Học thông qua trải nghiệm thực làm –chìa khóa để giải quyết các
vấn đề phức tạp
*Xin ông cho biết đánh giá của mình về chương trình giáo dục STEM? Giáo dục STEM có vai trò như thế nào trong việc tăng cường năng lực để chúng ta tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
- Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục học thông qua trải nghiệm thực làm, là một cách tích hợp liên môn của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giáo dục STEM không phải là một môn học cũng không phải là một phương pháp giáo dục đơn lẻ mà là một phương thức giáo dục. Mấu chốt của giáo dục STEM có ba điểm quan trọng: thứ nhất là học thông qua trải nghiệm thực làm, thứ hai là tích hợp liên môn và thứ ba là phục vụ mục tiêu trực tiếp của cuộc sống xung quanh.
Trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và bây giờ là Trung Quốc, Hàn Quốc cùng một số nước mới nổi đang rất quyết tâm để cạnh tranh giữ vững vị thế quốc gia hoặc là vươn lên. Trong cuộc cạnh tranh như vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã bắt đầu và theo dự báo khoảng 15 đến 20 năm nữa trên thế giới sẽ có hơn 7 tỷ người máy sống chung với loài người. Chính vì vậy, các nước có nhiều chiến lược phát triển để phục vụ mục tiêu kinh tế, xã hội của họ mà chiến lược dài hơi là phải đầu tư cho giáo dục, trong đó giáo dục STEM là một trụ cột quan trọng. Học thông qua thực làm theo cách tiếp cận của giáo dục STEM sẽ giúp cho việc học được nhanh, hiệu quả. Các kinh nghiệm, kiến thức, năng lực học sinh tích lũy được mang tính cá thể hóa rất cao theo cách trải nghiệm của mỗi người với việc thực làm. Xã hội của loài người ngày càng phức tạp do có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, người máy, siêu máy tính làm cho việc cạnh tranh của các quốc gia đang diễn ra quyết liệt, vì vậy việc giải quyết các vấn đề phức tạp trở thành một kỹ năng quan trọng.
Giáo viên tham gia tập huấn giáo dục STEM
Thông thường, để giải quyết vấn đề, người ta cần rèn luyện kỹ năng chia vấn đề lớn thành các vấn đề nhỏ và đó là một mục tiêu của giáo dục, nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người ta lại cần thêm kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Học thông qua trải nghiệm thực làm sẽ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề phức tạp. Đặc biệt là việc học về công nghệ thông tin, lập trình cho rô bốt, khoa học máy tính, internet vạn vật, tiếp xúc với trí tuệ nhân tạo sẽ giúp học sinh có thêm năng lực dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề phức tạp của cuộc sống. Ví dụ, có thể sử dụng CNTT, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo để giúp con người xác định mình thực sự muốn gì. Nhờ việc kết nối internet và năng lực sản xuất mang tính cá thể hóa nên người ta có thể tìm cách đáp ứng các yêu cầu của con người mang tính cá thể hóa. Và nhờ có cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà con người có thể ngồi từ xa và dùng rô bốt để sản xuất ra sản phẩm mình thích hoặc do người khác thiết kế theo ý muốn của mình.
Giáo dục STEM ở nhiều nước thường có lý do chung, đó là từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, có internet, thanh niên và học sinh ngại học khoa học, ngại học công nghệ, kỹ thuật và toán. Một số nhà chính trị, doanh nghiệp, khoa học thấy rằng các quốc gia đang có nguy cơ mất đi nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), mà người ta còn gọi là nhân lực STEM. Tăng nhân lực STEM là một mục tiêu giáo dục quan trọng của nhiều nước, trong đó giáo dục STEM là một trong những giải pháp, đóng vai trò kích thích nhằm lôi kéo thêm nhiều thanh thiếu niên đi theo con đường khoa học để giữ được vị thế quốc gia. Có thể thấy môi trường làm việc trong các ngành nghề của STEM không có vẻ sinh động như các ngành nghề khác nhưng nhìn chung nghề STEM được trả lương rất cao.
Ở Việt Nam mới chỉ có một số ít người bắt đầu biết đến giáo dục STEM. Giáo dục của nước ta từ trước đến nay còn nặng về dạy theo kiểu hàn lâm và học để thi, vì vậy phương thức học thông qua thực làm của giáo dục STEM còn xa lạ. Học thông qua thực làm khác học đi đôi với hành. Học đi đôi với hành là học lý thuyết gắn với trải nghiệm bằng thực hành nhưng học thông qua thực làm là phải tiến hành làm kể cả khi gặp những thứ chưa từng biết, trong quá trình đó người học tự cập nhật thêm các kiến thức, tăng cường năng lực tự học. Hiện nay, việc giáo dục tinh thần yêu lao động cho học sinh trong các nhà trường còn bị xem nhẹ và chúng ta cần phải tìm cách khắc phục, mang lao động quay trở lại với nhà trường để học sinh có thói quen lao động. Học sinh của chúng ta đang rất thiếu kỹ năng lao động nên cần phải rèn luyện cho các em từ bé đã có kỹ năng sử dụng được công nghệ để giải quyết các công việc phức tạp. Học thông qua thực làm theo cách tích hợp liên môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học là cách rèn luyện các kỹ năng và thói quen lao động rất quan trọng với học sinh Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng, đó chính là lý do tại sao chúng ta phải đưa giáo dục STEM vào các trường phổ thông ở Việt Nam.
*Là người nhiều năm tham gia giáo dục STEM, ông nhận thấy việc triển khai dạy học theo hướng tiếp cận này ở Hà Nội được thực hiện như thế nào?
- Sau 5 năm, từ chỗ mới tiếp cận giáo dục STEM đến nay, trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) đã có hơn 800 học sinh tham gia CLB STEM của trường và 40 giáo viên đang tiếp cận dạy học theo phương thức giáo dục STEM. Nhiều trường khác trong TP cũng rất tích cực triển khai giáo dục STEM như trường Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), 3 năm qua đã đưa giáo dục STEM vào thời khóa biểu chính thức của khối THCS, mỗi tuần một tiết. Ngoài ra, còn có trường Liên cấp Olympia, THCS Thành Công, THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình), THCS Nguyễn Trãi, THCS Lê Lợi (quận Hà Đông)... Cần kể thêm là mấy năm gần đây, học sinh các trường THCS của Hà Nội (Trưng Vương, Giảng Võ, Mạc Đĩnh Chi, Tạ Quang Bửu, Thành Công) vẫn giao lưu thông qua internet với học sinh CLB STEM của các trường trung học Hoa Kỳ bằng việc cùng làm các dự án STEM bằng vật liệu tái chế.
Sau một thời gian triển khai, tôi nhận thấy ở những trường có CLB STEM, nhiều học sinh và giáo viên rất hứng thú, đam mê khoa học và đọc sách. Từ việc học thông qua thực làm ở các CLB STEM, học sinh đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
*Hà Nội có thể triển khai giáo dục STEM trong tất cả các trường phổ thông được không, thưa ông?
- Triển khai giáo dục STEM đồng loạt là thách thức cho cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt giáo dục STEM. Hà Nội là thành phố đông dân. Xét về thành tích giáo dục, trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia chưa có địa phương nào vượt Hà Nội. Hiện nay, một số quận của Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng đều có điểm sáng về giáo dục STEM. Vì Hà Nội là trung tâm nên hàng năm đều tổ chức thường xuyên Ngày hội STEM. Ngoài ra, một số trường cũng đã từng tổ chức các Ngày hội STEM với quy mô khác nhau, đó chính là những thuận lợi. Hiện nay Hà Nội có 15 trường đã tập huấn cho 100% giáo viên tiếp cận được kiến thức cơ bản về STEM.
Việc phát triển giáo dục STEM phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo, nơi nào lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo nhà trường chú ý thì giáo dục STEM đến được khá nhanh.
*Để Hà Nội có thể triển khai hiệu quả giáo dục STEM trên diện rộng, ông có khuyến nghị gì?
- Hà Nội rất cần có một chiến lược giáo dục STEM thật cụ thể và bài bản. Tôi nghĩ, TP nên có nghị quyết về giáo dục STEM. Các quận, huyện của Hà Nội có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Sau khi 30 người gồm có các lãnh đạo của UBND, Phòng giáo dục và các trường lớn của huyện Thanh Chương được học cơ bản về giáo dục STEM, huyện Thanh Chương đã có kế hoạch triển khai giáo dục STEM ở tất cả các trường từ tiểu học đến THPT. Huyện Thanh Chương đã tập huấn giáo dục STEM cho gần 400 giáo viên (tức là 20% tổng số giáo viên của toàn huyện) để làm nòng cốt và sau đó sẽ tự nhân rộng trong năm học 2017-2018.
Muốn triển khai được giáo dục STEM trên diện rộng chúng ta cần làm rõ vấn đề là đa số lãnh đạo các cấp chính quyền và ngành GD đều có kiến thức phổ thông tốt với đầy đủ các môn, ngoại trừ khái niệm giáo dục STEM. Họ thường không thể lập kế hoạch phát triển giáo dục STEM nếu không được đào tạo. Theo tôi, BGH các trường, Trưởng phòng GD&ĐT và lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã, cần phải được đào tạo một cách nghiêm túc để họ có đủ kiến thức cơ bản của giáo dục STEM, từ đó thay đổi nhận thức và lập kế hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, để triển khai giáo dục STEM, các trường phải đặt ra các mục tiêu cụ thể và lập kế hoạch thực hiện. Mục tiêu đầu tiên là phải tập huấn kiến thức cơ bản về giáo dục STEM cho 100% giáo viên của toàn trường, sau đó là tập huấn cách tiếp cận giáo dục STEM chuyên sâu hơn cho các giáo viên các môn tự nhiên, sau nữa là bắt đầu xây dựng CLB STEM.
Để mở đường cho giáo dục STEM vào các trường thì việc triển khai và nâng cao văn hóa đọc phải được thực hiện trước một bước bởi tinh thần khai trí được thể hiện từ việc ham đọc, ham tìm tòi khám phá, vì vậy nếu không triển khai được văn hóa đọc thì sẽ không thực hiện được giáo dục STEM.
*Từng là thành viên trong Ban tổ chức một số cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT, ông đánh giá thế nào về cuộc thi này?
- Có thể nói Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là sự kiện lớn nhất của giáo dục STEM ở Việt Nam. Hệ thống cuộc thi từ cấp trường, cấp cụm, cấp thành phố đến cấp quốc gia và quốc tế. Cuộc thi đã góp phần khuyến khích các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh tham gia vào việc thực làm các dự án, mặc dù có nhiều người không biết đó chính là giáo dục STEM. Năm 2012 cả nước mới có gần 50 đề tài ở cấp tỉnh thành phố thì đến năm 2017 có 5000 đề tài ở cấp tỉnh thành phố tham gia dự thi. Với các cuộc thi đông người như vậy thì sẽ có rất nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta phải học tập các nước để nâng cao chất lượng, biến đổi lượng thành chất. Trong các cuộc thi ở cấp tỉnh, thành phố, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu giám khảo, thiếu sách, thiếu nhà khoa học, thiếu cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu… Trước đầy rẫy những khó khăn như thế, sự dũng cảm vươn lên của các thầy cô giáo là một việc đáng ghi nhận. Hà Nội luôn đi đầu trong việc tạo ra môi trường cho học sinh sáng tạo cũng là nỗ lực lớn của ngành GD&ĐT.
Thông thường sau mỗi cuộc thi như vậy chúng ta phải có những thay đổi. Hàng năm, Ban tổ chức đều tiến hành rút kinh nghiệm, tập huấn giám khảo các cấp, các thầy cô tham gia hướng dẫn học sinh làm thế nào để học sinh có cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi, với trình độ không bị quá tải trong khi tham gia nghiên cứu các đề tài. Tuy nhiên, ở các cuộc thi này cũng còn bộc lộ một số bất cập như: phương pháp, mục tiêu nghiên cứu còn xa với yêu cầu của quốc tế; yếu về nền tảng công nghệ. VD: Đa số học sinh và giáo viên vẫn xa lạ với các nền tảng công nghệ mở như Arduino, SCRATCH, máy in 3D những công nghệ chi phí rất thấp, dễ học và có thể dùng để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp một cách đơn giản. Chính nhờ việc sử dụng công nghệ này mà học sinh Phạm Huy của THPT Quảng Trị đã vừa đạt giải Ba của Intel ISEF 2017 ở Mỹ dù đã phải vất vả xin 3 lần mới nhận được visa.
Tiết sinh hoạt đọc sách đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao văn hóa đọc
*Nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khá cao khiến thời gian dành cho việc đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn... lấn lướt co hẹp lại, làm suy thoái thói quen đọc của học sinh. Là người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì để giúp các em ham đọc sách?
- Dạy đọc là một trong những kỹ năng hàng đầu mà các nhà trường từ bậc tiểu học đến đại học phải trang bị cho học sinh. Để có thể xây dựng được một xã hội ham đọc sách thì phải triển khai được hệ sinh thái đọc sách trong nhà trường. Bởi nếu không triển khai được hệ sinh thái đọc sách trong nhà trường thì hệ sinh thái đọc sách trong gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở trường, học sinh có thể đọc ở thư viện, sân trường. Tuy nhiên, thời gian đọc ở thư viện hoặc sân trường không nhiều nên để việc đọc đi vào thực chất phải có không gian cho các em. Ở trên lớp, việc đọc cũng cần được các thầy cô giáo quan tâm thông qua việc giao nhiệm vụ cho học sinh đọc ở nhà, sau đó có kiểm tra đánh giá. Các sự kiện về văn hóa đọc như Ngày hội đọc sách thường một năm mới có một lần, ngày đó rất cần thiết nhưng chỉ mang tính truyền thông vì vậy quan trọng nhất là các nhà trường cần phải đưa vào chương trình tiết sinh hoạt đọc sách cho học sinh.
*Số lượng sách được xuất bản hàng năm đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng chất lượng sách không được phát triển phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không ham thích đọc sách?
- Đúng vậy. Hiện nay, trong các nhà sách chưa có khu riêng dành cho sách khoa học mà sách khoa học được bầy lẫn lộn với các loại sách khác, điều đó chính là một trong những nguyên nhân làm cản trở việc phát triển văn hóa đọc. Ngoài ra, có thể kể ra đây một số căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải, trước tiên đó là bệnh “còi tri thức”. Chúng ta thiếu sách cho học sinh trung học vì vậy các em phải đọc sách của U9, tức là các loại sách dành cho thiếu nhi. Bệnh thứ hai là “Dậy thì sớm tri thức”, các em từ 10 đến 15 tuổi không có sách đọc nên phải tìm sách của lứa tuổi lớn hơn dẫn đến quá tải, đó chính là nguyên nhân tạo ra rào cản về đọc. Bên cạnh đó, sách của chúng ta thiếu phần Index để tra cứu từ khóa và khái niệm quan trọng ở phía cuối sách, cũng ảnh hưởng đến kỹ năng đọc của các em.
*Được biết, ông là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các tủ sách phụ huynh, tủ sách trường học, tủ sách cộng đồng… các tủ sách này có thúc đẩy được văn hóa đọc; các nhà trường cần có giải pháp gì khuyến khích học sinh tham gia đọc thường xuyên để việc đọc sách trong các thư viện trường học có hiệu quả?
- Việc góp sách của các bậc phụ huynh và các cựu học sinh cho nhà trường để xây dựng các tủ sách ở trong từng lớp học là rất đáng quý. Tuy nhiên, để tủ sách vận hành, phát huy được hiệu quả thì phải có tiết sinh hoạt đọc sách. Trong tiết sinh hoạt này, các thầy cô giáo nên mang đến cho học sinh cách thức tiếp cận một cách nhẹ nhàng. VD mỗi một học kỳ, mỗi học sinh được trình bày trước lớp về một quyển sách mà các em yêu thích (không bị ai áp đặt). Các trường nên xây dựng một bộ câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu để học sinh có thể trả lời một cách dễ dàng sau khi đọc như: tên tác giả sách là gì, chi tiết nào trong sách mà em thấy thích, sách có bao nhiêu trang, câu nào hay, nhân vật nào có gì đặc biệt… từ đó mới có thể khuyến khích học sinh đọc thường xuyên góp phần nâng cao văn hóa đọc.
*Xin cảm ơn ông!