Mỗi cá nhân trở thành bộ lọc thông tin
*PV: Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên MXH, tác động không nhỏ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô và đất nước. Xã hội bắt đầu nhìn nhận tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
-Ông Nguyễn Minh Khánh: Mạng xã hội hiện nay thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia tương tác, trong đó phần lớn là những người trẻ tuổi. Với lứa tuổi thanh thiếu niên, tâm sinh lý chưa ổn định, kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống chưa nhiều thì việc tiếp xúc với những thông tin xấu, độc trở nên rất nguy hiểm. Họ vô tình trở thành người phát tán thông tin xấu, bởi không kiểm chứng được thông tin nên việc đánh giá thông tin thiếu chuẩn xác dẫn đến các hành vi chia sẻ, phát tán những thông tin xấu, độc mà họ đọc được từ trên mạng cho bạn bè, người thân và những quan hệ trên mạng khác.
Trong thời gian qua, tình trạng chỉ từ một bức ảnh, một đoạn video clip không rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng mà nhiều người đồng loạt ném đá một cá nhân, tập thể… khiến nạn nhân không có khả năng giải thích, chống đỡ lại những luồng thông tin bịa đặt thậm chí xúc phạm họ trên MXH. Trong một số trường hợp khác, người sử dụng MXH lại là những nạn nhân khi bị tung clip, thông tin, hình ảnh riêng tư lên mạng. Một số học sinh khi bị tung clip cá nhân lên mạng, do không chịu được sức ép từ dư luận đã có những hành động thiếu suy nghĩ, thậm chí tự tử như báo chí đã nêu trong thời gian qua. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng một số thanh niên nghiện MXH, sẵn sàng thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ, thậm chí vi phạm pháp luật để quay clip, tung lên MXH câu like…
Thực tế việc sử dụng MXH hiện nay đặt ra yêu cầu phải xây dựng văn hóa ứng xử và giáo dục kỹ năng ứng xử trên MXH cho người tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Việc xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng phải xuất phát từ nhiều phía: Cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ và từ chính những người sử dụng. Những “vấn đề” của mỗi cá nhân trên cộng đồng mạng ảo phản ánh những tồn tại trong xã hội thật của chúng ta; bởi vậy, đã đến lúc không thể coi đây là việc riêng, đời sống riêng của mỗi cá nhân hay đơn thuần là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của từng người dân. Chung tay xây dựng văn hóa cộng đồng mạng, góp phần lành mạnh hóa môi trường này, bắt đầu từ việc bản thân mỗi chúng ta có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia MXH.
*Thưa ông, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Nghị quyết trong đó đề cập đến việc xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Nhận định của ông về vấn đề này?
- Ngày 24/11/2017, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 trong đó có nội dung: "Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam". Đây là hành lang pháp lý để thúc đẩy xây dựng các chính sách nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, ngăn chặn những phát ngôn hoặc thông tin sai lệch. Trong đó, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng Internet từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích. Đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, cán bộ công chức thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại. Cần thiết xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng, để cả nhà cung cấp nền tảng MXH và người sử dụng tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các quy chuẩn chung của cộng đồng trên không gian mạng.
Cần hiểu biết pháp luật khi sử dụng MXH
* Gần đây, cơ quan chức năng đã có hình thức xử lý những người đưa thông tin sai lệch, bịa đặt, xấu độc lên mạng xã hội. Theo ông, việc xử lý, xử phạt như vậy có tác động gì đến người sử dụng mạng xã hội?
- Bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, MXH cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận cung cấp những thông tin sai trái, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, bao gồm: Thông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như kích động bạo lực, dâm ô đồi trụy, bôi nhọ đời tư; phát tán thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm… Thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nâng cao ý thức của thế hệ trẻ khi tham gia mạng xã hội
Việc sử dụng MXH để cung cấp thông tin này là vi phạm pháp luật. Các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm pháp luật nói trên đã và đang được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe của pháp luật, đồng thời làm trong sạch thông tin trên môi trường mạng, giúp người sử dụng MXH gia tăng ý thức chấp hành, thực thi pháp luật, có trách nhiệm hơn với thông tin do mình đăng tải, chia sẻ, bày tỏ quan điểm trên MXH. Nhận thức được tính hai mặt của nội dung thông tin trên MXH giúp chúng ta có định hướng chính sách và giải pháp quản lý thông tin phù hợp, nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của thông tin sai trái, độc hại. Điều này cũng cho thấy, chúng ta cần hiểu biết pháp luật khi sử dụng MXH.
*Ngoài việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử, theo ông còn có biện pháp nào để góp phần làm lành mạnh môi trường mạng nói chung, từ đó hình thành thói quen, ý thức ứng xử văn hóa, văn minh khi sử dụng MXH.
- Ngày 05/01/2018, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng giai đoạn 2018-2020. Để triển khai có hiệu quả trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch số 722/KH-STTTT ngày 10/4/2018 triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng năm 2018.
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia môi trường mạng, hình thành thói quen, ứng xử văn hóa khi tham gia môi trường mạng cần có sự tham gia tích cực của các bên bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và quan trọng nhất là bản thân người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, cần tập trung đẩy mạnh, công tác thông tin tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng thông tin trên môi trường mạng. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp thông tin trên môi trường mạng, tạo môi trường thông tin lành mạnh, hạn chế các thông tin xấu, tiêu cực.
*Cụ thể trong môi trường học đường, theo ông cần giáo dục học sinh, sinh viên thế nào để góp phần xây dựng mạng xã hội văn minh?
- Việc giáo dục văn hóa ứng xử, nâng cao ý thức trách nhiệm cho học sinh sinh viên cần phải có sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và xã hội. Mỗi gia đình cần giáo dục, bảo vệ con em mình; mỗi nhà trường cần chủ động, tích cực tuyên truyền làm cho thế hệ trẻ thấy rõ tính hai mặt của MXH, tuyên truyền qui định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng khai thác, chia sẻ thông tin, tránh tình trạng vô tình chia sẻ, đăng tải hay bình luận, lan truyền các thông tin tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên MXH.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin đến xã hội. Đưa đến cho cộng đồng những thông tin chính xác, kịp thời, tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ khi tham gia sử dụng thông tin trên mạng.
*Thời gian qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc quyết liệt để hạn chế nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên MXH. Về phía người sử dụng, cần có cách ứng xử thế nào để khi phát hiện thấy những tài liệu xấu độc, những thông tin sai lệch trên MXH, thưa ông?
- Trước sự bùng nổ của thông tin MXH nói riêng, thông tin trên mạng nói chung, khi phát hiện thấy những tài liệu xấu độc, những thông tin sai lệch trên MXH, mỗi cá nhân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình thông qua việc: Có ý thức tự phân loại thông tin, ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu, độc; Khi tiếp cận với các bài viết, các thông tin, tài liệu thiếu chuẩn xác phải thể hiện rõ chính kiến phản bác của cá nhân, tránh tình trạng a dua; Khi đăng tải thông tin, bình luận, chia sẻ trên MXH thể hiện quan điểm cá nhân, cần phải có tư duy khách quan, tự suy xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng nếu đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin. Mỗi cá nhân cũng cần không tham gia chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, nội dung xấu, độc, gây phương hại đến uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Tăng cường chia sẻ, bình luận, nhân rộng các bài viết về gương người tốt, việc tốt, thông tin có tính tích cực nhằm cổ vũ, động viên đông đảo mọi người tham gia, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giang Nguyễn
(Thực hiện)
*Cô giáo Nguyễn Thị Xuân – Chủ tịch Công đoàn trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân:
Bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực khi ta sử dụng mạng không đúng cách. Việc lựa chọn hình ảnh, ngôn từ để sử dụng trên MXH cũng được coi là những ứng xử mà qua đó phần nào thể hiện được thái độ, tình cảm, tư cách của người dùng. Do đó, người sử dụng MXH phải đồng thời là người ứng xử có văn hóa. Hiện nay, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là học sinh có thể vào mạng dễ dàng, chính vì vậy trong các buổi sinh hoạt đầu tuần hay sinh hoạt lớp, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thường nhắc nhở hướng dẫn học sinh khi sử dụng MXH phải có ngôn ngữ đúng mực, không được dùng tiếng “lóng” đồng thời phối hợp với các bậc phụ huynh giáo dục các em văn hóa ứng xử, ý thức tôn trọng mọi người.
Học sinh cấp THCS là lứa tuổi có sự phát triển về nhân cách nhiều nhất, vì vậy các thầy cô giáo phải hiểu, nắm rõ tâm lý của học sinh, đặt mình vào vị trí của các em để đồng hành chia sẻ với học sinh. Thực sự quan tâm, yêu thương phân tích cho các em hiểu những việc nên hay không nên làm, định hướng cho các em biết cách khai thác, lựa chọn, sử dụng và ứng xử có văn hóa trong thời đại MXH mở như hiện nay.
*Đ/c Nguyễn Đức Tiến – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội:
Mạng xã hội hiện được xem như một kênh truyền thông hiệu quả khi ở đó thông tin lan truyền nhanh và có sự tương tác lớn từ cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích của mạng xã hội, trong giới trẻ đã xuất hiện những nhóm lập ra các diễn đàn để phát tán những thông tin, hình ảnh phản cảm, không đúng với thuần phong, mỹ tục của người Việt; phát tán tài liệu có nội dung xấu, trái pháp luật… Nhiều bạn đã ứng xử thiếu văn minh, chuẩn mực khi tham gia MXH.
Vì vậy, để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, ngoài phương pháp tuyên truyền truyền thống, chúng tôi sử dụng MXH giúp hoạt động tuyên truyền và việc tập hợp thanh niên ngày càng hiệu quả hơn. Chúng tôi xây dựng các clip ngắn, infographic (thông tin đồ họa), trailer (đoạn phim giới thiệu)… phục vụ việc đăng tải thông tin tuyên truyền về các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sự kiện của tổ chức Đoàn, hội, đội. Thành đoàn cũng yêu cầu mỗi cơ sở Đoàn thành lập một “Đội hình Camera 360 trẻ”, lập Fanpage Facebook, Group Facebook hoặc Facebook cá nhân để tham gia, kết nối, đăng tin, bài, hình ảnh phản ánh các vấn đề bức xúc thuộc các lĩnh vực: An toàn giao thông, vệ sinh môi trường, cách ứng xử nơi công cộng, kỷ cương hành chính… Qua đó, kịp thời góp ý, kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm và động viên, khuyến khích, lan tỏa những gương sáng, đoàn viên, thanh niên, cơ sở Đoàn tích cực... Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Báo cáo viên, tuyên truyền viên trẻ Thủ đô với nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố. Qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức trong thanh, thiếu niên có ý thức tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; xây dựng bản lĩnh, ứng xử văn minh trên MXH.
*Em Đặng Thúy Hằng- Học sinh lớp 11D1, trường THPT Yên Viên, huyện Gia Lâm:
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi với ngưởi sử dụng, nhất là với đối tượng giới trẻ hiện nay. Qua MXH, chúng em có thể tìm kiếm tài liệu để phục vụ cho việc học tập; giao lưu, kết bạn với bạn bè ở khắp mọi nơi; dễ dàng trao đổi thông tin với nhau, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình…
Tuy nhiên, thực tế có nhiều bạn đang lạm dụng MXH, lấy đây là nơi để khoe mẽ, nói xấu, đăng những thông tin lệch lạc có ý câu like gây phản cảm và tác động xấu đến những người xung quanh; thậm chí nhiều người lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, hãm hại nhau… Những ảnh hưởng tiêu cực này khiến nhiều bạn không xác định được phương hướng, cả trong việc học tập lẫn các hành vi, ứng xử trước các mối quan hệ xã hội, rơi vào sống ảo, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn tâm lý. Cách sử dụng MXH thiếu văn minh như trên cần được các nhà quản lý, các bậc cha mẹ và nhà trường chấn chỉnh, định hướng để chúng em tránh xa cái xấu, chỉ tiếp nhận những cái đem lại lợi ích thiết thực và phù hợp với lứa tuổi. Các thành viên trong lớp học, nhất là các bạn cán bộ lớp cũng cần chủ động chia sẻ, trao đổi với những bạn còn chưa có ý thức văn minh khi sử dụng MXH với những phát ngôn thiếu chuẩn mực, những thông tin sai lệch để cùng nhau tránh những lời nói, hành vi không đúng qui định của pháp luật, không đúng với đạo đức xã hội và văn hóa học đường…
Nhóm PV (Ghi)