Bộ ba “Nhu cầu – Năng lực – Cơ hội” trong xã hội học tập
Xã hội học tập chỉ hình thành và phát triển khi người quản lý thúc đẩy được mọi người dân có nhu cầu học tập, có khát vọng học tập. Nhu cầu này gắn liền với việc quản lý hỗ trợ cho nhân dân nâng cao năng lực tiếp nhận sự học tập và mở rộng cơ hội học tập cho nhân dân.
Quản lý phải làm sao cho bộ ba “Nhu cầu – Năng lực – Cơ hội” gắn bó chặt chẽ với nhau. Không tạo ra nhu cầu đích thực thì dù có ra sức nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội đến đâu cũng không thể thực hiện được mục tiêu về xã hội học tập. Song khi đã tạo ra nhu cầu, người dân có tha thiết học mà người quản lý không giúp người dân có năng lực để “học được” và cơ hội “được học” thì cũng không thể hình thành xã hội học tập.
Mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức nhân loại
Nhu cầu càng lớn thì năng lực và cơ hội càng phải được nâng cao, mở rộng và ngược lại càng nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội học tập thì càng phải thúc đẩy nhu cầu. Để cho ba nhân tố này rời rạc với nhau thì không thể nói đến xã hội học tập. Xã hội học tập hội tụ và làm phát triển ba nguồn vốn: vốn con người, vốn tổ chức, vốn xã hội, nó là nhân tố đưa quốc gia tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững.
Hiện nay có quan niệm xã hội phải tiến tới “Kinh tế tri thức”, đạt “Kinh tế tri thức” mới có thể xây dựng xã hội học tập. Không ai phủ nhận tầm quan trọng của kinh tế tri thức tạo ra nhu cầu rộng lớn và điều kiện thuận lợi về học tập để có một xã hội học tập đích thực và bền vững. Tuy nhiên, cứ phải chờ có “Kinh tế tri thức” mới xây dựng được xã hội học tập thì những nước nghèo, những nước chậm phát triển và đang phát triển sẽ mất bao nhiêu năm mới đi tới xã hội học tập.
Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng
Thực tế của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và suốt năm 1946 đã chứng minh một điều khác hẳn. Khi bắt đầu xây dựng chính quyền cách mạng (2/9/1945), 95% nhân dân còn mù chữ, nạn đói đã làm kiệt quệ nền kinh tế; giặc ngoại xâm với những kẻ thù hung bạo xảo quyệt nhất can thiệp vào nước ta.
Bác Hồ - người chèo lái con thuyền cách mạng trong lúc đất nước còn nguy nan đã chấn hưng dân khí, khai sáng cho dân tộc ý chí quyết tâm đẩy lùi cái dốt của bản thân, cái dốt của cộng đồng, của đất nước. Bác đã lãnh đạo, tạo cho toàn dân có nhu cầu trở thành một dân tộc thông thái, làm cho mọi người giác ngộ “Dân cường nước thịnh”, “Dân mạnh nước giàu” và trên cơ sở này Người tổ chức cho chính quyền cách mạng dù còn trong trứng nước có các phương án quản lý hiệu quả nâng cao năng lực học tập của mọi người và mở rộng cơ hội học tập cho mọi người.
Ngày 2/9/1945 tiếp theo bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc trước quốc dân đồng bào, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước thế giới, Chính phủ đã nêu ra chương trình, nội dung chính của chính sách phát triển đất nước, mục tiêu của giáo dục trong chương trình này đã được khẳng định: “Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cấp bách. Trong thời hạn rất ngắn sẽ thi hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết mà ngay trong hoàn cảnh eo hẹp này chúng ta phải kiên quyết tiến hành”.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nêu nhiệm vụ giáo dục- chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới với lời khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 7).
Trong tháng 9 năm 1945, Người có bức thư tâm huyết gửi học sinh các lứa tuổi với lời kêu gọi tha thiết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 35).
Tháng 10/1945, Người ra lời kêu gọi chống nạn thất học như một mệnh lệnh hội tụ toàn dân tộc đưa đất nước vào công cuộc đại nghĩa mở ra kỷ nguyên mới của đất nước. Người viết: “Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp cho những tá điền, những người làm của mình.
Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới để xứng đáng mình là một phần tử trong nước có quyền bầu cử và ứng cử.
Công việc này mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 40, 41)
Dưới sự lãnh đạo của Bác chỉ có 4 tháng cuối năm 1945, hệ thống giáo dục quốc dân với các thiết chế: Nha bình dân học vụ, Nha giáo dục phổ thông, Hội đồng cố vấn học chính đã hình thành. Trong hoàn cảnh lúc đó hệ thống này đã tạo ra những cơ hội cho nhân dân xóa được nạn thất học, hé mở những cánh cửa cho nhân dân phát triển sự tiến hóa.
Bước sang năm 1946, dù còn biết bao sự bộn bề của các vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự của đất nước, Hồ Chí Minh vẫn dành cho sự nghiệp giáo dục sự chăm lo tỉ mỉ chu đáo.
Kiên trì quốc sách của một đất nước dưới chính thể mới là làm cho ba lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, quốc phòng phải luôn luôn gắn bó với nhau, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho chính quyền mới coi giáo dục là then chốt của sự kết hợp này.
Hồ Chí Minh nói lên ước nguyện của Người cũng là mục tiêu của chế độ mới: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người thẳng thắn nói với công bộc của chính quyền mới: “Chúng ta tranh được tự do độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do của độc lập khi mà dân ăn no mặc đủ…
Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 175).
Chỉ trong năm 1946, Hồ Chí Minh đã viết hàng chục bài báo, thực hiện hàng chục lần tiếp xúc với nhân dân để khích lệ mọi người ham học, ham dạy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi lĩnh vực giáo dục bình dân là tiêu điểm cho sự phát triển hệ thống giáo dục quốc dân (ngày nay chính là giáo dục cộng đồng). Người nói với anh chị em giáo viên bình dân học vụ: “Anh chị em yêu quý! Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho đồng bào cả nước ai cũng có ăn, có mặc, có học. Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là: 1. Tăng gia sản xuất; 2. Chống nạn mù chữ… Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “Vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em.
Tôi mong rằng trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang, đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 556).
Ngày 24/11/1946 (trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 gần một tháng), Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam xây dựng nền văn hóa mới sửa đổi được: “Tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai ai cũng có lý tưởng tự chủ độc lập”. Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà văn hóa chú ý đến việc học tập của nhi đồng, giáo dục cho nhân dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Những sự kiện của Bác Hồ với ngành giáo dục thời kỳ đầu chính quyền cách mạng tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1947 càng chứng tỏ vai trò của công tác quản lý khi nắm chắc ba khâu cơ bản: Thúc đẩy nhu cầu – Nâng cao năng lực – Mở rộng cơ hội của người dân trong lĩnh vực giáo dục và biết gắn bó ba khâu này vào với nhau thì đó là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển xã hội học tập dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả lúc khó khăn.