Sức ép từ tăng dân số cơ học
Những năm gần đây, dân số cơ học tại Hà Nội tăng nhanh đến chóng mặt. Theo thống kê, từ năm 2009 đến năm 2014, dân số toàn TP tăng từ 6,537 triệu người lên 7,319 triệu người, trong đó 12 quận tăng 418.100 người. Khu vực tăng dân cư nhanh nhất gồm quận: Bắc Từ Liêm 65.200 người, Nam Từ Liêm 60.000 người, Hà Đông 57.000 người, Long Biên 43.000 người, Thanh Xuân 41.000 người, Đống Đa 34.000 người, Cầu Giấy 21.800 người… Con số này tiếp tục tăng nhanh trong thời gian gần đây, với dân số lên tới hơn 7,5 triệu người.
Nhiều trường học vẫn quá tải học sinh (ảnh minh họa)
Mặc dù trong giai đoạn 2012-2015, toàn TP đã xây mới 121 trường học, gần 1.700 phòng học với kinh phí hơn 3 nghìn tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 655 trường học các cấp và cải tạo sửa chữa hơn 8000 phòng, với kinh phí gần 6,5 nghìn tỷ đồng, song vẫn không đáp ứng được quy định về số lớp/trường, số học sinh/lớp. Chính vì vậy, với bậc học Mầm non qui định sĩ số không quá 35 trẻ/nhóm lớp, bậc học Tiểu học 35 học sinh/lớp, nhưng trên thực tế tại nhiều trường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng…, sĩ số học sinh trên lớp đều lên tới 45-60 học sinh/lớp. Thực tế này đòi hỏi toàn TP cần rà soát, bổ sung lại cho phù hợp quy hoạch mạng lưới trường học.
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm quận Hà Đông xây mới từ 4 đến 5 trường học, nhưng nhiều trường vẫn quá tải. Quy mô tuyển sinh những năm gần đây tăng trung bình trên 5 nghìn HS/năm. Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Hòa cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 100 dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị đang triển khai, trong đó 60 dự án đã đưa vào hoạt động, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về dân số, đòi hỏi phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, trong đó có trường học. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, Hà Đông cần thêm 85 trường học mới.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện Đông Anh cũng chịu áp lực không nhỏ từ tăng dân số, khiến số học sinh tăng cao. Trong đó, năm học 2015-2016 tăng hơn 2.000 học sinh, năm học 2016-2017 tăng hơn trên 3.000 em…
Tại quận Tây Hồ, theo các con số thống kê thì dù 100% các phường có đủ trường công lập ở cả ba cấp học, nhưng với sự gia tăng dân số nhanh, dẫn tới tình trạng hầu hết các lớp học đều vượt quá sĩ số tiêu chuẩn (sĩ số trung bình/lớp bậc học mầm non công lập là 51 trẻ, tiểu học là 46 học sinh (HS) và THCS là 40 HS). Đặc biệt, từ nhiều năm nay, tại phường Tứ Liên, trường THCS vẫn phải học nhờ ở đình Nội Châu. Chỉ riêng bậc tiểu học, hiện để đáp ứng tiêu chí 100% HS học 2 buổi ngày với sĩ số 40 HS/lớp, quận vẫn thiếu 71 phòng học và cần xây thêm 1 trường tiểu học Tứ Liên.
Rà soát quỹ đất xây trường
Năm học 2016-2017, mạng lưới các trường học trên địa bàn TP tiếp tục phát triển với 2.665 trường học, gần 53 nghìn nhóm lớp với 1,8 triệu HS, so với cùng kỳ năm học trước tăng 43 trường, hơn một nghìn nhóm lớp, 95 nghìn HS. Mầm non và tiểu học là hai cấp học có sự phát triển mạnh về quy mô HS... Nhu cầu bổ sung trường, phòng học là cấp thiết, song hầu hết các đơn vị đều đang đối mặt với hai khó khăn cơ bản là kinh phí và quỹ đất.
Theo PCT UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung, hiện nay Ba Đình gặp nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ đất sạch để xây trường học. Trong đó, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là 1 trong 2 trường vẫn đang học chung với di tích. Cũng như vậy, quận Hà Đông từ nay tới năm 2020 cần xây dựng 85 trường mới, nhưng quỹ đất sạch gần như không còn... Trong khi các quận nội thành gặp nhiều trở ngại do thiếu đất sạch xây trường thì phần lớn huyện ngoại thành lại khó khăn về kinh phí. Trong đó, huyện Ba Vì hiện còn 234 phòng học xuống cấp, không bảo đảm chất lượng. Huyện Mỹ Đức còn 206 phòng học mượn, học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp, chủ yếu ở cấp học mầm non. Nhiều nơi thiếu phòng, phải ngăn đôi để HS có chỗ học. Nguồn ngân sách của huyện khó giải quyết triệt để tình trạng này. Số phòng học cần thay mới của Phú Xuyên là 119, song huyện chưa thể giải quyết do ngân sách hạn chế... Khó khăn như vậy, song việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học là việc cần làm ngay để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn TP. Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết: Qua rà soát cho thấy, trước thực tế tăng dân số cơ học như hiện nay, Hà Nội cần xây mới thêm 314 trường công lập, trong đó, cấp MN hiện còn thiếu 166 trường, TH thiếu 76 trường, THCS thiếu 55 trường, THPT thiếu 17 trường.
Cô và trò trường Mẫu giáo Mầm non B Hà Nội náo nức niềm vui
đón Bằng công nhận CQG và Chất lượng cao
PCT UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: Trước yêu cầu cấp thiết cần phải phát triển mạng lưới trường học các cấp trên địa bàn, trong năm qua, quận Tây Hồ đã tập trung xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới trường học giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tổng kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách của quận (chưa bao gồm chi phí GPMB) dự kiến là hơn 590 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn quận sẽ có từ 27 đến 33 trường công lập, trong đó 24 trường đạt chuẩn quốc gia và từ 27 đến 33 trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2030; Định hướng phát triển các trường ngoài công lập tại các khu đô thị mới với số lượng mỗi cấp học có ít nhất 2 trường (Quy hoạch tại các khu đô thị đều có quỹ đất dành cho các trường công lập và ngoài công lập)…
Nhấn mạnh yêu cầu về vấn đề rà soát, bổ sung, mở rộng mạng lưới trường lớp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu: Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo đầu tư, xây dựng trường, lớp đảm bảo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự đang thiếu trường học, đang phải học tạm, học nhờ, thiếu trường đạt chuẩn quốc gia. UBND các quận, đặc biệt là các quận nội thành quan tâm, tích cực, chủ động kiểm tra, rà soát quỹ đất do di dời doanh nghiệp, cơ quan,... để quy hoạch, bố trí xây dựng trường học. Sở GD&ĐT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất UBND Thành phố có cơ chế chính sách về trách nhiệm khi đầu tư xây dựng các khu đô thị, các chung cư phải xây dựng trường học. Nếu không đủ đất để xây dựng trường học phải có nghĩa vụ đóng góp với UBND các quận, huyện, thị xã để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn.
Đẩy mạnh xây trường chuẩn quốc gia trong năm
kỷ cương hành chính
Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết: Năm 2016, chỉ tiêu Thành phố giao xây dựng 75 trường đạt CQG, trong đó, cấp học MN: 33 trường; TH 17 trường; THCS 20 trường, THPT 5 trường. Tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận là 105 trường, trong đó: công nhận thêm 103 trường đạt 137% kế hoạch; nâng chuẩn mức độ 2 là 2 trường. Như vậy, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 48,2%, trong đó công là 57% (1.209/2.122 trường). Có 462 trường được kiểm tra thẩm định và công nhận lại. Có 26 quận, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu; ba đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đều vượt mức trên 80% gồm: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì; 5 đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn dưới 50%; hai đơn vị có tỷ lệ thấp nhất thành phố là Phú Xuyên 27,3% và Ba Vì 31,3%.
Kết quả đạt được trong xây dựng trường CQG cho thấy Thành phố và các Sở, ban, ngành đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư trường lớp học thực hiện chỉ tiêu trường CQG. Trong đó, năm 2016 đã đầu tư xây dựng và bổ sung trang thiết bị cho 26 trường chất lượng của 13 huyện, thị xã, dự kiến hoàn thành đạt CQG vào năm 2017. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phù hợp, khả thi để các đơn vị thực hiện; Tăng cường công tác rà soát, đôn đốc, giao ban để triển khai thực hiện kế hoạch… Các quận, huyện, thị xã đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng trường CQG.
Mặc dù đã tích cực thực hiện vượt chỉ tiêu trường đạt CQG, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này. Trong đó, năm 2016, kinh phí cho đầu tư công tiếp tục còn khó khăn; Các huyện ngoại thành kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường CQG còn hạn hẹp. Nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, vừa phải tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đã đạt CQG; Các quận nội thành thì khó khăn về đất để mở rộng trường…
Năm 2017, Thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch cho các quận, huyện và Sở GD&ĐT Hà Nội là xây dựng 80 trường đạt CQG, trong đó MN: 29 trường, TH 22 trường, THCS 22 trường, THPT 7 trường; Số trường cần thực hiện công nhận lại là 182 trường… Để đạt được chỉ tiêu này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho mục tiêu xây dựng trường học đạt CQG; Tiếp tục đầu tư xây thêm, kết hợp xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp cho các huyện còn khó khăn; Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường CQG cho các huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp và nguồn kinh phí khó khăn, giúp giảm chênh lệch điều kiện giáo dục giữa các quận, huyện, đó là các huyện đặc thù: Phú Xuyên, Ba Vì, Ứng Hòa, Thạch Thất và Chương Mỹ; Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mở rộng quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành, trong đó ưu tiên các đơn vị có tỷ lệ trường CQG thấp, như quận Ba Đình… Về phía các UBND quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường CQG; Chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn đã đạt CQG có trách nhiệm giữ vững và vượt các tiêu chuẩn của trường đạt CQG…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhận định: Xây dựng trường CQG là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường, là trách nhiệm của những người làm giáo dục. Công tác này cần được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2017, năm Kỷ cương hành chính, góp phần đem lại sự hài lòng cho cha mẹ học sinh và các em học sinh khi đến trường. Giám đốc đề nghị, trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Các nhà trường cần xây dựng Đề án xây dựng trường đạt chuẩn, đảm bảo 5 rõ: rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm, tiến độ, kinh phí… Quan tâm xây dựng trường chuẩn ở cấp MN, TH.