Toàn cảnh buổi làm việc
Nội dung của buổi làm việc liên quan đến công tác quy hoạch mạng lưới trường học; tăng cường cơ sở vật chất; xây dựng trường Chuẩn quốc gia; phát triển trường Chất lượng cao; đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục, đào tạo; dạy ngoại ngữ trong trường học; ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Hà Nội và giáo dục an toàn giao thông trong trường học; công tác xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng quan tâm đến một số việc khác như: Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) lần thứ 15, Chương trình song bằng…
Toàn thành phố hiện có gần 2.700 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó có 2.155 trường công lập. So với 5 năm trước, số lượng trường học tăng thêm 237 trường. Tổng số học sinh các cấp học là hơn 1,8 triệu, tăng gần 400 nghìn học sinh so với 5 năm trước. Số lượng giáo viên của các cấp học hiện nay là 108 nghìn người, tăng gần 23 nghìn người so với 5 năm trước. Năm 2017, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tập trung giải quyết việc thiếu trường, lớp học ở khu vực các quận nội đô, địa bàn có mật độ dân số tập trung cao, triển khai xây dựng 33 trường học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân trên địa bàn thành phố. Cũng trong năm 2017, Hà Nội có thêm 130 trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia, đạt 162% kế hoạch thành phố giao. Tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn thành phố hiện đạt 52%.
Năm 2017, số học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia của Hà Nội đạt 98,49%, dẫn đầu cả nước về số bài thi đạt điểm 10 với 621 bài, trong đó có gần 85% số học sinh xét tuyển vào đại học đạt từ điểm sàn trở lên. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng của mình tại các kỳ thi với 146 giải cấp quốc gia, 138 giải và huy chương cấp quốc tế.
Ngành GD&ĐT Hà Nội luôn coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên. Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên mầm non đạt 54%, tiểu học đạt 94%, THCS đạt 76%, THPT đạt 21%. Hà Nội đã tổ chức tốt công tác bồi dưỡng cho giáo viên, 80% số giáo viên được đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh theo khung chuẩn chung Châu Âu, 45% số giáo viên được bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy.
Năm 2018, ngoài việc tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, ngành GD&ĐT Hà Nội chú trọng triển khai có hiệu quả, sáng tạo và đổi mới 6 nội dung, trong đó tiếp tục tập trung vào việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2030; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở khu vực ngoại thành, vùng khó khăn; tham mưu với thành phố xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, khu di dân tái định cư nhằm bảo đảm cho học sinh có đủ chỗ học; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa, hiện đại hoá trường, lớp học. Ngoài ra, ngành GD&ĐT Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh thông qua việc tiếp tục triển khai bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh”; xây dựng kế hoạch triển khai đại trà bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông thành phố Hà Nội”; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các chương trình quốc tế trong các trường phổ thông…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Từ ngày 26 đến hết ngày 30/3, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức cuộc thi HOMC lần thứ 15. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức ở quy mô quốc tế. Đến nay đã có 9 nước đăng ký tham dự, trong đó có 2 nước (Hungary và Ghana) đăng ký làm quan sát viên. 7 nước tham gia thi, trong đó có nhiều nước mạnh về Toán học.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Giám đốc Chử Xuân Dũng đề nghị UBND Thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục để xây dựng trường học theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt. Cho phép xây cao tầng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS khu vực nội thành, vùng khó khăn không thể mở rộng quỹ đất xây dựng trường. Hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện còn khó khăn đảm bảo thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mong muốn dự án chống xuống cấp 40 trường học sớm được triển khai để đảm bảo an toàn cho học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
PCT UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của Hà Nội là xây dựng bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp học. UBND thành phố giao Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát kỹ mạng lưới trường, lớp học hiện nay, chỉ rõ địa điểm còn thiếu trường, thiếu ở mức nào, từ đó đề xuất UBND thành phố giải pháp tháo gỡ; thống kê và đề xuất giải pháp cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới cho các trường học xuống cấp, phòng học tạm, học nhờ, phòng học cấp 4 xuống cấp để bảo đảm an toàn cho học sinh. Sở GD&ĐT cũng cần đánh giá cụ thể về những thuận lợi, khó khăn và đề xuất biện pháp trong việc xây dựng trường chất lượng cao; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Về đào tạo đội ngũ giáo viên, UBND thành phố giao Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát thực trạng cụ thể của đội ngũ giáo viên hiện nay, đối chiếu với các yêu cầu, quy định của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa để có kế hoạch chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng 2 nội dung để chuẩn bị trình HĐND thành phố vào kỳ họp giữa năm nay: Về quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội năm học 2018-2019; cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện Đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn Hà Nội.