TT đăng ký hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, năm 2018, Sở GD&ĐT đã xây dựng và nâng cấp toàn bộ 8 TTHC giải quyết việc cấp giấy chứng nhận hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm trên địa bàn Thành phố. TTHC mới áp dụng đối với các trung tâm có vốn ĐTNN, thời gian giải quyết thực hiện trong 15 ngày (giảm 5 ngày so với thời gian quy định).
Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2018 của Tp. Hà Nội, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại với các TT về việc giải quyết TTHC nhằm trực tiếp lắng nghe những ý kiến đánh giá, nhận xét, phản hồi của các TT đối với các TTHC trong lĩnh vực GD&ĐT.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề chính như TTHC trong việc cấp giấy phép hoạt động; vấn đề tuyển dụng nhân sự, nhất là tuyển dụng giáo viên là người nước ngoài; kiến nghị việc thi đua khen thưởng đối với các TT có hoạt động hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và công khai danh sách các trung tâm còn sai phạm trong quá trình hoạt động; quy định việc thẩm định chương trình giảng dạy của các TT…
Chia sẻ về vấn đề giải quyết TTHC trong việc cấp giấy phép hoạt động của các trung tâm cũng như các vấn đề về tuyển dụng nhân sự, luật sư Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế Tổ chức giáo dục và đào tạo Apollo Vietnam đồng thời là người đồng hành cùng Ban soạn thảo thông tư số 21 của Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018 (thay thế Thông tư số 03 ngày 28/01/2011 của Bộ GD&ĐT) cho biết: Các quy định trước đây như nghị định 73/2012 quy định trung tâm ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp 3 giấy phép mới được hoạt động, các giấy phép này có sự trùng lặp về yêu cầu, do đó tạo nên nhiều bất cập và khó khăn cho doanh nghiệp khi bắt đầu thành lập trung tâm. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ cũng chưa phù hợp nhu cầu thực tế, yêu cầu quá cao so với điều kiện của một giáo viên dạy ngoại ngữ hay Giám đốc trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, bất cập này đã được Bộ GD&ĐT khắc phục bằng các quy định mới trong thông tư 21, trong đó quy định về điều kiện giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ chỉ cần có bằng cao đẳng và chứng chỉ dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài. Giám đốc trung tâm ngoại ngữ có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ. Những thay đổi này sẽ đem lại sự phát triển cho toàn xã hội trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, thúc đẩy xã hội hóa đào tạo ngoại ngữ.
Với những quy định mới về điều kiện hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành quy trình và có hướng dẫn cụ thể về TTHC trong việc nộp hồ sơ xin cấp phép theo quy định trong thông tư mới, điều này thực sự giúp cho việc đề nghị cấp phép thành lập TT ngoại ngữ tin học, kỹ năng sống được thuận lợi và nhanh chóng.
Xoay quanh vấn đề cần có chế tài biện pháp quản lý đối với các trung tâm hoạt động không phép, bà Nguyễn Thị Diệp Hồng cho biết: Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm đã được Sở đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Căn cứ danh sách các TT có giấy phép hoạt động được cập nhật hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử của Ngành, UBND, Ban kiểm tra liên ngành, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp giám sát, kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của các TT trên địa bàn. Đối với các trung tâm có treo biển, có học sinh học nhưng chưa được cấp phép, đề nghị ban kiểm tra liên ngành rà soát, báo cáo với Sở để yêu cầu các đơn vị thực hiện hoàn thiện hồ sơ theo quy định, còn nếu không tuân thủ sẽ kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định: Trong những năm vừa qua việc quản lý các TT bồi dưỡng ngoại ngữ tin học, kỹ năng sống và các TT bồi dưỡng ngắn hạn ngày càng đi vào nền nếp. Cho đến nay hệ thống các TT phát triển rất lớn mạnh, nhiều trung tâm phát triển tương đương với các trung tâm có yếu tố nước ngoài. Đây chính là bước tiến vượt bậc của chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Về các TTHC, năm 2018, Sở GD&ĐT đã khẩn trương ra rất nhiều văn bản, trong quá trình giải quyết TTHC Sở luôn vận dụng văn bản nào có lợi nhất cho các nhà đầu tư và giải quyết các TTHC cho các trung tâm một cách nhanh nhất.
Sở GD&ĐT đã yêu cầu bộ phận một cửa niêm yết danh sách tất cả các TTHC mà UBND TP phân cấp cho Sở GD&ĐT giải quyết theo quy định, thời gian tới, các trung tâm xây dựng đề án phải làm đúng theo các TTHC, Giám đốc TT phải đọc kỹ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ trước khi đề nghị Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận hoạt động; thực hiện đúng quy định, quy trình giải quyết TTHC của Sở GD&ĐT. Các TT cần phải kiểm soát chặt chẽ chương trình học, giáo viên đứng lớp phải có nghiệp vụ sư phạm, có chuyên môn và đủ giấy phép hành nghề. Đối với các TT hoạt động không phép, Ban kiểm tra liên ngành, kiểm tra các TT trên địa bàn, báo cáo với Sở những TT không có giấy phép, bên cạnh đó các TT khác cũng có trách nhiệm báo cáo với Sở những TT hoạt động không phép để Sở kịp thời xử lý. Năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiến hành công khai các đơn vị có vi phạm để nhân dân, xã hội được biết đồng thời cũng sẽ trình Thành phố việc khen thưởng các TT hoạt động tích cực, có hiệu quả. Sở cũng khuyến khích các TT thành lập các câu lạc bộ để hỗ trợ cùng nhau phát triển.