Mở lớp tạo nguồn học sinh dân tộc cho trường chuyên
Năm 1991 tái lập tỉnh Hòa Bình, trường THPT Hoàng Văn Thụ trở thành trường Chuyên của tỉnh Hòa Bình. Đầu năm học 1992-1993, ông Nguyễn Nhiêu Cốc lúc đó là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình gọi tôi lên hỏi về tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số trong trường. Lúc này tôi mới nhận ra là tỷ lệ đó rất thấp. Đồng chí Bí thư yêu cầu tôi phải tìm cách tăng tỷ lệ đó lên.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, tôi trăn trở nhiều ngày đêm chưa tìm ra biện pháp. Nếu hạ điểm chuẩn để tuyển học sinh dân tộc thì chất lượng đào tạo của nhà trường sẽ khó bảo đảm. Cộng điểm ưu tiên cho các em chưa phải là giải pháp tốt. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi thấy Bộ GD&ĐT có trường Dự bị đại học dân tộc Việt Trì, tại sao tỉnh không mở lớp Dự bị học sinh dân tộc cho trường chuyên. Thế là tôi làm đề án xin mở lớp Năng khiếu tạo nguồn học sinh dân tộc cho trường chuyên Hoàng Văn Thụ. Đề án được tỉnh chấp nhận và cho tuyển sinh ngay năm đó.
Theo đề án, hàng năm nhà trường được tuyển sinh hai lớp 9, một lớp năng khiếu xã hội, một lớp năng khiếu tự nhiên là các em học sinh dân tộc ít người từ các xã, huyện trong tỉnh về ăn ở nội trú học tập tại trường. Các em được học chương trình cấp hai như các trường cấp hai khác, ngoài ra các em được ôn tập, bồi dưỡng thêm kiến thức các bộ môn phù hợp với năng khiếu của các em. Thời gian các em được bồi dưỡng thêm là các buổi chiều và hai tháng hè năm cuối cấp trước khi dự thi tuyển sinh vào trường chuyên. Như vậy các em được tuyển vào trường hoàn toàn bằng chính năng lực của mình chứ không phải là sự chiếu cố hay hạ điểm chuẩn. Điều này vô cùng quan trọng. Chất lượng trường chuyên được giữ vững, tỷ lệ học sinh dân tộc trong trường chuyên tăng lên, hàng năm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh dự thi các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và đạt giải có thêm nhiều em là học sinh dân tộc.
Niềm vui được nhân lên. Niềm tự hào về sự đóng góp của nhà trường cho địa phương được tăng lên. Rất nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt ở các địa phương trong tỉnh sau này là những học sinh của lớp Năng khiếu ngày ấy. Cả cuộc đời dạy học của tôi gần như gắn bó chặt chẽ với các em học sinh và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, niềm vui nhỏ nhoi ấy cứ theo tôi suốt cuộc đời.
Sau khi mở hai lớp Năng khiếu lớp 9 tạo nguồn cho học sinh dân tộc ít người vào các hệ chuyên, tỷ lệ học sinh dân tộc trong trường có tăng lên, song so với yêu cầu còn rất xa. Qua tiếp xúc gần gũi các em hàng ngày, tôi nhận ra các em còn có khả năng về các môn thể thao rất tốt. Ngay năm sau, tôi lập Đề án xin lãnh đạo tỉnh mở các lớp Năng khiếu thể dục thể thao. Các lớp này tuyển sinh từ lớp 10 cho phù hợp. Thế là chỉ sau hai năm, chúng tôi có thêm hơn hai trăm học sinh dân tộc theo học tại trường, tỷ lệ học sinh dân tộc trong trường chuyên đã tăng lên rõ rệt. Điều vô cùng phấn khởi là các em học sinh dân tộc được quản lý trong trường, có điều kiện học tập tốt, hầu hết các em đã trưởng thành. Hàng năm trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có thêm nhiều em học sinh dân tộc đạt giải. Đội tuyển đi dự thi Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc của tỉnh hàng năm hầu hết là học sinh ở lớp Năng khiếu TDTT. Các em đã mang về cho tỉnh nhiều Huy chương của các bộ môn. Với kết quả đó, nhà trường được các đồng chí lãnh đạo và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đánh giá cao, rất hoan nghênh và ngày càng tin tưởng hơn. 100% học sinh dân tộc sau những năm học tập tại trường đều thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay đang giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, đoàn thể, các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mỗi nhà giáo là sự thành đạt của các em học sinh. Phần thưởng lớn nhất của mỗi nhà giáo là sự tin yêu trân trọng của nhân dân. Sau này mỗi dịp đi công tác ở các địa phương trong tỉnh, tôi có dịp gặp lại những gương mặt học sinh thân yêu, gặp lại nhiều bậc phụ huynh học sinh ngày đó, tôi thấy thật tự hào về các em, tự hào về những tình cảm sâu sắc, chân thành của các bậc phụ huynh dành cho nhà trường.
Có thể những việc làm, những thành tích đào tạo của nhà trường chưa được như mong đợi, nhưng những em học sinh dân tộc được đào tạo từ nhà trường ngày ấy, hôm nay đã và đang góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày thêm giàu đẹp. Chính các em là minh chứng cho một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các em là những hạt giống tích cực của quê hương đất nước hôm nay.
Dám nhận thiếu sót trước học sinh
Những năm 80, đời sống xã hội lúc đó rất khó khăn, giáo viên chúng tôi phải vừa dạy học vừa làm đủ mọi việc để mưu sinh. Hôm đó, tôi đi lấy củi trên rừng về, người mệt nhoài nhưng ngày mai tôi phải trả một bài văn cho học sinh. Còn một tập bài chưa chấm. Tôi cố gắng ngồi vào bàn làm việc chấm cho nhanh xong tập bài còn lại. Sau khi đã chấm được vài bài bỗng tôi thấy một bài làm chữ viết nguệch ngoạc không đọc nổi. Đang mệt lại gặp phải bài làm thế này tôi bực lắm. Tôi nhìn lên góc trái, tên học sinh Hoàng Văn H... Em học sinh học kém của lớp, chữ xấu, diễn đạt rất kém. Không cần suy nghĩ cũng như đọc kỹ bài, tôi gạch ba nét to tướng vào bài của học sinh và cho một điểm.
Hôm sau trả bài cho các em, tôi không thấy em nào có ý kiến gì. Mọi việc tưởng như ổn. Đến tối, em H đến nhà tôi. Em cầm theo bài văn tôi trả hồi sáng. Em dụt dè trình bày ý kiến của mình. Em nói là đây là bài văn em làm với tất cả sự nỗ lực của mình, em đang hết sức cố gắng để có những tiến bộ trong học văn. Em đã đọc đi đọc lại bài của mình, vẫn thấy mình có những ý theo đúng yêu cầu của dàn bài thầy chữa. Em tha thiết mong thầy xem lại bài cho em. Nhìn thái độ của em, tôi nhớ lại lúc mình chấm bài này, có lẽ tại chữ xấu, tôi không đọc kỹ bài, cho điểm theo định kiến.
Tôi bình tĩnh đọc lại bài văn của H, chữ xấu nhưng em đã diễn đạt được những ý cần có của bài. Về nội dung em hoàn toàn xứng đáng điểm 5. Tôi chữa lại điểm cho em đồng thời xin lỗi em vì sơ suất hôm trước. Tôi không quên nhắc em cố gắng rèn chữ viết cho đẹp và dễ đọc, có như thế người đọc mới hiểu được nội dung mình trình bày. Em vui mừng lắm, cảm ơn tôi và hứa sẽ tập viết cho chữ đẹp hơn.
Hôm sau trước tập thể lớp tôi công bố lý do chữa lại điểm bài văn cho H. Tôi nhận lỗi về mình. Sự chân thành và thái độ cầu thị của tôi làm cho không khí lớp học rất vui vẻ, hào hứng. Từ đấy, kết quả môn văn của H khá dần lên. Sau này tôi mới biết em đã tự mua hàng trăm cuốn vở tập viết của lớp vỡ lòng về tự tập viết theo nét chữ trong vở nên chữ của em mới được như hôm nay. Gặp lại H khi em đang là sinh viên năm cuối của Học viện an ninh. H hào hứng nói: “em rất thích ngành công an, quyết tâm thi vào ngành, mà yêu cầu phải thi ba môn Toán, Văn, Lý. Không có thầy sửa chữ cho em thì làm sao em có thể đỗ vào Đại học an ninh được. Giờ chữ của em khá lắm rồi thầy ạ”.
Tôi cứ nghĩ mãi về chuyện của em H. Nếu như hôm đó tôi không có thái độ nhận lỗi của mình, cứ bảo thủ đổ lỗi cho học sinh thì không biết kết quả bây giờ thế nào. Làm người thầy phải đúng, phải mẫu mực. Nhưng khi mình có sai sót thì phải mạnh dạn nhận lỗi, kể cả phải nhận lỗi trước học sinh. Tinh thần và thái độ nhận lỗi của mình trước học sinh có khi còn làm tăng uy tín của người thầy trước các em. Còn về hiệu quả giáo dục có thể sẽ hơn rất nhiều nếu mình dũng cảm dám nhận lỗi và biết nhận lỗi./.
NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn