Lưu ý những đổi mới
Theo phương án mới, thay bằng việc thực hiện các môn thi, thí sinh (TS) sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội.
TS có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng TS giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn: Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí). TS có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Học sinh ôn thi và học bình thường
Về đề thi, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Còn tất cả các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. TS làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 120 câu hỏi trắc nghiệm; Toán có 50 câu; Ngoại ngữ có 50 câu.
Về thời gian, các bài thi Toán: 90 phút, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội: 150 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút. Theo Bộ, năm 2017 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).
Về lịch thi, thay bằng thi kéo dài trong 4 ngày, năm 2017 sẽ tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước. Cụ thể như sau: Ngày thứ nhất: Buổi sáng: thi Ngữ văn và Ngoại ngữ; Buổi chiều: thi Toán. Ngày thứ hai: Buổi sáng: thi Khoa học tự nhiên; Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.
Quyền lợi học sinh cao hơn khi xét tuyển ĐH-CĐ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga khi nói về những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo Thứ trưởng, Bộ đã tiến hành kì thi THPT quốc gia từ ba năm nay, mỗi năm đổi mới một bước, mỗi lần đổi mới đều theo hướng làm cho các em học ngày càng nhẹ nhàng hơn và quyền lợi các em cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ.
Trước các ý kiến băn khoăn về việc Bộ sẽ tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trắc nghiệm khách quan không chỉ yêu cầu thí sinh đánh dấu vào ô đúng hay ô sai mà có rất nhiều cách thể hiện khác nhau. Ví dụ đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ có thể kiểm tra được nhiều kỹ năng của thí sinh chứ không phải chỉ kiểm tra mỗi kỹ năng đọc hiểu. Vì vậy, các chuyên gia ra đề thi trắc nghiệm môn toán cũng sẽ có những loại câu hỏi khác nhau để kiểm tra được khả năng suy luận, tư duy logic, tính sáng tạo của thí sinh. Thực tế, từ năm 2012, Bộ đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thực hiện thí điểm đổi mới công tác tuyển sinh. Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đã thực hiện theo phương thức trắc nghiệm khách quan. Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn thực hiện đề tài nghiên cứu so sánh giữa kết quả thi theo hình thức trắc nghiệm có mức câu hỏi tối thiểu với hình thức thi tự luận truyền thống thì kết quả phân loại thí sinh cũng tương đương.
Về việc các bài thi tổng hợp khiến học sinh lo lắng vì sợ không chuẩn bị kịp trong một năm học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, các em không có gì phải lo lắng cả vì đây là bài thi tổ hợp chứ không phải tích hợp như nhiều người nghĩ. Ví dụ bài thi Khoa học tự nhiên sẽ có 40 câu Hóa, 40 câu Sinh, 40 câu Lý. Tức là mỗi môn thi được tách riêng biệt trong một bài thi để các em làm, như bài thi khoa học tự nhiên thì có ba môn Lý, Hóa và Sinh tách biệt nhau chứ không phải kiến thức môn Lý chồng lên môn Hóa nên các em cứ học để thi bình thường, không có gì thay đổi cả. Nghĩa là, các em đã học tập trung theo khối A như trước đây thì các em cứ học bình thường, còn khi các trường ĐH làm tổ hợp môn để xét tuyển thì có thể dùng cả bài thi đó hoặc dùng một trong các phần theo môn thi trong bài thi đó để xét tuyển...
Lý giải về việc liệu có gấp gáp trong việc chuẩn bị ngân hàng đề thi, Thứ trưởng Ga cho biết, đề thi năm 2017 sẽ được chọn lựa, bổ sung từ ngân hàng 17.000 câu hỏi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nếu đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội thi với mục đích tuyển sinh thì đề thi năm 2017 thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Từ thời điểm này đến gần kỳ thi năm 2017, Ban ra đề tiếp tục bổ sung vào ngân hàng đề thi này. Thực tế Bộ GD&ĐT đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cách đánh giá đề thi Đánh giá năng lực trong 3 năm nay, được kiểm nghiệm thực tế và dư luận đánh giá cao. Những em thi tốt kỳ thi Đánh giá năng lực đều làm tốt đề thi THPT Quốc gia. Vì vậy, việc nhân rộng, đại trà cách thi này hoàn toàn có cơ sở.
Đề thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 cấp THPT. Kiến thức, kỹ năng để thi không có gì khác biệt so với năm 2016, vì vậy không có gì khó khăn với các thí sinh, kể cả thí sinh vùng khó khăn.
Thứ trưởng Ga chia sẻ, học sinh theo Ban Tự nhiên hoặc Ban Xã hội không cần lo lắng nhiều, bởi khi xét tuyển, các trường vẫn dùng tổ hợp môn thi, khối thi phù hợp. Nội dung môn thi được cấu trúc lại với mục đích giảm căng thẳng cho thí sinh, đồng thời rút ngắn cả kỳ thi. Những năm trước đây, kỳ thi thường kéo dài 4 ngày với 8 môn thì theo quy định mới chỉ còn 2 ngày, công tác tổ chức thi cũng nhẹ nhàng hơn. Mỗi bài thi tổ hợp đều được chấm điểm cấu phần khác nhau. Ví dụ, đề thi tổ hợp có ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng sẽ chấm điểm riêng cho từng phần. Các trường tuyển sinh sẽ sử dụng điểm của riêng từng môn hoặc điểm tổng hợp. Hơn nữa, các bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội phải được gọi là “bài thi tổ hợp” chứ không phải “tích hợp” hay “tổng hợp”. Tổ hợp là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thi thành chung một bài thi, nhằm giảm lượng thời gian và ngày thi, tránh gây áp lực lên thí sinh và phụ huynh. Thí sinh yên tâm học và ôn tập cho tốt.